Tiên Dược (Sóc Sơn): TYM là điểm tựa, giúp nhiều chị em thay đổi cuộc sống

15/04/2024

Tổ chức Tài chính Vi mô Tình Thương (TYM) đã dần trở thành điểm tựa giúp chị em phát triển kinh tế.

Từ những năm 90, khi tín dụng vi mô về với xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), cuộc sống của những người phụ nữ tại đây đã có những bước thay đổi đáng kể. Tổ chức Tài chính Vi mô Tình Thương (TYM) đã dần trở thành điểm tựa giúp chị em phát triển kinh tế và làm thay đổi cuộc sống không chỉ đối với cá nhân mà còn cả gia đình họ.

Cùng phụ nữ thoát nghèo

Trong ngôi nhà mới 3 tầng khang trang, bà Đỗ Thị Minh Báu (65 tuổi, trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không giấu được niềm vui. Bà bảo: “Cơ ngơi này, tất cả là nhờ TYM mà tôi mới có được”.

Nhìn ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi này ít ai biết rằng, vợ chồng bà Báu đã từng phải trải qua quãng thời gian nghèo khó. Năm 31 tuổi, bà Báu về xã Tiên Dược làm dâu. Chồng bà là bộ đội phục viên, sức khỏe kém, kinh tế gia đình phụ thuộc vào quán tạp hóa nhỏ. Thu nhập ít ỏi từ hàng quán không đủ để bà Báu lo cho chồng chữa bệnh cũng như cho các con ăn học.

Bà Đỗ Thị Minh Báu vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của TYM.

Bà muốn mở rộng quán và bán thêm nhiều hàng hóa khác nhưng lại không có vốn để đầu tư mà cũng chẳng vay mượn được ở đâu cả. Thế rồi đến năm 1998, bà Báu biết đến TYM qua sự giới thiệu của một người họ hàng. Đó cũng chính là thời điểm mà bà Báu tìm thấy được một “tia sáng hy vọng” để phát triển kinh tế gia đình.

“Cách thức tiếp cận nguồn vốn của TYM rất dễ dàng, thuận tiện, không cần tài sản thế chấp. Hằng tháng, vào các buổi sinh hoạt định kỳ, cán bộ TYM đều có mặt để lắng nghe, giải đáp khúc mắc kịp thời”, bà Báu chia sẻ.

Với khoản vay đầu tiên từ TYM trị giá 500.000 đồng, bà Báu dùng một phần để nhập thêm hàng hóa. Phần còn lại để sang sửa cho hàng quán thêm khang trang. Vì khoản vay được chia nhỏ, trả dần trong một năm nên mỗi khi bán được hàng, bà lại giữ một phần để dành trả tiền gốc lãi hàng tuần.

Cũng kể từ đó mà lượng khách quen của quán tăng lên thấy rõ. Một năm sau, bà Báu đã trả hết số tiền vay ban đầu. Không những thế, bà còn tích lũy thêm vốn để mở rộng việc kinh doanh.

Bà Báu kể, 25 năm qua, đều đặn năm nào bà cũng vay vốn từ TYM. Số tiền tuy không lớn nhưng đã giúp bà rất nhiều trong công việc kinh doanh. Nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định, những năm sau này gia đình còn có của ăn của để, làm được nhiều công việc lớn trong nhà.

“Ngoài căn nhà khang trang, năm ngoái, gia đình tôi cũng mua thêm được chiếc xe ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại. Cuộc sống của gia đình tôi đổi thay như ngày hôm nay tất cả đều nhờ có TYM”, bà Báu hào hứng chia sẻ.

Sau nhiều năm vay vốn của TYM để kinh doanh, hiện tại, gia đình bà Báu đã có được cơ ngơi khang trang, rộng rãi.

Sau nhiều năm vay vốn của TYM để kinh doanh, hiện tại, gia đình bà Báu đã có được cơ ngơi khang trang, rộng rãi.

Ở xã Tiên Dược, ngoài bà Báu, còn có nhiều điển hình về việc sử dụng nguồn vốn của TYM để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống. Bà Ngô Thị Bắc (53 tuổi, trú tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược) là một trong những tấm gương như thế. Bà Bắc tham gia TYM từ năm 1995 thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã Tiên Dược.

Trước khi vay vốn của TYM, nguồn thu nhập chính của gia đình bà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Năm đầu vay vốn, bà mua lợn giống về nuôi để sinh sản. Nhận thấy vốn vay mang lại hiệu quả, bà vay tiếp những vòng sau để phát triển chăn nuôi nâng đàn rồi sau đó lại kết hợp chăn nuôi gà để lấy thịt và trứng xuất bán ra thị trường.

Bà Bắc tâm sự, với nguồn vốn vay tín chấp, TYM đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của gia đình bà. Có vốn vay, cùng với sự tư vấn, khích lệ của cán bộ TYM, bà Bắc đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế, điều mà trước đây bà không đủ tự tin để thực hiện.

Bên cạnh việc vay vốn, theo bà Bắc, tiết kiệm cũng là hình thức được chị em yêu thích bởi giúp cho bà và các chị em trong cụm hình thành thói quen tiết kiệm, biết cách chi tiêu phù hợp và tích lũy tài sản trong gia đình.

TYM đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của nhiều gia đình. Ảnh minh họa.

Từ những đồng tiền nhỏ lẻ, sau một thời gian tham gia, các chị em sẽ có được khoản tiết kiệm nhất định. “Nguồn vốn của TYM đã giúp những người phụ nữ nghèo như chúng tôi có cơ hội để thay đổi cuộc đời. Đặc biệt, chúng tôi còn được hưởng lợi nhiều thứ như nắm bắt được kiến thức, được tư vấn kinh nghiệm, cách quản lý tài chính…”, bà Bắc chia sẻ.

“Nhịp đập” của phụ nữ nghèo
Bà Báu, bà Bắc là 2 trong hơn 700 phụ nữ tại xã Tiên Dược đã vay vốn và gắn bó với hoạt động TYM trong nhiều năm qua. Câu chuyện của họ cũng là điển hình cho sự thay đổi của nhiều chị em phụ nữ nơi đây khi được tiếp cận với tín dụng vi mô để phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Có thể nói, xã Tiên Dược là một trong những địa bàn đầu tiên được TYM triển khai hoạt động từ những ngày đầu thành lập, tính đến nay đã hơn 30 năm. Khi đó, tiêu chí tìm kiếm địa bàn là những vùng nghèo nhất của huyện Sóc Sơn. Chắc ít ai có thể tưởng tượng được nơi đây đã từng là một miền quê nghèo khó, nơi người dân chủ yếu là thuần nông và cuộc sống còn vô cùng vất vả.

Từ những người phụ nữ lam lũ quanh năm, chỉ quen với đồng ruộng, họ đã mạnh dạn vay vốn để làm chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều người phụ nữ trong số họ lần đầu tiên được cầm trên tay một khoản tiền lớn đến vậy, tự tay ký hợp đồng vay vốn và là chủ của một dự án sản xuất, kinh doanh.

Nhiều phụ nữ sau khi tham gia TYM không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và có vị thế trong gia đình cũng như ngoài xã hội (Ảnh minh họa).

Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Dược là người đã gắn bó với hoạt động TYM nhiều năm. Bà Ánh chia sẻ: “TYM đã hoạt động trên địa bàn từ tháng 01/1994. Cho đến nay chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống của nhiều phụ nữ thay đổi tích cực kể từ khi tham gia TYM.

Trong những năm qua, Hội LHPN xã Tiên Dược luôn phối hợp chặt chẽ với TYM – Chi nhánh Sóc Sơn để hỗ trợ toàn diện cho các hội viên không chỉ có được nguồn vốn vay kịp thời, phù hợp và hiệu quả mà còn có cơ hội được thụ hưởng nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa khác.

Nhiều phụ nữ sau khi tham gia TYM không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và có vị thế trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Hiện trên địa bàn xã Tiên Dược đã không còn hộ nghèo”. Đại diện Hội LHPN xã Tiên Dược cũng ghi nhận những đóng góp của TYM trong công tác xóa đói giảm nghèo, phong trào phụ nữ và hoạt động an sinh xã hội của địa phương, thực hiện bình đẳng giới và hạn chế tín dụng đen.

Năm 2023, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) đã vinh dự được ghi nhận là 01 trong 03 tổ chức tại khu vực châu Á có tác động xã hội tốt nhất đến khách hàng và được trao Giải thưởng Tác động Hàng đầu tại châu Á theo Bộ chỉ số Tài chính vi mô năm 2023 của 60 Decibels. TYM là đại diện duy nhất của Việt Nam được trao Giải thưởng này.

Nguồn: Phụ  nữ Việt Nam

Share

Tin tức gần đây