Tổ chức Tài chính Vi mô Tình thương (TYM) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được xem như một trong những kênh tài chính quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển đồng đều kinh tế và giữ gìn an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
Theo chân chị Nguyễn Thị Linh, Trưởng Phòng giao dịch 02 của TYM tại Thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ), chúng tôi đến thăm gia đình chị Đinh Thị Mai (xóm Tranh – xã Sơn Hùng – huyện Thanh Sơn). Trước kia do không có vốn, cả hai vợ chồng chị Mai đều đi làm thuê. Số tiền này không đủ nuôi 6 miệng ăn, nên gia đình lúc nào cũng trong tình cảnh khó khăn, túng thiếu.
Đầu năm 2011, qua Hội Phụ nữ của xã, chị Mai biết đến TYM và mạnh dạn tham gia làm thành viên với lần vay vốn ban đầu là 7 triệu đồng và mua 1 con bò để chăn nuôi. Khi con bò của gia đình đẻ con, chị quyết định bán đi và mua một chiếc máy quay chè và mua thêm chè tươi về quay thành chè khô bán ra thị trường. Sau một năm trả hết cả vốn lẫn lãi, chị Mai tiếp tục được TYM cho vay vốn lần hai với số tiền 10 triệu đồng để đầu tư một máy cắt chè.
Từ khi có máy móc, năng suất lao động của gia đình chị tăng lên đáng kể. Sau một năm trả hết cả gốc lẫn lãi, chị Mai được TYM cho vay tiếp lần ba với số tiền 15 triệu đồng. Cứ thế từ một gia đình phải chạy ăn từng bữa, chị Mai đã trả hết vốn, lãi vay của TYM và có tổng tài sản là 2 máy quay chè trị giá 10 triệu đồng/máy; 2 máy bừa trị giá 21 triệu đồng/máy; 1 máy cắt chè trị giá 16 triệu đồng/máy và 1 con bò. Thu nhập của hai vợ chồng hiện nay đủ nuôi gia đình 6 người và mỗi tháng còn dư ra được 2 – 3 triệu gửi tiết kiệm.
Chị Linh cho biết, trường hợp chị Đinh Thị Mai chỉ là một trong gần 2.000 trường hợp các chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình từ vốn vay của TYM tại cụm điểm Thanh Sơn. Tại cụm điểm này, tỷ lệ hoàn trả vốn của các thành viên trong Phòng giao dịch đạt 100%, không có trường hợp nợ xấu. Điều đó đồng nghĩa với việc đa phần các hộ gia đình tại Thanh Sơn đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Thị Hải Yến, Phó Phòng Nghiên cứu Tuyên truyền của TYM cho biết, TYM thiết kế cho vay các khoản từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng, phù hợp với đặc thù làm ăn kinh doanh nhỏ của các hộ gia đình ở vùng nông thôn.
Song song với các chương trình cho vay là các chương trình gửi tiết kiệm, TYM nhận gửi tiết kiệm tối thiểu từ 5000 đồng. Bởi vậy, nhiều chị em phụ nữ nông thôn có những khoản tiền nhỏ lẻ cũng có thể đem gửi tiết kiệm tại TYM. Hay như các gói tiết kiệm trả góp cho những khoản vay để đóng học phí, lo việc cưới con… Đây là những sản phẩm tiết kiệm được các chị em phụ nữ nghèo ở các vùng nông thông tham gia rất nhiệt tình.
Với việc liên tục cải tiến các đặc tính của các sản phẩm tín dụng, duy trì tính ưu việt trong phương thức cho vay đó là không cần tài sản thế chấp, tính đến tháng 12/2014, TYM đã phát vốn đạt 1.381 tỷ đồng, với dư nợ vốn hơn 758 tỷ đồng, với tỷ lệ hoàn trả đạt 99,98% và đạt con số 106.000 thành viên (tính đến tháng 2/2015). Theo chị Yến đây là con số còn quá nhỏ so với 90 triệu dân của Việt Nam. Chính vì vậy, việc mở rộng địa bàn, tiếp cận nhiều hơn với những nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế sẽ là định hướng phát triển của TYM trong những năm tới.
Bài: Thảo Vy – Ảnh: Trịnh Văn Bộ & Tư liệu
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam – Thông tấn xã Việt Nam
http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tym-ngan-hang-cua-nguoi-ngheo/184602.html