Đòn bẩy giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

07/09/2023

Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã phối hợp với tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình hội viên, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo của địa phương.

Nhờ nguồn vốn được vay, chị Nguyễn Thị Gấm, xã Thuỵ Lôi (Tiên Lữ) mở rộng xưởng may, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ

Chị Nguyễn Thị Gấm, là chủ cơ sở may gia công ở xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) cho biết: Được Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương (TYM) Chi nhánh Hưng Yên (tổ chức do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập) cho vay 75 triệu đồng, tôi đã mua thêm máy móc, trang thiết bị. Từ một tiệm may nhỏ, đến nay, xưởng may đã được mở rộng có diện tích gần 300m2 với nhiều loại máy móc hiện đại, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 250 triệu đồng.

Đối với chị Hoàng Thị Thùy, xã Tống Phan (Phù Cừ) với xưởng sản xuất áo mưa mang nhãn hiệu “Phong Dương” tạo việc làm ổn định cho gần 300 phụ nữ. Chị Thùy cho biết: Khi mở rộng xưởng sản xuất, do khó khăn về vốn, tôi đã được Hội LHPN xã tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Cừ để mua thêm máy móc. Ngoài xưởng sản xuất tại xã Tống Phan, tôi mở thêm 5 điểm sản xuất khác, cung cấp máy móc và nguyên liệu để các chị mang về nhà làm. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Được vay vốn 70 triệu đồng mà không cần thế chấp từ TYM Chi nhánh Hưng Yên, chị Nguyễn Thị Hương, xã Ngọc Thanh (Kim Động) đã xây dựng được mô hình trang trại trồng cây ăn quả rộng 1,5 mẫu. Chị Hương cho biết: Nhờ được vay vốn từ TYM và Hội LHPN xã tạo điều kiện để tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả tại những địa phương lân cận, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả để áp dụng vào mô hình trang trại của gia đình. Hiện nay, mô hình trang trại trồng hơn 100 cây dừa, 500 cây cam đường canh và bưởi, mỗi năm thu lãi 150 – 200 triệu đồng, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn, hằng tuần vừa trả vốn vay, tôi vừa có một khoản tiền gửi tiết kiệm.

Với sự hỗ trợ về vốn của tổ chức hội cùng sự nỗ lực làm giàu, chị Gấm, chị Thuỳ, chị Hương là 3 trong số những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ nông thôn trên con đường lập nghiệp. Đến nay, Hội LHPN trong tỉnh phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng tín chấp hơn 3.428 tỷ đồng cho 51.429 gia đình phụ nữ vay vốn, trong đó từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cho 36.532 hộ vay hơn 1.922 tỷ đồng; từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 5.817 hộ vay hơn 1.401 tỷ đồng; từ TYM Chi nhánh Hưng Yên cho 9.080 hộ vay hơn 104 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Chung, Giám đốc TYM chi nhánh Hưng Yên cho biết: Với việc cung cấp vốn phục vụ tận thôn, xóm; không thu lệ phí hồ sơ; thủ tục nhanh gọn, kịp thời; vốn vay không cần tài sản thế chấp, mức vốn nhỏ, tăng dần qua các năm; vốn vay được lặp lại nhiều lần, những năm qua, TYM chi nhánh Hưng Yên đã hỗ trợ nhiều phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các hội viên, phụ nữ khi tham gia tiết kiệm ở TYM với mức nhỏ nhất 5 nghìn đồng/lần gửi, đã dần hình thành được thói quen tiết kiệm, biết cách cân đối chi tiêu và tích lũy cho tương lai thông qua việc gửi tiền tiết kiệm hằng tuần, hằng tháng.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội LHPN đã tổ chức khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về các nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi khi vay vốn; tăng cường tuyên truyền hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện liên kết sản xuất; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Gắn với cho vay, hằng năm, các cấp hội thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tại cơ sở, qua đó, đã phát hiện những hạn chế tồn tại và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vốn vay tại cơ sở. Đồng chí Trịnh Thị Minh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Không chỉ đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay vốn, tổ chức hội còn tạo điều kiện cho hội viên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn kiến thức về sản xuất, kinh doanh; giới thiệu những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào mô hình của gia đình. Nhờ đó, hội viên phụ nữ của xã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay, đồng chí Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ nguồn vốn được vay đã và đang phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Nguồn: Báo Hưng Yên

Share

Tin tức gần đây