Khi cuộc sống gia đình gắn liền với biển thì mọi biến động của từng con sóng cũng ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình. Việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là cho người dân vùng biển đã được nhiều địa phương triển khai với sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, xã hội.
Mưa dầm thấm lâu
Trưởng địa bàn Tổ chức Tài chính vi mô tình thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (TYM) Chi nhánh Cửa Lò, Nghệ An Đỗ Thị Ninh cho biết, có đến 90% gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh từ biển, từ đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ du lịch; đặc biệt là những phường vừa có cửa sông, ven biển như Nghi Hòa, Nghi Hải, Nghi Thủy… Chính vì thế, cuộc sống của người dân bị tác động rất nặng nề từ những sự cố của biển. Nhớ lại thời điểm diễn ra sự cố môi trường Formosa cũng như các trận bão sớm vào năm 2017, chị Ninh ngậm ngùi, hàng hóa chất đống trong kho, chợ thuyền, bến bãi vắng hoe, tàu thuyền không ra khơi, cuộc sống dường như bị chững lại, mọi kế mưu sinh không còn.
Dự án Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh do TYM thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam và Spark được triển khai trong bối cảnh đó. Trưởng phòng Hành chính – Đối ngoại TYM Trần Ngọc Hà cho biết, trước khi triển khai dự án, TYM và các đối tác đã tổ chức khảo sát thực tế, cũng như nhu cầu của chị em trong việc hỗ trợ. Từ đó xây dựng giáo trình phù hợp với những kế hoạch đào tạo, hướng dẫn cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Trước hết, dự án đào tạo cho cán bộ chủ chốt của các chi nhánh ven biển, tiến tới đào tạo tập trung cho cán bộ tín dụng, cụm trưởng rồi sau đến các thành viên, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, tiểu thủ công, hộ nghèo, cận nghèo. Thế mạnh của TYM chính là các thành viên của TYM chủ yếu là hội viên Hội phụ nữ, nên sức lan tỏa của hoạt động gắn liền với các phong trào của Hội Phụ nữ ở các cấp. Nếu cụm trưởng là hội trưởng hội phụ nữ cụm thì việc tuyên truyền các kiến thức thiên tai, biến đổi khí hậu… sẽ được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của tổ phụ nữ. Việc tuyên truyền cũng hết sức linh động, bám sát vào điều kiện sinh hoạt, làm ăn của chị em vùng biển như khi thực hiện hồ sơ vay vốn, khi thu tiền lãi tuần, khi phát vốn…
Chị Đỗ Thị Ninh cho biết, không phải nói một lúc là có thể thay đổi được thái độ, hành vi ứng xử, nhất là trong lĩnh vực môi trường biển. Đó phải là một quá trình nhận thức và phải có sự mở đầu để chị em biết đến việc phân loại rác, biết sơ tán tài sản khi có bão lũ, ưu tiên con người khi có biến động thời tiết… chứ không ít trường hợp chỉ vì muốn chống giữ nhà cửa, hoa màu, kho bãi mà thiệt mạng.
Chị Lê Anh, Chi hội trưởng Khối Hải Thanh, phường Nghi Hải, Cửa Lò, Nghệ An cho biết, sau khi tham gia lớp tập huấn giảm thiểu rủi ro thiên tai chị đã vận động chị em, thành lập Câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường hạn chế dùng túi nilon; phân loại rác thải. Đối với chị em là tiểu thương ở chợ thì vận động chị em ngoài việc giữ gìn vệ sinh chung, phân loại rác thải tại nguồn, tránh xả thải bừa bãi, nhất là tại các chợ hải sản.
Cùng giảm thiểu rủi ro
Dự án Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh do TYM thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam và Spark đã xây dựng giáo trình, chương trình giảng dạy cho 18 lớp học với 300 giảng viên nguồn, 132 cán bộ kỹ thuật và 308 cụm trưởng; 250 thành viên TYM được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Là chủ gia đình có truyền thống đi biển, với 2 con tàu thường xuyên ra khơi bám biển, vừa giúp chồng, con công việc hậu cần trên tàu vừa đảm nhiệm việc mua bán hải sản khi tàu về, hơn ai hết chị Võ Thị Phong, phường Nghi Thủy, Cửa Lò, Nghệ An hiểu được những tác động ngoài mong muốn của biến đổi khí hậu, nhất là khi có bão. Chị Phong chia sẻ, khi có bão, muốn lao động ở lại cùng bảo vệ tàu, tài sản trên tàu, thì không có cách nào hiệu quả hơn là cho người lao động góp vốn mua tàu. Khi họ cùng là người sở hữu tàu thì trách nhiệm của họ sẽ được nâng lên, vì có tài sản, vốn liếng của họ trên tàu. Ngoài tiền lương hàng tháng, mỗi năm việc chia lãi được tính dựa trên số tiền người lao động đóng. Nếu đóng cổ phần 500 triệu thì mỗi năm mỗi người lao động có thêm từ 50 – 60 triệu đồng. Thực tế, việc cho người lao động góp vốn là một cách kinh doanh bền vững, gắn bó người lao động với chủ tàu, cùng nhau đối phó với những biến động của thời tiết, cũng như những sự cố ngoài mong muốn khi ra khơi.
Cùng với hình thức cho người lao động góp vốn, chia sẻ mô hình này với các chị em khác có tàu khai khác hải sản, thì TYM cũng đã có nhiều hình thức khác hướng tới sự phát triển bền vững cho các chị em thành viên vay vốn. Chị Hoàng Thị Bình, kinh doanh tại chợ hải sản Nghi Thủy, Cửa Lò, Nghệ An chia sẻ, chồng mất, một mình nuôi 6 con, bằng sự hỗ trợ kịp thời của TYM chị đã cùng các con vượt qua khó khăn. Với hình thức trả lãi theo tuần; vừa trả lãi vừa góp được tiết kiệm nên các con của chị đều là thành viên của TYM. Hiện, một tuần chị Bình trả gốc và lãi 700.000 đồng, còn 200.000 đồng nộp vào số tiết kiệm, cuối vòng vay chị vừa trả được gốc vừa có số tiết kiệm.
Không có điều kiện dư dả như chị Bình, chị Đỗ Thị Tâm làm dịch vụ nướng hải sản ở Chợ Hải sản Nghi Thủy, Cửa Lò, Nghệ An – cho biết, chị có 3 người con đều làm ăn xa, cuộc sống khó khăn không hỗ trợ được cha, mẹ. Với 10 triệu vay từ TYM chị đã mua 2 suất bảo hiểm cho chị và chồng; thu nhập được từ việc nướng hải sản chị trả lãi cho TYM hàng tuần. Sáu năm vay TYM thì cũng là chừng đó năm vợ, chồng chị được bảo hiểm, nguồn hỗ trợ khi trái gió trở trời.
Bài và ảnh: Phạm Hải
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=408197