Thành viên: Vũ Thị Huệ

Tuổi: 46

Sống tại: Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Đồng hành cùng người mẹ “có H” đưa con vào đại học

Người vợ nhiễm HIV từ chồng, rồi trở thành mẹ đơn thân nuôi con ăn học nhờ những hỗ trợ từ Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM). Con trai tốt nghiệp đại học nhưng chị vẫn tiếp tục gắn bó với TYM.

Dang dở giấc mơ hạnh phúc

Năm 1996, thôn nữ Vũ Thị Huệ kết hôn với anh Trần Công Sơn là người cùng làng. Vợ chồng trẻ về sống cùng bố mẹ chồng ở tổ 4 thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, tài sản chưa có gì nhiều nhưng tràn ngập hy vọng vào tương lai. Ngày ấy ruộng không còn nhiều, trong tay có nghề mộc, anh Sơn được đồng nghiệp rủ vào miền Nam lập nghiệp. Vợ chồng mới cưới hương lửa đang nồng, anh rủ chị cùng đi khai phá miền đất mới. Chưa một lần nghĩ đến việc xa quê, chị Huệ bảo chồng “Anh cứ đi cùng bạn làm ăn, em ở nhà với bố mẹ chờ anh. Giờ tàu xe cũng tiện, ngày lễ ngày Tết anh lại về với bố mẹ, với em. Vài năm có vốn mình về làm hẳn ở nhà chẳng phải đi đâu xa…”.

Đến tận bây giờ, đó là điều chị vẫn còn tiếc nuối: giá ngày ấy mình liều đi theo, có vợ, có chồng có khi những điều tai bay vạ gió đã chẳng đến.

2 năm sau anh Sơn trở về. Rồi vợ chồng chị vui mừng đón đứa con trai đầu lòng. Ngôi nhà có ông bà, có vợ chồng giờ thêm tiếng bi bô của đứa trẻ. Một thời gian sau, anh Sơn lại lên đường vào Nam làm ăn. Anh theo đồng nghiệp sang cả nước bạn mưu sinh.

Năm 2002, chồng chị trở về. Bố mẹ tuổi đã cao, con cũng đang tuổi lớn, anh dự định ở hẳn nhà. Anh chị mở một xưởng mộc, mướn thêm vài người thợ. Công việc cũng bắt đầu vào guồng.

Nhưng rồi đang tuổi trai trẻ mà sức khỏe của anh ngày càng yếu. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ do anh lao lực, chỉ cần nghỉ ngơi bồi bổ rồi sẽ khỏe lại.

Thêm một thời gian, sức khỏe của anh vẫn không cải thiện. Đi khám tại địa phương, anh được giới thiệu ra Hà Nội thăm khám lại. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy anh đã nhiễm HIV. Tin dữ như sét đánh ngang tai. Nhân viên y tế tư vấn và khuyên chị cũng làm xét nghiệm. Kết quả chị cũng dương tính.

Thể chất và tinh thần cùng suy sụp. Việc làm ăn của anh chị bị đình trệ. Cha mẹ đã già, nhất là cậu con trai kháu khỉnh đang tuổi lớn là nguồn động lực giúp anh chị cố gắng đứng dậy chống chọi bệnh tật, khó khăn. 3 năm chạy chữa thuốc thang cho chồng, chị thực sự lâm vào túng thiếu.

“Nương tựa” vào TYM để đứng dậy chăm chồng, nuôi con

Sức khỏe yếu, chồng chị hầu như không làm được gì. Vợ chồng chị bàn bạc và quyết định để chị đi học nghề đục (một công đoạn của nghề mộc kỹ thuật cao).

Chị tìm đến học nghề của chị Ninh Thị Hưng. Nghề đục đòi hỏi người làm phải khéo léo cẩn thận và ít nhiều có hoa tay. Người bình thường phải học nửa năm mới bắt đầu làm nghề. Chị cố gắng rút ngắn thời gian còn 3 tháng.

Từ đó chị nhận hàng về đục tại nhà, ngày đêm tranh thủ vừa chăm chồng, chăm con và làm nghề. Mỗi tháng thu nhập 5-6 triệu đồng chỉ đủ cho chị trang trải cuộc sống. Với những khoản tiền lớn như mua thuốc cho chồng, đóng học cho con là những thách thức lớn.

Năm 2004, chị trở thành thành viên của TYM. Chị được vay món tiền đầu tiên 500.000 đồng với lãi suất ưu đãi để mua thuốc cho chồng.

Không chỉ hỗ trợ về kinh tế, TYM còn động viên, cổ vũ về mặt tinh thần. Thời gian đầu, mặc cảm là người có H, chị khép mình ít tiếp xúc với các thành viên. Cán bộ TYM đã tìm hiểu qua các thành viên khác rồi chủ động tiếp xúc động viên chị, đồng thời vận động các thành viên khác không kỳ thị, chủ động chia sẻ động viên chị Huệ. Cùng với thời gian, chị Huệ gỡ bỏ mặc cảm, dần tìm được tự tin trong cộng đồng thành viên TYM.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa và Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa thăm tặng quà chị Huệ và chi nhánh TYM tỉnh Nam Định năm 2015

Năm 2009, chồng chị suy kiệt rồi mất, để lại khoản nợ lớn trước đó chị đã chạy vạy thuốc thang cho chồng. Căn bệnh nghiệt ngã cùng các khoản nợ khiến người phụ nữ ở tuổi 28 khi đó suy sụp hoàn toàn. Thương con, sức khỏe yếu, công việc không ổn định, chị luôn đau đáu “rồi không biết mẹ con tôi sẽ thế nào, con tôi liệu có tiếp tục được đến trường không?”. May mắn thay thời điểm đó, cũng vẫn là cán bộ TYM đến động viên, chia sẻ, khuyến khích chị tham gia vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, mỗi năm chị đều vay vốn từ 10-15 triệu đồng và tham gia gửi tiết kiệm để tích lũy thêm cho gia đình. Ngoài ra, chị còn được cán bộ TYM chia sẻ, tư vấn về cách quản lý tài chính, sử dụng đồng vốn để đạt hiệu quả cao.

Nén lại nỗi đau chị vẫn miệt mài làm nghề nuôi con ăn học. Con trai chị lớn lên ăn học ngày một tốn kém hơn, cũng vẫn chỉ có TYM đồng hành. Ở mỗi dấu mốc quan trọng của mẹ con chị, TYM đều có mặt. Năm con chị đỗ vào cấp 3, TYM trao học bổng 2 triệu đồng. Năm con chị có tin vui đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TYM cũng trao học bổng 4 triệu đồng hỗ trợ cháu ăn học.

Khoản học phí của con chị ngày một lớn, TYM tiếp tục đồng hành cùng chị để lo cho con ăn học. Chi phí cho những học kỳ cuối ngày một tăng cao, có những lúc chị phải lo số tiền vài chục triệu đồng.

Năm 2022 con trai chị đã tốt nghiệp đại học, chị nói trong nước mắt: “Không có TYM thì mẹ con tôi không dám mơ tới cổng trường. Con tôi tốt nghiệp nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục là thành viên của TYM”.

Share

12/10/2022