Bà Lê Thị Lân

29/09/2022

GRAMEEN BANK REPLICATION ĐẾN VỚI VIỆT NAM TỪ KHI NÀO?

Dự án VIE-91-P01 do Quỹ dân số của Liên hợp quốc tài trợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã mở ra cánh cửa cho tôi nhìn ra thế giới bên ngoài. Vào 1989, tôi may mắn được tham gia Đoàn Việt Nam đầu tiên tới thăm Ngân Hàng Grameen(GB), Bangladesh với tư cách là Trợ lý Dự án “Nâng cao địa vị phụ nữ nông thông thông qua các hoạt động tăng thu nhập và Kế hoạch hóa gia đinh” (số hiệu VIE/91-P01).

Chúng tôi vinh hạnh được gặp Người sáng lập Grameen Bank (GB), Giám đốc điều hành, Giáo sư – Tiến sỹ kinh tế học Muhammad Yunut, nghe ông giới thiệu về Ngân hàng; đã đi thăm nhiều đơn vị chức năng tại Văn phòng chính và nhiều vùng, chi nhánh, quan sát các khóa đào tạo, kiểm tra công nhận thành viên, phát vốn, thu tiền, họp cụm và thăm hộ gia đình.

Cuối chuyến đi, khi chia tay, Giáo sư mới bày tỏ với đoàn tâm tư mà Người ấp ủ: “Nếu như lá của cây rừng trên tất cả lục địa này có thể biến thành giấy; Nếu như nước trong các đại dương trên thế giới này có thể biến thành mực; thì giấy kia và mực nọ cũng không thể ghi hết những gì mà Grameen đã phải trải qua” và chúc chúng tôi nhiều may mắn.

Ra về, mặc dầu cùng đi, cùng nghe, cùng nhìn, cùng thấy thực tế như nhau nhưng hiểu thì mỗi thành viên trong Đoàn lại giữ riêng cho mình những hình tượng khác nhau. Giáo sư – viện trưởng Viện xã hội học thì khuyên chúng tôi không nên áp dụng mô hình này, ý là vì Việt Nam dân trí cao và không nghèo như nơi đây. Trong tôi lúc này đang ngổn ngang, lời tâm sự của Giáo Sư Muhammad khiến tôi suy ngẫm, luận thuyết đói nghèo mà ông đưa ra: “Nghèo đói không phải do người nghèo gây nên, xin đừng nhìn họ với con mắt cáo buộc” càng khiến tôi tò mò. Ông cũng chỉ ra nguyên nhân chính là bởi khi thiết kế các cơ chế chính sách thì bản thân nó đã ngăn trở nhóm người này. Ví dụ thiết chế cho vay đòi hỏi tài sản thế chấp đã loại bỏ người nghèo tiếp cận với nguồn lực tài chính. Tuy nhiên tôi chưa thực sự thấu hiểu nguyên tắc xây dựng hệ thống cho vay dựa trên nhóm đồng đẳng 5 người có hoàn cảnh kinh tế và xã hội tương đồng. Bởi vì  nó trái với những gì mình hiểu và làm trước đây về “Nhóm phụ nữ Giúp nhau làm kinh tế gia đình” là loại hình nhóm hỗn hợp có giàu có nghèo với hy vọng họ mới có thể giúp được nhau.

Tới 1990, Dự án VIE/91-P01 triển khai, khóa đào tạo cán bộ quản lý dự án cho hai tỉnh điểm là Hà – Sơn – Bình và Hậu Giang ở Cần Thơ được tổ chức. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ Tiến sỹ Jame Aristotle B, Alip, chuyên gia tín dụng của Tổ chức Nông – Lương quốc tế (FAO). Khóa học gồm cả các cán bộ Ngân hàng nông nghiệp cùng học. Thày Aris đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, nó lật ngược lại những điều mà trước đây chúng tôi được học. Đặc biệt là cơ chế cho vay và thu về hàng tuần cả gốc và lãi khiến chúng tôi lo lắng.

Buổi họp rút kinh nghiệm cuối ngày, tôi đã bày tỏ với bà Phely Velarian, cố vấn Dự án FAO rằng chúng tôi chỉ có thể vay và trả theo tháng. Bà chỉ thẳng vào tôi và lớn tiếng: “cô là cán bộ quản lý, cô không được phép trả lời thay học viên. Ngày mai ra lớp học mọi người sẽ cho biết”. Và thế là ngày mai đã đến, khi anh Aris đưa ra cơ chế trả vốn và mọi người tranh luận không ai chiụ ai, ai cũng đưa ra lý lẽ của mình, người chọn tuần cho rằng trả tháng sợ người vay quên, người chọn tháng cãi trả tuần thì kiếm đâu ra tiền. Cuối cùng thày phải dùng biểu quyết. Kết quả 100% học viên Hậu Giang chọn trả tuần, còn lại Hà Sơn Bình một số chọn tuần còn lại chọn tháng. Chuyên gia Dự án kết luận sẽ thí điểm cho 2 nhóm Phụ nữ vay vốn của Hà Sơn Bình trả tháng, còn lại 2 nhóm trả tuần. Sau sáu tháng sơ kết, chúng tôi được biết hai nhóm chọn trả tháng thì thành viên quên trả nên dẫn tới gây trả chậm. Thế rồi cái mới đã thắng thế, toàn bộ Dự án chuyển sang cơ chế trả hàng tuần.

Lại nói về khóa đào tạo cán bộ, sau 15 ngày trên lớp, khi bế giảng cũng là lúc chuẩn bị cho những ngày thực hành mở lớp đào tạo cho thành viên tiếp ngay hôm sau. Tan học, học viên cán bộ dự án ra về lúc 5 giờ chiều thì 6 giờ, khi xuống xã kiểm tra khâu chuẩn bị chúng tôi đã thấy các chị đang quỳ trên sân nhà dân, viết vẽ trên giấy A0 bài giảng cho học viên hôm sau. Không khí sôi động, tấp nập và vội vã như chuẩn bị cho những buổi diễu hành thời chống Mỹ-Ngụy trước đây. Sang ngày học thứ ba, khi Aris và chúng tôi đang dự  tại lớp học của nhóm 1 thì một cán bộ tại nhóm ba tới báo cáo ở nhóm đó đang xảy ra sự cố và nhờ chúng tôi sang hỗ trợ. Chúng tôi vội vàng cùng chị về nhóm 3. Đang đi thì trời đổ mưa rất to, đường đất trơn lầy lội. Aris sợ tôi ngã nên đưa tay cho tôi vịn. Còn tôi thì lại lo cho anh nên nhắc anh chú ý nhìn đường và đi chậm thôi. Chưa nói dứt lời thì anh bị trơn ngã oạch ướt bẩn hết áo quần nhưng anh vẫn nhất định đi tiếp. Sự cố tại Nhóm ba là thế này, một mẹ liệt sỹ tuổi đã cao đến lớp học và nằng nặc đòi tham gia nhóm. Cán bộ phụ nữ thôn giải thích nhóm chỉ giành cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì bị mẹ cự lại dữ dội rồi la lớn:

“Má đã từng nằm trước mũi xe tăng để cản địch đi càn, chúng không dám tiến lên mà nay hòa bìn rồi, cớ chi bọn bay không cho má vào nhóm vay vốn làm ăn là sao?”.

 Cán bộ địa phương nói sao má cũng không chịu. Cuối cùng, tôi chuyển chủ đề hỏi má về con dâu và các cháu của má, rồi khuyên má về kêu dâu ra học. Má chịu liền, đứng dậy ra về. Lớp học lại tiếp tục.

Tối hôm đó, sau bữa cơm, Aris bảo nhóm cán bộ dự án TW, lúc đó có chị Hoài Giang – cán bộ Ban quốc tế hỗ trợ dịch thuật lưu lại để anh bản một chuyện. Anh bày tỏ sự cảm phục vì tinh thần làm việc của các cán bộ Hội Phụ nữ, nhất là cán bộ Tỉnh Hội phụ nữ Hậu Giang và xã điểm Dự án Đông Thạnh. Anh nói “Thấy các bà làm việc rất vất vả, tôi muốn giúp các bà xây dựng một Quỹ cho vay, Quỹ do Hội là chủ sở hữu. Các bà hãy suy nghĩ và cùng thảo luận để đưa ra ý tưởng”. Khi nghe anh nói vậy, chúng tôi cũng rất cảm động, chưa hình dung ra Quỹ là gì nhưng tên Quỹ thì ngay lập tức suất hiện trong tôi: QUỸ TÌNH THƯƠMG, đây cũng là sự cảm nhận trước tình cảm chân thành của anh, một người bạn vừa quen mà đã nghĩ tới phụ nữ Việt Nam, đã muốn chia sẻ những gì mình có để giảm đi những mất mát đau thương của một dân tộc vừa ra khỏi cuộc chiến tranh.

 “T.Y.M” – MỘT CÂU CHÀO ĐI VÀO LỊCH SỬ

Năm 1990, vốn liếng tiếng Anh học bập bõm buổi tối của tôi khi còn là sinh viên (1967) tới nay chắc chỉ còn thành thạo hai từ Hello và goodbye. Vừa đưa chuyên gia FAO, Bà Pheli Velarian phụ trách Dự án từ Hà nội tới khách sạn Cửu Long, Cần Thơ, vừa lo bố trí đón Chuyên gia Tín dụng Philippines, Tiến sỹ Jame Aristotle B. Alip từ Tân Sơn Nhất về đây. Thêm vào đó, việc đón tiếp học viên và hậu cần cho khóa học ngày mai cũng rất lu bu, phiên dịch hỗ trợ từ TƯ Hội lại chưa vào nên việc đi đón chuyên gia Tín dụng phó thác cho anh Triều, lái xe của văn phòng phía Nam của TW Hội.

Gần tối, tôi có việc đi ngang sân khách sạn và thoáng nhìn thấy một người nước ngoài ngồi một mình trên chiếc ghế đá vắng vẻ và liên tục hút thuốc. Đoán là Alip đã vào, cho dù rất ấy náy nhưng không thể làm được gì nên tôi vội rảo bước qua nhanh hơn để anh không nhìn thấy. Nghe nói chị Hoài Giang – Ban quốc tế TƯ Hội cũng vừa vào tới nơi hỗ trợ cho khóa tập huấn về phần dịch thuật. Tôi mừng lắm và yên tâm chạy theo công việc dang dở của mình. Mãi tới sáng sớm hôm sau mới gặp chị Giang và chị Bắc (cán bộ Văn phòng 2 của TƯ Hội) và được nghe các chị kể chuyện về tối qua. Thì ra, hai chị đã tranh thủ qua con sông Hậu rộng mênh mông để thăm người họ hàng mà bao năm chưa gặp. Hàn huyên tới khá khuya hai chị mới ra về. Gần tới bờ nhìn lên, các chị thấy lái xe Triều và Alip đang ngồi trên bờ nói chuyện râm ran, chân tay khua khoắng. Có ai hiểu tiếng của ai đâu, nhưng thấy họ cười ngặt nghẽo, vui vẻ, gật gật lia lịa ra vẻ tâm đầu ý hợp.

Sắp tới giờ lên lớp, chị Giang cùng Alip đi tới phòng học. Vừa bước tới cửa đã thấy chị Bảy Cẩm, chủ tịch Hội LHPN Hậu Giang và mấy lãnh đạo khác cũng đứng đón. Chị chưa kịp nói gì thì Alip, với vẻ mặt thân thiện, tươi cười, bước tới chìa tay và nhanh nhảu nói:

  • “Tau yui mai”!
  • “Láo toét”! Chị Giang đi bên bật cười thốt lên với Alip bằng tiếng Việt, anh chả hiểu gì nhưng cũng cười theo hưởng ứng.

Hai bên bắt tay nhau chào hỏi thân thiết như những người bạn ở xa lâu ngày gặp lại, mặc dàu chủ nhà cũng chưa hiểu điều gì vừa xảy ra giữa hai người. Chị Giang vui vẻ tóm tắt tối qua với các chị câu chuyện học tiếng Việt cấp tốc của Alip với lái xe Triều, rồi quay sang giải nghĩa cho anh câu chào vừa rồi bằng tiếng Anh. Vỡ nhẽ, cả hai bên cùng ồ lên cười.

Chuyện là thế này, trong lúc ngồi chờ hai chị bên bờ sông Hậu, Alip đã tranh thủ học tiếng Việt từ lái xe Triều. Hai bên, mỗi người sử dụng ngôn ngữ của mình theo kiểu ai nói người nấy nghe, đối phương không hiểu lời thì diễn đạt bằng hình thể. Câu đầu tiên Alip muốn học là lời chào khi gặp nhau và anh bày tỏ với Triều. Không cần suy nghĩ, Triều buông ngay ba từ rành rọt: “Tao Yêu mày”. Và bài học đã được thực hành xuất sắc khi Alip gặp nhà Lãnh đạo cao nhất của Tỉnh Hội Phụ nữ sáng nay

Không ngờ rằng câu chào gặp gỡ lần đầu với phụ nữ Hậu Giang của một chuyên gia tín dụng Philippines lại đi vào lịch sử hoạt động của Hội. Đầu năm sau “Tau Yui Mai” đã được Alip đặt tên cho Dự án của Hội đệ trình Quỹ Ủy thác Cộng đồng Asian của Nhật Bản (ACT) và đã được phê duyệt. Thế là ý tưởng có một Quỹ do Hội LHPN Việt Nam sở hữu và quản lý đã trở thành hiện thực. Đọc bản Dự án này, chúng tôi vô cùng xúc động và chỉ đề nghị sửa lại một vài nguyên âm của Tên trong Dự án cho đúng tiếng Việt “Tao yêu Mày”. Từ đó Dự án Quỹ TÌNH THƯƠNG, có tên khai sinh là “Quỹ Tao Yêu Mày” (viết tắt là T.Y.M) vô cùng thú vị và ý nghĩa, đây là tài sản vô giá của Hội.

 Cái tên “Tao Yêu Mày” (I Love You) đã thu hút mạnh mẽ người nghe vì sự khác biệt. Nó nói lên cách bày tỏ tình cảm từ những trái tym của nhóm bị thiệt thòi thật mộc mạc nhưng gần gũi, thân thương. Tại một kỳ Hội thoại Grameen ở Darka, khi Ban tổ chức giới thiệu bà Trương Mỹ Hoa, chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đến từ Quỹ Tao Yêu Mày thì các đại biểu tham dự ồ lên, họ dứng cả dậy và vỗ tay rất lâu. Sau phát biểu, bà Mỹ Hoa đã mời bà Dories, lúc đó là Giám đốc điều hành chương trình Tài chính vi mô của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Philippines (CARD), giáo viên đào tạo cán bộ cho TYM cùng lên song ca bài “Hành khúc chống nghèo khổ”. Lời bài hát được đồng sáng tác bởi chính chị Dorie, chị Hoài Giang và cán bộ Dự án TYM tại khóa đào tạo cán bộ thực hành Dự án, tháng 8 năm 1992 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Sau 30 năm hoạt động không ngừng nghỉ tới nay, bài hát đó vẫn theo chân các cán bộ thực hành tài chính vi mô trên khắp đất nước Việt Nam. Tình cảm thắm thiết giữa CARD, Tiến sỹ Jame Aristotle B. Alip với Hội Phụ nữ và TYM vẫn được duy trì và phát triển. Từ một báu vật có trị giá USD 17,800 do ACT Nhật Bản trao tặng, sau 30 năm đã trở thành kho báu với giá trị trên 116 triệu Dollar Mỹ (tới tháng 8/2022). Kho báu này do các thế hệ cán bộ TYM và hàng trăm ngàn phụ nữ tham gia làm nên. Xin hãy trân trọng và giữ gìn báu vật vô giá này.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm, xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới Lãnh đạo Trung ương Hội, đặc biệt bà Nguyễn Thị Thân -Tổng Thư ký, người đầu tiên đã truyền cảm hứng và tạo mọi cơ hội để lứa cán bộ Dự án đầu tiên chúng tôi có thể hoàn thiện pháp lý đưa Quỹ vào hoạt động được như ngày nay, bà Trương Mỹ Hoa và các thế hệ sau đã đồng hành cùng TYM, chắc chắn rằng TYM sẽ mãi phát triển bền vững an toàn./.

 

 

Tin tức gần đây