Với 16 năm hoạt động, Quỹ Tình thương đã có trên 32.000 chị em tham gia gửi tiết kiệm với tổng số tiền lên đến 32 tỷ đồng. Song nhận thấy các sản phẩm tiết kiệm chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người nghèo về nhiều phương diện nên trong kế hoạch hoạt động sắp tới, Quỹ sẽ cải tiến để nâng cấp sản phẩm tiết kiệm thu hút nhiều hơn nữa phụ nữ nghèo tham gia.
Nghiên cứu nhu cầu của phụ nữ nghèo cho thấy, họ không chỉ có nhu cầu tiếp cận tín dụng mà còn có mong muốn được tham gia các loại hình tiết kiệm bởi đây sẽ là kênh giúp họ có thể xây dựng, mua sắm tài sản và trang trải những lúc gia đình gặp rủi ro, khó khăn…
Hiện nay, tại các địa bàn nông thôn có những hình thức tiết kiệm chính thức và không chính thức. Loại hình chính thức gồm có tiết kiệm bưu điện, tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân. Song tiết kiệm bưu điện thì phải có số tiền tối thiểu từ 50.000 đồng/1 lần gửi và tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng khác thì cao hơn. Vì vậy, các loại hình này chưa thực sự phù hợp với người nghèo. Ngoài ra, còn loại hình tiết kiệm không chính thức (chơi họ) có các hình thức đóng theo tháng, mùa vụ, năm bằng tiền, vàng hoặc những tài sản giá trị khác. Loại hình này có ưu điểm linh hoạt nhưng lại không an toàn, đặc biệt là rủi ro khi trượt giá. Do vậy, thị trường nông thôn, đặc biệt là với người nghèo, dịch vụ tiết kiệm vẫn còn trống vắng.
Nắm bắt được nhu cầu đó, được sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn từ Ngân hàng Spasskass Essen – Đức, Quỹ Tình thương đã nghiên cứu, định giá và dự kiến sẽ triển khai một số hoạt động và loại hình tiết kiệm nhằm khuyến khích chị em tiết kiệm hơn trong năm 2009. Cụ thể, Quỹ sẽ tổ chức một chiến dịch tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, cách thức của tiết kiệm, vận động phụ nữ tham gia tiết kiệm. Các chị có số dư tiết kiệm trên 5 triệu đồng tại Quỹ sẽ được thưởng hàng năm. Ngoài ra, Quỹ cũng sẽ phát triển loại hình tiết kiệm định kỳ hàng tuần từ 10.000 đồng trở lên, tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất hấp dẫn với mục tiêu đến năm 2009, số dư tiết kiệm của chị em sẽ tăng 30% so với năm 2008.
Đây cũng là một nguồn vốn hữu ích để Quỹ vươn xa hơn với nhiều chị em còn khó khăn tại các vùng miền trong cả nước.