Lực hấp dẫn của tài chính vi mô: Đối thủ “đáng gờm” của NHTM (Bài 2)

13/10/2012

Thực tế hoạt động của hai tổ chức tài chính vi mô đã được cấp phép chính thức cho thấy: khi được chuyển và nâng cấp trở thành các tổ chức tài chính vi mô chính thức, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô có điều kiện phát triển hơn.

Tốc độ phát triển – niềm mơ ước của các NHTM

Từ tháng 10/2010, được sự viện trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) qua Dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 1,5 triệu USD, các tổ chức TCVM bán chính thức đã có điều kiện để chuyển đổi và nâng cấp trở thành các tổ chức TCVM chính thức do NHNN cấp giấy phép.

Ông Nguyễn Vĩnh Hưng – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) cho biết, mục tiêu của dự án là chuyển đổi 5 TCVM (M7, CEP, TYM, Tiền Giang, Thanh Hóa) thành tổ chức TCVM chính thức hoạt động theo sự điều chỉnh của Nghị định 28/2005/NĐ-CP và Nghị định 165/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM nhỏ tại Việt Nam. Đến nay đã có 2 tổ chức là Tài chính quy mô nhỏ TNHH Tình Thương (TYM) và Tài chính quy mô nhỏ TNHH M7 được cấp phép chuyển đổi.

Bà Mai Thị Xường – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa (Quỹ Thanh Hóa) cho biết, Quỹ này đang thực hiện việc chuyển đổi với “vốn liếng” khá hùng hậu mà ngay cả một chi nhánh của NHTM cũng không khỏi ghen tị về số lượng và tốc độ phát triển: chỉ sau hai năm (từ năm 2010 đến 2012) số xã, phường tham gia TCVM tăng từ 43 lên 52; số thành viên tăng từ 7.772 lên 13.516; tổng dư nợ cho vay tăng từ 19 tỷ đồng lên gần 38 tỷ đồng. Ngoài ra, số thành viên tham gia tiết kiệm bắt buộc đã tăng từ 7.675 lên hơn 12 nghìn thành viên. Số thành viên tham gia tiết kiệm tự nguyện tăng từ 3 thành viên lên hơn 1 nghìn thành viên. Những số liệu của Quỹ Thanh Hóa cho thấy, đã có tăng trưởng đáng kể về số thành viên, dư nợ và tăng mạnh số dư huy động tiết kiệm tự nguyện.

Thực tế hoạt động của hai tổ chức TCVM đã được cấp phép chính thức cho thấy: khi được chuyển và nâng cấp trở thành các tổ chức TCVM chính thức, hoạt động của tổ chức TCVM có điều kiện phát triển hơn. Các tổ chức này có con dấu như một ngân hàng thu nhỏ; đặc biệt là họ được huy động vốn của các tổ chức trong và ngoài nước. Đơn cử như  Quỹ TYM, sau hơn 2 năm chuyển đổi đã có trên 80 nghìn thành viên hưởng ứng tham gia. Quỹ hoạt động tại 10 tỉnh, với 17 chi nhánh và 26 phòng giao dịch, dư nợ cho vay trên 436 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả 99,98%. Nguồn vốn cho vay của Quỹ TYM đã giúp cho hơn 100 nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo, hỗ trợ 1.200 dự án phát triển thành doanh nghiệp nhỏ…

Đầu ra có, khó đầu vào

Bà Dương Ngọc Linh – Tổng giám đốc Quỹ TYM cho biết, sau khi được cấp phép, tổ chức TCVM hoạt động dưới sự kiểm tra, thanh tra giám sát của NHNN, tuân thủ theo đúng các quy định liên quan. Điều này giúp nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh của các tổ chức TCVM, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài của tổ chức. Việc chuyển đổi mô hình thành tổ chức TCVM chính thức đã tạo cơ hội cho các tổ chức này trong việc đa dạng hóa sản phẩm và tăng khả năng huy động nguồn vốn. Từ đó, các tổ chức TCVM thuận tiện hơn trong việc tiếp cận và cung cấp sản phẩm cho ngày càng nhiều khách hàng, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo.

Các chuyên gia tài chính đánh giá: mô hình TCVM không chỉ cung cấp tín dụng, tiết kiệm mà thông qua các buổi họp cụm, thu tiền, các khóa đào tạo; người dân vay vốn còn được cung cấp các kiến thức sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi… và cả kiến thức xã hội như chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, kiến thức về bình đẳng giới. Các hoạt động này giúp người dân mạnh dạn, tự tin hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội. Tất cả các hoạt động này đều được cung cấp hoàn toàn miễn phí nên đã tạo được sự hấp dẫn với người dân.

Từ năm 2012 Chính phủ đã bổ sung nguồn vốn hoạt động cho các tổ chức TCVM chính thức 50 tỷ đồng và đến năm 2020 các tổ chức TCVM sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn từ Chính phủ để mở rộng hoạt động, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, vấn đề huy động vốn của các tổ chức TCVM hiện nay vẫn rất khó khăn.

Tổ chức TCVM được phép huy động vốn từ các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế và đặc biệt là từ thị trường tài chính trong nước (huy động tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện từ khách hàng và huy động tiết kiệm từ công chúng). Nhưng so với bề dày hoạt động của các NHTM thì các tổ chức TCVM chưa có kinh nghiệm trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay trong và ngoài nước. Thậm chí, ở nhiều nơi các cấp lãnh đạo địa phương chưa hiểu rõ về bản chất hoạt động của TCVM nên chưa có sự quan tâm và ủng hộ đúng mức trong việc huy động tiết kiệm của tổ chức. Bên cạnh đó, khả năng tiết kiệm của khách hàng là người dân nghèo và cận nghèo cũng như của người dân tại các địa bàn nông thôn còn hạn chế nên nguồn vốn cho hoạt động của tổ chức TCVM khá eo hẹp.

Thực tế hoạt động của các tổ chức TCVM cho thấy, với mô hình hoạt động đặc thù, đi vào từng ngõ ngách, thôn xóm, quan tâm đến từng hộ nghèo đồng vốn của họ đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện tăng gia sản xuất, cải thiện điều kiện sống. Chính vì thế, để hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức này, NHNN cần ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể đối với hoạt động TCVM theo Luật Các TCTD 2010; nhất là cho phép các tổ chức tài chính quy mô nhỏ được mở chi nhánh mới tại các địa bàn khó khăn. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về TCVM để người dân, các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn về hoạt động và hiệu quả của mô hình này.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

(Trích Thời báo Ngân hàng ngày 12/10/2012)

Share

Tin tức gần đây

Thư mời cung cấp dịch vụ kiểm toán

Kính gửi: Quý Công ty Kiểm toán TYM đang thực hiện quy …

Share
Đọc thêm tại đây
Thông báo thay đổi địa điểm TYM – Chi nhánh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, PGD số 01

Căn cứ thông tư số 19/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM khai trương chi nhánh thứ hai tại tỉnh Thanh Hóa

Sáng ngày 14/8/2023, tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã diễn …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn khách hàng và cán bộ CARD MRI đến thăm TYM

Ngày 17/7/2023, 21 cán bộ và khách hàng Các tổ chức Tương …

Share
Đọc thêm tại đây