Tín dụng đen đang diễn ra rất phức tạp trong phạm vi cả nước, trong đó nạn nhân là những người nghèo, những phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ nhiều năm qua , Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) đã là một kênh tín dụng sát cánh cùng phụ nữ nghèo. Đặc biệt, kể từ ngày 14/01/2019 TYM mở rộng thêm đối tượng vay vốn chính sách là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị nhiễm HIV hoặc có chồng, con bị nhiễm HIV cũng được tiếp cận sản phẩm này.
Tín dụng đen như cơn bão tín dụng
Trong 4 năm gần đây (giai đoạn 2013 – 2017), cả nước có khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo… Riêng năm 2018, cả nước đã có 84 vụ giết người, 855 vụ cố tình gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và trên 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tụng đen.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khẳng định: “Tín dụng đen như những tên cướp ngày, các cơn bão tín dụng càn quét nhất ở các vùng nông thôn, Tây Nguyên, vùng xâu vùng xa. Tuy nhiên, tín dụng đen không không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà các khu công nghiệp, khu chế xuất hay các thành phố lớn”.
Các đối tượng cho vay nặng lãi thường cho vay rất nhanh gọn nhưng lại gắn nhiều thủ đoạn đòi nợ, nếu không trả nợ thì chỉ bỏ nhà đi trốn nhưng trốn cũng không song vì bị xã hội đen tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan… Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê, các công ty tài chính cấp phép hoặc không được cấp phép, các tổ chức biến tướng huy động vốn với lãi suất rất cao, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, góp hội, họ, phường, cho vay online… Lý giải nguyên nhân khiến cho tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến, theo đại tá Phạm Văn Tám, các gói tín dụng vay và các thủ tục để được người dân tiếp cận hệ thống ngân hàng chưa phổ biến nhiều nên người dân mới tìm đến tín dụng đen. Nhu cầu vay vốn trong dân cư, doanh nghiệp rất lớn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhu cầu cá nhân trong lúc khó khăn, tuy nhiên các sản phẩm tài chính của các tổ chức tín dụng còn chưa rộng khắp và chưa thuận tiện để tiếp cận. Trong khi đó, các đối tượng cho vay theo hình thức tín dụng đen đã biết tận dụng lợi thế cho vay nhanh, không cần thẩm định, thủ tục đơn giản để đánh vào tâm lý của người dân.
Thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi
Nhằm giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, không sa vào bẫy tín dụng đen, từ nhiều năm qua TYM đã triển khai sản phẩm vốn chính sách với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi cho các hộ gia đình nghèo theo quy định của Chính phủ. Sản phẩm này luôn được người dân và chính quyền địa phương hưởng ứng. Để sản phẩm hỗ trợ được nhiều phụ nữ yếu thế hơn nữa, từ ngày 14/01/2019, TYM sẽ mở rộng đối tượng vay vốn chính sách. Cụ thể, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị nhiễm HIV hoặc có chồng, con bị nhiễm HIV cũng được tiếp cận sản phẩm này. TYM hi vọng sự thay đổi này sẽ giúp phụ nữ yếu thế mạnh dạn vay vốn, lao động sản xuất và từng bước khởi nghiệp.
Đây cũng là hành động của TYM nhằm góp phần thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN: “Tôi tự hỏi liệu ASEAN chúng ta có thể thực hiện thành công tầm nhìn ASEAN 2025 nếu như phụ nữ và trẻ em gái không được đảm bảo các cơ hội công bằng và bị bỏ lại phía sau? Tôi tin rằng quý vị và tôi đều có cùng câu trả lời, đó là chúng ta không thể trở thành cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái”.
Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam đạt 70,7% năm 2017. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tăng, có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
“Chúng ta đang chứng kiến những bất ổn do thảm họa, thiên tai và chính con người gây ra, trong đó phụ nữ và trẻ em gái vẫn luôn là đối tượng chịu tác động nặng nề, thiệt thòi hơn”… từ đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ba nội dung hợp tác, đó là đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. đồng thời, đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng cần tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.
Trao quyền cho phụ nữ bằng cung cấp tín dụng
TYM là tổ chức tài chính vi mô chính thức đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 1992. Đến nay TYM đã hỗ trợ trên 200.000 phụ nữ, hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp ở nông thôn và bán nông thôn Việt Nam thông qua các dịch vụ tài chính và xã hội. TYM hiểu rõ tài chính toàn diện hướng đến việc xóa đói giảm nghèo mà ở đó tín dụng cho người nghèo được cho là một trong những điều cốt lõi. Hiện nay, TYM có hơn 140.000 thành viên/khách hàng với phần lớn là phụ nữ nghèo, cận nghèo, và có thu nhập thấp sử dụng các dịch vụ tài chính của TYM. Trong khi tín dụng là dịch vụ chính, TYM cũng cung cấp nhiều chương trình tiết kiệm giúp phụ nữ tích lũy tài sản, quản lý tài chính và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và xã hội, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Trở thành một tổ chức tài chính vi mô tốt nhất tại Việt Nam, cung ứng dịch vụ tài chính vi mô hàng đầu cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo và yếu thế. Các sản phẩm vốn của TYM được thiết kế ban đầu dựa trên phương thức của Ngân hàng Grameen, được điều chỉnh phù hợp với đối tượng khách hàng là phụ nữ Việt Nam. Các sản phẩm vốn có đặc tính phù hợp với các gia đình nghèo và thu nhập thấp: không cần tài sản thế chấp; hoàn trả dần theo tuần, tháng; thủ tục vay, trả đơn giản và duy trì kỷ luật tín dụng. Hầu hết thành viên & khách hàng của TYM vay vốn để phát triển kinh tế, dành cho các hoạt động kinh doanh như nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, lâm nghiệp và buôn bán nhỏ. Một phần để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa hay đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). TYM nhận thấy không phải tất cả các hộ gia đình đều có nhu cầu giống nhau, đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra các loại sản phẩm vốn vay ngắn hạn, trung hạn, vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vi mô (MSE) phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Các loại vốn hiện nay TYM đang cung cấp bao gồm: Vốn Chính sách dành cho các hộ gia đình nghèo (theo quy định của Chính phủ), thành viên bị tàn tật có xác nhận của chính quyền địa phương, thành viên/chồng/con thành viên bị nhiễm HIV có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế; Vốn Hỗ trợ hộ cận nghèo dành cho các hộ cận nghèo; Vốn Phát triển kinh tế dành cho thành viên TYM có nhu cầu vay vốn đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình; Vốn Đa mục đích dành cho thành viên TYM có nhu cầu phục vụ đời sống, đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình, có mức lãi suất ưu đãi dành cho thành viên có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh; Vốn Hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà, xây dựng nhà vệ sinh và vốn đầu tư dành cho thành viên, hộ gia đình có mô hình sản xuất, kinh doanh và có nhu cầu vay vốn đầu tư vào các hoạt động này.
Phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị nhiễm HIV hoặc có chồng, con bị nhiễm HIV cũng được tiếp cận sản phẩm này kể từ ngày 14/01/2019, là một tin vui đối với những đối tượng yếu thế, khó tiếp cận các nguồn vốn khác này.
Chị Nguyễn Thị Dục cụm 24 xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, thuộc diện gia đình chính sách, chồng lại mắc bệnh tai biến nằm một chỗ. Trước đây để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày chị Dục phải đi mò cua bắt ốc để mang lên thị trấn bán lấy tiền. Công việc vô cùng vất vả và không còn thời gian chăm sóc chồng… Ban đầu chị Dục muốn vay vốn của TYM để tăng gia sản xuất nhưng còn e dè, băn khoăn không biết làm thế nào để có thu nhập trả vốn, cán bộ TYM đã vận động chị mạnh dạn tham gia vay mức 10 triệu đồng, đồng thời tư vấn cho thành viên nên mua lợn, gà về nuôi để có thêm thu nhập trả nợ. Bên cạnh đó cán bộ TYM cũng nhờ sự quen biết ở địa phương đã giới thiệu cho chị Dục vào làm việc tại hợp tác xã vệ sinh môi trường với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó chị vừa có thời gian chăm sóc chồng vừa có thu nhập ổn định cuộc sống, từ đó gia đình cô đã thoát nghèo, cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một trong số rất nhiều thành viên của TYM trên 13 tỉnh…