Khơi thông ‘điểm nghẽn’ tiếp cận vốn để chặn tín dụng đen

08/01/2019

Thành viên nhận vốn tại TYM – Chi nhánh Mê Linh, Hà Nội

Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm cho cá nhân hộ gia đình lên tới 200 triệu đồng… – đó là những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tín dụng đen.

Hội nghị do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú chủ trì, diễn ra ngày 26/12/2018.

Tổng lực “tấn công” toàn mặt trận tín dụng đen

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen không thể một mình hệ thống ngân hàng làm được, ngoài các giải pháp, chính sách phối hợp của ngành Ngân hàng, vẫn cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Với sự tham dự Hội nghị tại 63 điểm cầu gồm: trung tâm Hà Nội với các đại diện đến từ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cùng 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở, ban ngành liên quan… Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng với sự đồng thuận này, điểm nóng tín dụng đen sẽ được giải quyết triệt để.

Cùng quan điểm với ông Đào Minh Tú , đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết, mặc dù đã tung lực lượng tập trung cao độ vào trấn áp, xử lý các hoạt động tín dụng đen trên toàn quốc, song chỉ riêng ngành công an thì không thể xử lý triệt để được. Những chia sẻ thẳng thắn của đại diện Bộ Công an cho thấy việc xử lý loại hình tội phạm này vô cùng khó khăn, bởi các đối tượng “lách luật” rất tinh vi. Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngành công an cũng áp dụng nhiều giải pháp, song đến nay tín dụng đen vẫn đang có chiều hướng gia tăng phức tạp và tinh vi hơn.

7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen – con số đáng báo động

Theo đại tá Phạm Văn Tám, khoảng 2 tuần nữa mới có con số báo cáo tổng hợp từ công an các địa phương về việc trấn áp và xử lý các hoạt động tín dụng đen, tuy nhiên theo số liệu báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 4 năm gần đây (giai đoạn 2013 – 2017), cả nước có khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo…

Riêng năm 2018, cả nước đã có 84 vụ giết người, 855 vụ cố tình gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và trên 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tụng đen. Đây là 1 con số đáng báo động.

Đại tá Phạm Văn Tám khẳng định: “Tín dụng đen như những tên cướp ngày, các cơn bão tín dụng càn quét nhất ở các vùng nông thôn, Tây Nguyên, vùng xâu vùng xa. Tuy nhiên, tín dụng đen không không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà các khu công nghiệp, khu chế xuất hay các thành phố lớn”.

Đại tá Phạm Văn Tám cho biết, các đối tượng cho vay nặng lãi thường cho vay rất nhanh gọn nhưng lại gắn nhiều thủ đoạn đòi nợ, nếu không trả nợ thì chỉ bỏ nhà đi trốn nhưng trốn cũng không song vì bị xã hội đen tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan… Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê, các công ty tài chính cấp phép hoặc không được cấp phép, các tổ chức biến tướng huy động vốn với lãi suất rất cao, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, góp hội, họ, phường, cho vay online…

“Người đi vay không chỉ có hộ nghèo, sinh viên mà cả cán bộ công chức, đối tượng chơi cờ bạc, lô đề hoặc đầu tư vào hoạt động bất hợp pháp. Lãi suất “cắt cổ” tính theo ngày, tuần khiến nhiều người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng vài tháng sau đã phải viết giấy nợ vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng”, ông Tám chia sẻ.

Cán bộ ngân hàng “tiếp tay” cho tín dụng đen?

Lý giải nguyên nhân khiến cho tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến, theo đại tá Phạm Văn Tám, các gói tín dụng vay và các thủ tục để được người dân tiếp cận hệ thống ngân hàng chưa phổ biến nhiều nên người dân mới tìm đến tín dụng đen. Nhu cầu vay vốn trong dân cư, doanh nghiệp rất lớn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhu cầu cá nhân trong lúc khó khăn, tuy nhiên các sản phẩm tài chính của các tổ chức tín dụng còn chưa rộng khắp và chưa thuận tiện để tiếp cận. Trong khi đó, các đối tượng cho vay theo hình thức tín dụng đen đã biết tận dụng lợi thế cho vay nhanh, không cần thẩm định, thủ tục đơn giản để đánh vào tâm lý của người dân.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là có sự tiếp tay của những cán bộ ngân hàng tha hóa về đạo đức, có những tiêu cực khi cho vay khiến tín dụng đen có cơ hội phát triển.

“Cơ quan công an khi muốn tìm hiểu thông tin của khách hàng mà ngân hàng đang quản lý thường rất khó khăn nếu chúng tôi chưa khởi tố vụ án. Nhưng qua triệt phá một số băng nhóm hoạt động tín dụng đen thì gói Data của chúng tôi cho thấy, có dấu hiệu các ngân hàng đưa ra bên ngoài dữ liệu của khách hàng. Như vụ công ty tài chính Nam Long có dữ liệu của hàng trăm nghìn khách hàng. Theo chúng tôi, nguồn dữ liệu này cũng từ ngân hàng mà ra”, ông Tám nhấn mạnh.

Đại tá Phạm Văn Tám khuyến nghị, ngành ngân hàng cần nâng cao hơn nữa việc giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức đối với mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng.

Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen

Ngoài ra, để đẩy lùi tín dụng đen, cơ quan công an cũng đề nghị ngành Ngân hàng cần đơn giản thủ tục, hồ sơ vay vốn và cung cấp nhiều gói tín dụng phù hợp đối với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và nhiều đối tượng có nhu cầu vốn phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, nhấn mạnh, Agribank sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng được pháp luật cho phép, “nói không” với tín dụng đen.

Đặc biệt, Agribank kiên quyết xử lý đối với những cán bộ trực tiếp hoặc gián tiếp, các cá nhân, bộ phận buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát để tín dụng đen ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng truyền thống của Ngân hàng.

Tháo điểm “nghẽn” – bài học từ một mô hình tài chính vi mô

Xuyên suốt cuộc Hội thảo trực tuyến, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đáp ứng nhu cầu vốn và tăng khả năng tiếp cận vốn là giải pháp cơ bản để đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Việc ưu tiên đầu tư vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn là vô cùng quan trọng.

Đề cập đến những giải pháp căn cơ, trong đó có việc sửa đổi các cơ chế, chính sách, ông Tú cho hay, những điểm mới của Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã rất thông thoáng tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống dễ dàng hơn. Cụ thể như:

– Sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn cho phù hợp với quy định tại Bộ Luật dân sự 2015. Theo đó, khách hàng vay vốn gồm cá nhân và pháp nhân; trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.

– Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ (cụ thể: Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng). Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen.

Cán bộ TYM đến thu tiền của các thành viên vay vốn tại xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc

Ông Tú cũng đánh giá cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ tài chính của Tổ chức tài chính vi mô – TYM (thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam) và nhận định: với việc tham gia mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như Hội LHPN, nạn tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi khi ngày càng nhiều chị em phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn chính thống.

Những con số “biết nói” mà đại diện Quỹ TYM chia sẻ tại Hội nghị thực sự đáng được quan tâm: hơn 1,3 triệu lượt chị em được vay vốn với số tiền giải ngân gần 14.000 tỉ đồng. Trong khi dư nợ vốn là 1.440 tỉ đồng, số dư tiết kiệm cũng đạt tới con số hơn 1.300 tỉ đồng. Về tỷ lệ hoàn trả đạt tới 99,99%, đó là nhờ phương thức hoàn trả linh hoạt, trả dần, áp dụng dòng tiền thanh toán thấp… Các khoản thu hoàn gốc được thu theo tuần hoặc tháng rất cơ động, kết hợp với thu tiết kiệm được ở mức chỉ từ 5.000 -10.000 đồng nên sau khi kết thúc khoản vay, chị em đã hoàn toàn có được nguồn vốn riêng cho mình phát triển sản xuất bền vững.

Có được kết quả này là nhờ mô hình với điều kiện vay vốn đơn giản, linh hoạt; quy trình vay chuẩn mực, thuận tiện đối với người vay, đặc biệt là chị em ở vùng sâu vùng xa; áp dụng cho vay cá nhân và theo nhóm, tùy điều kiện phù hợp với khách hàng; quy mô món vay thiết kế đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu vay vốn khác nhau, chỉ khống chế mức vay tối đa, không có mức vay tồi thiểu, phù hợp với nhu cầu và dự án kinh doanh, các hộ có thể có nhiều khoản vay cùng lúc miễn là đảm bảo hoàn trả nợ tốt. Cụ thể, với những gói vay dài hạn từ 6-24 tháng, vẫn có thể linh hoạt tái cấp vốn cho khoản vay bổ sung thấp hơn từ 2-6 tháng.

Bà Trần Thị Ngọc Hà, đại diện Quỹ TYM, khẳng định, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bền vững không thể chỉ dựa vào sản phẩm vốn vay được, khách hàng cần có các dịch vụ tài chính khác đi kèm như tiết kiệm với cơ chế linh hoạt để tích lũy tài sản dần dần và bảo hiểm lẫn nhau khi gặp khó khăn. Để họ có thể tiếp tục mở rộng thêm các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, tối đa hóa được các món vay thì phải có cơ chế, cầu nối để giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn lớn hơn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, nơi mà chức năng của các đơn vị tài chính vi mô không được cấp phép.

Về vấn đề này, trước đó, tại Hội nghị Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện, người đứng đầu Quỹ TYM, bà Dương Thị Ngọc Linh, Tổng Giám đốc TYM, cũng đã đưa ra giải pháp để xóa khoảng trống tiếp cận nguồn vốn chính thống cho phụ nữ nghèo, người dân nông thôn cần có những hành lang pháp lý để những đơn vị tài chính vi mô làm cầu nối bằng việc trở thành các đại lý dẫn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến với người dân.

Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD), mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11/2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

11 nhóm giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm hạn chế tín dụng đen

(i) Tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 và hướng dẫn của NHNN tại thông tư 10 và thông tư 25 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới vừa được sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.

(ii) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

(iii) Mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân. Trong đó, NHNN khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.

(iv) Dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phầm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

(v) Ngân hàng NN&PTNT với vai trò là đơn vị chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc đi đầu trong triển khai chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116, cần triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn với hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro trong cho vay.

(vi) NHCSXH rà soát lại tổng thể các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ cho kết thúc một số chương trình đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và bổ sung thêm chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức lãi suất hợp lý, không phải cấp bù từ ngân sách nhà nước.

(vii) Rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là chính sách lãi suất và chế tài xử phạt nhằm tổ chức lại hoạt động của loại hình này theo hướng minh bạch với mức lãi suất phù hợp với mức sống của đại bộ phận người dân và không để các tổ chức này có các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen, cho vay nặng lãi, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

(viii) Nghiên cứu, rà soát lại tổng thể hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô để có chính sách phát triển, mở rộng các tổ chức tài chính vi mô đang hoạt động hiệu quả hiện nay. Hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân;

(ix) Phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đáu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tương, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.

(x) Phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội nông dân, Hội phụ nữ, Mặt trận tô quốc… để vận động, tuyên truyền các tổ chức này tham gia làm đại lý, dịch vụ cho vay vốn, đặc biệt là ở những địa bàn các TCTD chưa có điều kiện mở chi nhánh, phòng giao dịch để phối hợp với các TCTD hướng dẫn người dân vay vốn và sử dụng vốn phục vụ đời sống, kể cả những nhu cầu đột xuất, cấp bách.

(xi) Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi cả nước, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam

Share

Tin tức gần đây

Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn cán bộ và khách hàng tổ chức CARD MRI đến thăm TYM

Trong hai ngày 07 và 08/8/2024, 17 cán bộ và khách hàng …

Share
Đọc thêm tại đây