Hội nghị ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) và Hội LHPN các tỉnh/thành phố giai đoạn 2022-2026 vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa 13.
Theo đó, chương trình phối hợp giữa TYM và Hội LHPN 13 tỉnh/thành phố có TYM hoạt động, tập trung vào 7 nội dung, cụ thể: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; Tăng khả năng năng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô của TYM cho phụ nữ nghèo và cận nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ đặc thù, góp phần tăng tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên; Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em; Truyền thông nâng cao hình ảnh của Hội, TYM; Kiện toàn và nâng cao chất lượng cán bộ Hội cấp cơ sở; Đánh giá công tác phối hợp giữa Hội LHPN các cấp và TYM trong giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị các tỉnh/thành Hội có TYM hoạt động cần lưu ý chỉ tiêu 5% khách hàng của TYM/tỉnh/năm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thí điểm ở Nam Định trong hạn chế sử dụng tiền mặt có thể là kinh nghiệm cho các tỉnh/thành khác trong thực hiện chỉ tiêu này.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Thị Thu Thảo mong muốn Hội LHPN 13 tỉnh/thành quan tâm hơn đến xây dựng kinh tế số, tiến xa hơn là xã hội số trong hoạt động phối hợp với TYM. Các hoạt động hợp tác này, vừa giúp cho Hội LHPN các tỉnh/thành phát triển hội viên, vừa thực hiện chỉ tiêu nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, vay vốn để sản xuất và nâng cao đời sống. Cùng với đó, nội dung ký kết cũng cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc thúc đẩy mở rộng các Chi nhánh tại địa bàn các huyện, xã thuộc các tỉnh/thành đang có TYM hoạt động.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Tổng Giám đốc TYM, phát biểu
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Tổng Giám đốc TYM, cho biết: Trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu với quốc tế, ngành ngân hàng cũng có sự thay đổi rõ rệt, trong đó có thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ mà TYM tham gia. Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà TYM thực hiện có 3 trụ cột chính gồm: Nâng cao hiệu quả hoạt động; ứng dụng công nghệ trong hoạt động của TYM; gia tăng giá trị cho khách hàng và cộng đồng.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, TYM tập trung vào đa dạng hóa các hoạt động bằng việc thay đổi các hình thức hoàn trả theo tuần sang hoàn trả theo tháng. Hình thức này được kỳ vọng thu hút hội viên ở nhiều địa bàn mà TYM đang hoạt động cũng như địa bàn mới. Với ứng dụng công nghệ, TYM sẽ phát triển App (ứng dụng) dành cho cán bộ và khách hàng, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, cũng góp phần giảm lãi suất cho vay đối với thành viên. Đồng thời TYM sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN các tỉnh/thành để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, gia tăng giá trị cho khách hàng và cộng đồng.
Tính đến nay, TYM có tổng số 21 chi nhánh, 39 phòng giao dịch tại 13 tỉnh/thành phố, với tổng số hơn 186.000 thành viên, khách hàng. Tổng dư nợ vốn 2.310,1 tỷ đồng, số dư tiết kiệm là 1.774,8 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng là 8,8% so với cuối năm 2021.
Với các hoạt động cộng đồng, xã hội, TYM đã trao trên 700 phần quà cho hộ nghèo, yếu thế dịp Tết Nguyên đán; trao 30 Mái ấm tình thương; khám sức khỏe miễn phí cho 2.014 thành viên; phát 90.000 khẩu trang cho thành viên, hỗ trợ phòng chống dịch cho gần 5.000 cụm trưởng và Hội LHPN các cấp; Trao 40 suất học bổng cho con thành viên nghèo vượt khó.