Thành viên: Nguyễn Thị Yến

Tuổi: 32

Sống tại: Vụ Bản, Nam Định

Thành viên Nguyễn Thị Yến: “Tôi đã luôn ước mơ có một xưởng thu mua và tái chế chai nhựa!”

Chị Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1992, là thành viên TYM – chi nhánh Ý Yên, Nam Định, phòng Giao dịch 02 – huyện Vụ Bản, đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để thực hiện ước mơ thoát nghèo của mình, trở thành chủ cơ sở thu mua, tái chế nhựa có quy mô và tạo công ăn việc làm cho những chị em tại địa phương. Chị đã dành cho chúng tôi buổi chia sẻ chân thành.

 Vốn ở vùng đất thuần nông ở Nam Định, điều gì đã khiến chị và gia đình chuyển hướng với nghề thu mua, tái chế nhựa?

Chị Nguyễn Thị Yến:  Gia đình tôi trước đây là gia đình thuần nông nghèo của xã, thu nhập chỉ dựa vào cấy 4 sào lúa và lạc. Năm 2010, gia đình khó khăn nên tôi nghỉ học sau khi học xong cấp 3 và lập gia đình. Hai vợ chồng trẻ mới cưới rất khó khăn nên vợ chồng tôi được người chị họ tạo điều kiện nhận làm thuê tại xưởng thu mua và xử lý sơ – tái chế vỏ chai nhựa. Trong quá trình làm việc tại đây, tôi luôn ấp ủ mơ ước có thể có đủ kinh nghiệm, đủ vốn để tự mình mở xưởng thu mua tái chế vỏ chai nhựa. Mặt khác, nếu chuyển về nhà làm, thì rất  thuận lợi để vừa làm vừa chăm 2 con nhỏ; đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều người trung tuổi ở quê.

Khi bắt tay vào thực hiện hướng làm ăn, phát triển kinh tế mới của gia đình, chị đã gặp phải khó khăn như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Yến: Từ năm 2016, từ nguồn vốn tự có và hỗ trợ từ người thân và một số nguồn khác, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc để mở xưởng thu mua và sơ – tái chế vỏ chai nhựa tại nhà. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh nên gia đình thường xuyên thiếu vốn nhất là vốn để thu mua phế liệu.

Không chỉ vậy, khi mới mở xưởng nguồn vốn rất khó khăn, đi vay không ai cho vay. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ rằng việc buôn bán của gia đình tôi là viển vông. Không nản chí, tôi và chồng phải động viên thuyết phục gia đình, huy động từ bạn bè anh em và vay thêm vốn bên ngoài.

Khi bắt đầu thành lập, xưởng của tôi hoạt động với quy mô nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn. Công việc mới, công nhân mới, tốc độ bóc tách, phân loại nhựa, chuyển ra máy làm sạch, máy nghiền còn chậm chưa đạt chỉ tiêu. Chúng tôi đã lên kế hoạch đào tạo hướng dẫn cho họ từ công đoạn bóc tách tem mác, phân loại chai nhựa rồi mới được đưa vào xử lý làm sạch, cho vào máy nghiền…

Chúng tôi cũng cố gắng thường xuyên học hỏi công nghệ mới để về áp dụng cho xưởng của mình. Dần dần xưởng cũng hoạt động ổn định.

Câu chuyện nguồn vốn thiếu hụt để mua sắm trang thiết bị sản xuất, vốn vay vẫn khó tiếp cận ở các ngân hàng, chị giải quyết vấn đề này thế nào?

Chị Nguyễn Thị Yến: Đúng là khó khăn về thiếu vốn luôn khiến chúng tôi lo lắng nhất. Số vốn tích lũy ban đầu đã được tôi sử dụng để đầu tư mua sắm máy móc, sửa chữa lán xưởng sản xuất. Xưởng của chúng tôi thường xuyên gặp khó khăn trong việc có đủ vốn để thu mua nguyên liệu vỏ chai nhựa phục vụ cho quá trình chế biến sản xuất.

Vào thời điểm năm 2016, tôi được cán bộ TYM giới thiệu và vận động tham gia vay vốn tại TYM với thủ tục nhanh gọn, gốc và lãi vay được chia nhỏ trả dần lại không cần tài sản thế chấp. Sau khi cân nhắc và bàn bạc với chồng, tôi đã vay được số vốn ban đầu là 15 triệu đồng để có thể nhập đủ nguyên liệu sản xuất cần thiết. Sau đó, mức vốn tăng dần mỗi năm và ổn định, chúng tôi đều tiếp tục vay của TYM để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất của gia đình nhằm đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn hơn, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Từ khi tham gia TYM đến nay và quá trình sử dụng nguồn vốn vay đầu tư vào sản xuất, chị đã đúc rút ra được những kinh nghiệm gì trong việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất nguồn vốn mình có được?

Chị Nguyễn Thị Yến: Nguồn vốn đến với mình lúc khó khăn nhất thì sẽ luôn có ý nghĩa và quý giá nhất. Nguồn vốn đầu tiên vay từ TYM, 15 triệu đồng, tôi đã sử dụng và chia các khoản tiền với các mục đích khác nhau, một phần làm vốn lưu động thu mua phế liệu nhựa; một phần chi trả cho công nhân; một phần sửa chữa máy móc… Sang năm 2017, tôi tiếp tục mạnh dạn xin vay vốn đầu tư tại TYM với mức 50 triệu đồng và cho đến nay là 100 triệu để tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất của mình. Có thể khoản tiền vay từ TYM chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của tôi thế nhưng nó lại ổn định, lâu dài và việc chia nhỏ để trả dần với số tiền hàng tuần khiến cho tôi cảm thấy việc trả khoản nợ này hoàn toàn thoải mái. Cũng từ đây mà tôi hình thành được thói quen tiết kiệm, chi tiêu và quản lý sổ sách kinh doanh của mình một cách hợp lý, khoa học hơn.

Không chỉ vậy, khi tham gia vào TYM, gia đình tôi còn được hỗ trợ, tư vấn làm thế nào để có nguồn hoàn trả tuần đều đặn, được các chị em trong cụm chia sẻ trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế thông qua buổi sinh hoạt cụm, gia đình tôi đã hoàn thành việc hoàn trả vòng vốn vay đầu tiên.

Việc sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả nhất, với tôi chính là làm sao đạt kết quả sản xuất kinh doanh được tốt nhất. Gia đình tôi là gia đình đầu tiên tại xã mở xưởng thu mua vỏ chai nhựa sau đó bóc bỏ tem nhãn, làm sạch rồi phân loại nhựa đem nghiền nhỏ để xuất bán cho các xưởng công ty lớn tại Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương để tạo hạt kéo sợi.

Tuy vậy, nếu thu mua rồi phân loại thô và xuất bán, thì lợi nhuận không cao. Vì vậy, cơ sở của tôi không chỉ dừng lại ở việc phân loại vỏ chai nhựa phế liệu mà còn làm sạch, nghiền nhỏ rồi xuất bán cho các cơ sở chế biến lớn mang lại giá trị cao hơn. Trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vốn tôi rất mong có thêm được những hỗ trợ về mặt kỹ thuật để tôi ngày càng hoàn thiện mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình mình.

Xin cảm ơn chị!

“Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi ni lông/ngày. Như vậy, hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới.”

Đọc thêm tại đây

Share

20/09/2019