Giữ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để các Bộ ngành và Chính phủ điều hành
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2020, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nêu bật những đóng góp có ý nghĩa và tích cực của ngành Ngân hàng trong năm qua.
Thứ nhất, điều hành CSTT một cách chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Ngân hàng đã cung cấp được 8.2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Áp lực một lượng lớn thanh khoản như vậy đưa ra nền kinh tế nhưng đã được NHNN điều tiết rất chủ động công cụ CSTT để kiểm soát. Kết quả, lạm phát cơ bản từ đầu nhiệm kỳ đến giờ biến động chỉ trong biên độ từ 1,4% đến 2%, giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để các Bộ ngành và Chính phủ điều hành. Đó là điểm thành công lớn nhất và xuyên suốt, có yếu tố then chốt của NHNN và hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, về lãi suất, đây là yếu tố rất quan trọng. Nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế, trong đó tỷ trọng vốn cho vay trung dài hạn, vốn đầu tư cho nền kinh tế rất lớn, áp lực lên nguồn vốn thường xuyên cao. Tuy nhiên, trong các thời điểm, kể cả áp lực lãi suất quốc tế cũng như trong nước, NHNN đã kịp thời điều hành các công cụ thị trường để kiểm soát được ổn định mặt bằng lãi suất và khi điều kiện thị trường cho phép đã giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, NHNN đã giữ được ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và hiện nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%. Ngành Ngân hàng cũng chủ động điều tiết, giảm các mức lãi suất điều hành của NHTW vào thời điểm phù hợp với khối lượng và liều lượng thích hợp để đạt được kết quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng. Điều hành lãi suất cân đối được các yếu tố trong nền kinh tế, người vay vốn, người gửi tiền cũng như các TCTD được đảm bảo cân đối một cách hài hòa. Nguồn vốn tín dụng vẫn được điều tiết một cách kịp thời, đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, điều hành tỷ giá luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ NHTW nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Với kinh nghiệm trong nhiều năm qua, NHNN đã rất linh hoạt và chủ động, đặc biệt rất kiên định trong điều hành tỷ giá, điều này không có nghĩa là cố định tỷ giá, nhưng NHNN đã điều hành ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của NHTW và quan trọng nhất qua đó tăng được một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, cao kỷ lục từ trước đến nay. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đến nay, Việt Nam đã có dự trữ ngoại hối ở mức 79,9 tỷ USD, xấp xỉ 80 tỷ USD. Đây là một tấm đệm cho đất nước để bảo vệ an ninh tài chính quốc gia, phòng ngừa những tác động từ bên ngoài, đồng thời là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và của Ngân hàng Trung ương để ổn định được nền tảng vĩ mô, trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Từ thực tế và kết quả điều hành đó, NHNN đã củng cố được niềm tin vào năng lực thực thi và điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng như chính sách tỷ giá của ngân hàng nhà nước nói riêng cùng với việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thêm vào đó, công tác quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN đảm bảo mục tiêu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là an toàn thanh khoản tuyệt đối và sinh lời, tức là tạo ra hiệu quả về kinh tế.
Một thành công nữa của NHNN trong năm qua, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đó là sự phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin về điều hành chính sách tiền tệ cho các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nhằm khẳng định: Việt Nam và Chính phủ cũng như ngân hàng Trung ương chưa và sẽ không bao giờ có ý định dùng chính sách tiền tệ nói chung cũng như chính sách tỷ giá để tạo cạnh tranh thương mại không lành mạnh, không công bằng với các đối tác, bởi tất cả hoạt động điều hành của NHNN là vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tuân theo diễn biến thị trường.
Thứ tư, điều hành tăng trưởng tín dụng rất hợp lý. Việt Nam hiện có nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước và để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ cũng như Thủ tướng thường xuyên yêu cầu NHNN điều hành tín dụng đảm bảo đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng phải kiểm soát được chất lượng và đảm bảo cơ cấu tín dụng để phát triển kinh tế không gây những rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Tín dụng năm nay ước tính tăng khoảng 13.7%. Như vậy, đến nay, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng Việt Nam. Quy mô tín dụng rất lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn chất lượng và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Để làm rõ về chất lượng tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích: Trong giai đoạn 2001-2010 tín dụng tăng bình quân khoảng 30% nhưng GDP bình quân tăng 6,82 phần trăm, như vậy, tăng tín dụng/GDP bằng 4,1 lần trong giai đoạn này và thậm chí, năm 2007 bằng khoảng 5,3 lần giữa tỷ lệ tín dụng và GDP, tức là năm lần tăng tín dụng mới đat được 1% tăng GDP. Trong giai đoạn 2016 đến nay, tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm dưới 3 lần, đặc biệt trong năm 2018, 2019, tỷ lệ này giảm xuống dưới 2 lần, chứng tỏ hiệu quả tín dụng đã được tăng cường và củng cố. GDP tăng cao nhưng không đi kèm với mở rộng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ, tốc độ, chất lượng và quy mô tín dụng cũng như cơ cấu tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Trong năm 2019, NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để xử lý những vấn đề tín dụng cho một số ngành trong lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu như lúa gạo, thủy sản và đặc biệt là một số mặt hàng chế biến xuất khẩu. Cơ chế phối hợp chặt chẽ như vừa rồi đã đạt được hiệu quả, xử lý được tiếp cận nguồn vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp.
Thứ năm, về thanh tra giám sát đảm và bảo an toàn. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2017/NĐ-CP và Thủ tướng ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg, ngay lập tức, NHNN đã kiện toàn mô hình mới của Cơ quan Thanh tra giám sát một cách đồng bộ và mạnh mẽ nhưng không gây tác động đến hoạt động của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, vẫn đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động của các tổ chức tín dụng. NHNN đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tinh gọn, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Đồng thời, tập trung hơn tới việc giám sát từ xa, thực hiện việc cảnh báo TCTD những vấn đề rủi ro phát sinh. Công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cũng đã được xử lý một cách rất quyết liệt và có hiệu quả về mặt thực chất, chất lượng hoạt động của các TCTD tốt hơn, công khai, minh bạch và an toàn hơn, xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Ý thức chấp hành kỷ cương kỉ luật của tổ chức tín dụng cũng được nâng lên rõ rệt.
Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc xử lý những vấn đề xảy ra trong ngắn hạn, Ban lãnh đạo NHNN tập trung chỉ đạo rất quyết liệt triển khai Chiến lược phát triển Ngân hàng trong dài hạn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, đặc biệt là chiến lược đã được thủ tướng phê duyệt là Chiến lược phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030. NHNN đã báo cáo Chính phủ để triển khai Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục củng cố, ban hành các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản trị, an toàn vốn điều hành hoạt động ngân hàng theo hướng tiệm cận các chuẩn mực, công nghệ quốc tế.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của NHNN cũng là một trong những điểm sáng của ngành. Bốn năm liên tiếp, NHNN đều đứng đầu các Bộ về chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng lên vị trí 25, cho thấy chất lượng cải cách hành chính của NHNN không chỉ trong nội bộ mà NHNN còn chỉ đạo việc cải cách nâng cao thủ tục hành chính giữa NHNN với các TCTD và thủ tục hành chính của các TCTD đối với khách hàng và doanh nghiệp, để tiếp tục tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực tiếp cận vốn ngân hàng.
Cũng trong năm qua, các Bộ đã phối hợp chặt chẽ cùng NHNN để phục vụ việc đánh giá đa phương của APG về công tác phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, đây là một nội dung rất quan trọng mà Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.
Trong bối cảnh diễn biến thị trường và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không thuận lợi đến công tác kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng, công tác truyền thông tiếp tục được NHNN xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc truyền dẫn chính sách, đóng góp tích cực trong việc hiểu và tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời, là công cụ lắng nghe dư luận để xây dựng, hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tiễn; kịp thời giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và điều hành vĩ mô của Chính phủ, NHNN.
“Ngành Ngân hàng cần có tinh thần xốc tới, đưa đất nước tiến lên”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí của ngành ngân hàng đối với sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, do đó, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2020, Thủ tướng tới dự Hội nghị này và trong 4 năm qua, năm nào cũng đến dự Hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ của NHNN. Đây cũng là Bộ, Ngành đầu tiên mà Thủ tướng tới quán triệt định hướng, nhiệm vụ năm 2020 ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020.
Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước phải phát triển với tốc độ cao liên tục, “chứ không phải bàn chuyện đã phát triển 6-7% rồi thì dừng lại mà phải tiếp tục phát triển cao trong những thập niên tới thì đất nước mới thịnh vượng, hùng cường. Muốn vậy, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Ngân hàng phải tiếp tục tăng trưởng cao, ngành ngân hàng phải có tinh thần xốc tới, phát triển, đưa đất nước tiến lên”.
Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính – tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tỉ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận, tỉ lệ nợ xấu giảm, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với 2011. Trong năm qua, chúng ta bỏ ra 500 ngàn tỷ đồng để mua dự trữ ngoại hối, tăng cung tiền lớn như vậy nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.
Góp vào thành công chung đó, Thủ tướng đánh giá cao công tác thông tin truyền thông của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã triển khai có hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thông chính sách của NHNN đã thực hiện rất tốt, giải quyết kịp thời các vấn đề dư luận quan tâm, củng cố niềm tin trong nhân dân, ổn định thị trường và minh bạch hóa chính sách tiền tệ. Đây là bài học cho các bộ, ngành, các cấp, các địa phương học hỏi kinh nghiệm về truyền thông của NHNN.
Thủ tướng nêu rõ, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ vừa ký ban hành hôm qua và chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị NHNN tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần “đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường.
Thủ tướng nêu ra mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.
Thủ tướng lưu ý, cần chú ý công tác dự báo, ứng phó chính sách trước biến động quốc tế, khu vực. Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều NHTM lọt vào top ngân hàng đứng đầu khu vực và thế giới. Muốn làm tốt, muốn tăng trưởng tín dụng tốt và uy tín tốt thì phải cải cách hành chính và văn minh ngân hàng, đấu tranh chống tham nhũng trong ngành ngân hàng, phải vừa quản lý tốt, hợp tác quốc tế tế tốt, truyền thông tốt, đặc biệt là phối hợp tốt.
Theo website của Ngân hàng nhà nước Việt Nam