Lê Khắc Hệ

07/09/2022

Nhớ lại hồi năm 1999 khi tôi vừa được nhận vào TYM làm việc được một thời gian tại chi nhánh Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong đó có  một câu chuyện về thành viên làm tôi nhớ và ấn tượng nhất trong nhiều câu chuyện mà tôi đã từng trải qua.

Ngày đó, khi tôi thành lập cụm số 39 tại xóm 1,2 của xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, TYM vẫn đang thực hiện theo mô hình cho vay theo nhóm. Sau khi triển khai hoạt động tại thôn, các thành viên đăng ký thành từng nhóm, mỗi nhóm 5 chị em, cam kết tham gia vay vốn và hoàn trả, nếu ít nhất một người trong nhóm không hoàn trả được thì các thành viên khác trong nhóm cụm chịu trách nhiệm hoàn trả thay. Với chính sách này TYM đã trao quyền cho chị em phụ nữ về sự lựa chọn nhóm, chọn người để tín chấp, cam kết trong quá trình tham gia, vay vốn hoàn trả với nhau. Bước đầu có 15 chị tham gia 3 nhóm, tuy nhiên có 5 chị khác muốn tham gia nhưng không thể thành lập được nhóm bởi có một chị phụ nữ – sau này là thành viên TYM (xin được dấu tên) thuộc hộ nghèo của xã Hưng Phúc. Theo các chị trong nhóm kể là gia đình có chồng đau yếu, nhà tranh rạ và phên đất… nếu tham gia vay vốn thì không có khả năng hoàn trả và chắc chắn sẽ liên lụy đến những người còn lại trong nhóm, cụm.

Thế rồi, tôi theo dấu chân của chị Chi hội trưởng xin được đến nhà thăm chị phụ nữ này. Khi đến tôi cũng bị vỡ òa vì gia đình chị còn vất vả hơn lời kể của mọi người bởi đứng trong nhà của chị mà như đứng giữa trời, ánh sáng của mặt trời chiếu khắp căn nhà xuyên qua mái tranh rạ, trong nhà không có cái gì quý giá ngoài cái bàn uống nước chênh vênh, xiêu vẹo. Tôi hỏi thăm sức khỏe của chồng chị, các con chị, về công việc làm của chị. Sau một hồi hàn huyên với chị tôi gợi ý chị có miếng đất để trồng rau muống, mỗi ngày chị chịu khó hái được 20 mớ rồi mang ra chợ bán, mỗi mớ lúc bấy giờ được 500 đồng, ít nhất chị cũng có được 10 ngàn/ngày. Tôi đã suy nghĩ nhiều ngày, nhiều đêm về chị, làm sao để chị có thể được các chị em trong nhóm đồng vay vốn để làm kinh tế. Cuối cùng sau rất nhiều sự thuyết phục, các chị em trong nhóm cũng đồng ý cho chị tham gia nhưng chị phải đến từng gia đình trong nhóm, viết giấy cam kết tham gia chỉ vay 1 triệu đồng và hàng tuần không làm ảnh hưởng đến chị em khác. Đúng như cam kết, chị chỉ vay 1 triệu để mua một con lợn nái làm giống, hàng ngày chị hái rau muống về bán tiết kiệm mỗi ngày 2 ngàn để cuối mỗi tuần có trên 10 ngàn hoàn trả gốc lãi và gửi tiết kiệm tại TYM. Sau 1 năm chị hoàn trả hết và con lợn nái nay đã sinh một đàn con. Chị bán lứa lợn con đầu tiên cũng có thêm tiền thuốc thang cho chồng, sửa lại mái nhà dột nát.

Cũng từ đó, nghị lực vươn lên của chị rất lớn, chị tham gia nhiều năm. Ngôi nhà tranh mái dột sau 3 năm đã thay mái ngói, chị giữ được cam kết không làm phiền đến chị em trong cụm và tham gia tích cực các hoạt động của cụm, chi nhánh và Chi Hội phụ nữ.

3 năm sau đó tôi được điều chuyển đi địa phương khác nhưng câu chuyện của chị làm tôi nhớ mãi và gặp ai có hoàn cảnh tương tự tôi lại kể về chị để giúp các chị em khác có thêm động lực. Sau hơn 20 năm công tác tại TYM, tôi luôn trân quý chị em thành viên bởi sự chịu thương chịu khó, dãi nắng dầm mưa để cuộc sống gia đình kinh tế được nâng lên, để con cái được học hành đến nơi đến chốn, không theo “bánh xe cuộc đời của họ”, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc và bình đẳng. Như vậy là TYM đã hoàn thành sứ mênh mà Hội LHPN Việt Nam giao phó.

Recent post