Để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ

03/02/2018

Nhằm tạo ra cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm cho chuyên gia, nhà khoa học và những người làm thực tế trong lĩnh vực tài chính vi mô, đặc biệt với mong muốn tổng kết, đánh giá các chương trình, sản phẩm tài chính vi mô đối với cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ, Học viện Ngân hàng vừa phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Quỹ TYM (Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Tài chính vi mô và cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ”. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến đóng góp về vấn đề này.

BÀ NGUYỄN THỊ HỒNG, PHÓ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM: Phụ nữ nghèo là khách hàng chủ yếu của các sản phẩm tài chính

Thực tế, trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ nhằm phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. Về phía Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của phụ nữ nghèo còn rất nhiều hạn chế do nguyên nhân từ nhiều phía. Do vậy, rất cần các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) cung cấp các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính và phi tài chính khác… nhằm giúp các hộ nông dân, phụ nữ thoát nghèo và phát triển kinh tế.

Trong rất nhiều chương trình TCVM, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng chủ yếu của các sản phẩm tài chính bởi vì phụ nữ thường là những người tiết kiệm tích cực và có tỉ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn đàn ông. Đồng thời phần lớn trong các hộ gia đình nghèo, họ là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tham gia chương trình của tổ chức TCVM, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức, công nghệ kỹ thuật hiện đại, có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, từ đó nâng cao vị thế xã hội của phụ nữ.

ÔNG PHAN ĐÌNH PHÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Đòn bẩy giúp phụ nữ tự tin thoát nghèo

Nếu chỉ dựa vào những chính sách xã hội với nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, địa phương thì sẽ rất khó khăn về quy mô vốn cho phụ nữ khi tiếp cận với nguồn vốn, đặc biệt là những phụ nữ sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, các hoạt động tín dụng từ phía các tổ chức, chương trình hay dự án TCVM có tính xã hội hóa cao là rất cần thiết.

Trong thời gian qua, hoạt động TCVM tại Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Với các điều kiện vay vốn không cần phải có tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, linh động cho khách hàng trong việc trả nợ gốc, lãi, cũng như còn được tham gia quỹ tiết kiệm định kỳ, công cụ TCVM được xem như là đòn bẩy giúp phụ nữ tự tin thoát nghèo. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức TCVM trên địa bàn bàn tỉnh hiện nay chưa nhiều.

Với tư cách là tỉnh chủ nhà, tôi trân trọng cảm ơn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn nói chung và cho phụ nữ nói riêng, mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng, các tổ chức TCVM đồng hành cùng địa phương, cùng nhân dân Phú Yên và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế – xã hội nói chung, đời sống phụ nữ nói riêng.

BÀ DƯƠNG THỊ NGỌC LINH, ỦY VIÊN ĐOÀN CHỦ TỊCH TW HỘI LHPN VIỆT NAM, TỔNG GIÁM ĐỐC TỔ CHỨC TCVM TÌNH THƯƠNG (TYM): Bậc thang đi lên của phụ nữ

Dự án Quỹ Tình Thương do Hội LHPN Việt Nam thành lập năm 1992 với mục tiêu hỗ trợ vốn và cung cấp kiến thức cho phụ nữ nghèo, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao địa vị trong xã hội. Qua quá trình hoạt động tích cực, năm 1998, quỹ được Hội LHPN Việt Nam chuyển thành một ban độc lập thuộc TW Hội. Ngày 17/8/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép Hội LHPN Việt Nam thành lập Tổ chức TCVM nhỏ trách nhiệm một thành viên Tình Thương. Đây là tổ chức TCVM nhỏ đầu tiên tại Việt Nam, nay đổi tên là Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình Thương (TYM), đặc biệt là toàn bộ khách hàng đều là phụ nữ.

Tham gia TYM, thành viên được vay vốn không cần thế chấp lên đến 30 triệu đồng. Việc hoàn trả vốn vay và gửi tiết kiệm được chia nhỏ hàng tuần nên chị em hoàn trả và tiết kiệm dễ dàng. Bên cạnh đó, khác với các tổ chức tín dụng hay tổ chức từ thiện, TYM kết hợp cả hai sứ mệnh: hỗ trợ phụ nữ cải thiện điều kiện kinh tế và nâng cao vị thế trong xã hội vào các hoạt động của tổ chức, Chính vì vậy, qua 25 năm phát triển và trưởng thành, TYM đã hỗ trợ trên 100.000 chị em thoát nghèo và vươn lên làm giàu, cải thiện chất lượng cuộc sống cho gia đình họ thông qua hỗ trợ tín dụng và các chương trình cộng đồng có ý nghĩa. Hiện số lượng thành viên của TYM hơn 140.000 phụ nữ thuộc 13 tỉnh, thành phố (chưa có Phú Yên); dư nợ vốn vay trên 1.221 tỉ đồng; số dư tiết kiệm của các thành viên và khách hàng trong cộng đồng trên 813 tỉ đồng; tỉ lệ hoàn trả vốn đạt 99,99%.

Sắp tới, TYM sẽ mở rộng phạm vi hoạt động hơn nữa, hy vọng phụ nữ trên địa bàn Phú Yên sẽ được tham gia vào quỹ này, xem đây là công cụ phù hợp để xóa đói giảm nghèo bền vững.


CHỦ TỊCH HỘI LHPN PHÚ YÊN ĐẶNG THỊ HỒNG NGA: Tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận dòng vốn từ các tổ chức TCVM

Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có vai trò rất lớn. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Do đó, điều cần làm là làm sao để gia đình và xã hội tạo được những điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ phát huy được khả năng của mình. Đó là người phụ nữ có công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống, có cơ hội học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, các đoàn thể, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho bản thân… Để làm được điều này, phụ nữ phải được đặt vào vị trí trung tâm để được trao cơ hội phát triển kinh tế và đây cũng là điều kiện tiên quyết để hướng tới phát triển bền vững.

Tại Phú Yên, trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ làm kinh tế vươn lên thoát nghèo cũng như khởi sự và phát triển kinh doanh; phối hợp với các ngân hàng triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Kết quả, tổng dư nợ các nguồn vốn đến năm 2017 là hơn 1.280 tỉ đồng/48.764 hộ vay, trong đó chủ yếu là thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với hơn 1.200 tỉ đồng/46.551 hộ vay; Ngân hàng NN-PTNT hơn 77,9 tỉ đồng/2.213 hộ vay. Hiện tỉ lệ hộ nghèo trong phụ nữ vẫn còn nhiều nên các cấp Hội rất mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn vay, nhất là các dòng vốn từ các tổ chức TCVM để có thêm điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh.

ÔNG TRẦN THANH LONG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG HỌC VIỆN NGÂN HÀNG – PHÂN VIỆN PHÚ YÊN: Giáo dục tài chính cá nhân cho phụ nữ

Phụ nữ thường là người chịu trách nhiệm chăm lo đời sống gia đình. Để làm được điều đó thì kỹ năng quản lý tài chính trong gia đình rất quan trọng theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Vậy nên, phụ nữ là đối tượng rất cần được trang bị các kiến thức về tài chính cá nhân. Thông qua giáo dục tài chính cá nhân, chị em được trang bị những kỹ năng cơ bản về chi tiêu, dự toán ngân sách gia đình, đưa ra các quyết định tài chính một cách có cơ sở hơn và có thể lập kế hoạch, nhận thức được các mục tiêu tài chính của gia đình.

Ở Việt Nam, giáo dục tài chính còn khá mới và nhiều người dân còn chưa nhận thức rõ sự cần thiết về hiểu biết tài chính nói riêng và giáo dục tài chính cá nhân nói chung đối với bản thân. Để giúp phụ nữ biết cách làm ra tiền, tích lũy tiền, tạo ra sự tự tin, độc lập về tài chính, đồng thời biết cách giải quyết những nhu cầu cấp bách mà không phải đi vay những khoản nợ không cần thiết làm cho gia đình rơi vào cảnh nợ nần trầm trọng, thời gian đến, Phân viện Phú Yên sẽ kết nối với các sở, ban ngành của địa phương triển khai đào tạo giáo dục tài chính cá nhân đến nhiều đối tượng, đặc biệt là tổ chức khóa đào tạo dành riêng cho phụ nữ.

Nguồn: Phú Yên online

Share

Tin tức gần đây

TYM đạt 2 giải thưởng trong Liên hoan phim cộng đồng Quốc tế

Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Hội LHPN Việt …

Share
Đọc thêm tại đây
Nâng cao năng lực cho cụm trưởng năm 2024 tại TYM – Chi nhánh Hưng Yên

Ngày 22/11/2024, TYM – Chi nhánh Hưng Yên tổ chức đào tạo …

Share
Đọc thêm tại đây
Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây