Lập “bản đồ đói nghèo”, san sẻ nguồn vốn để đồng hành cùng chị em nghèo, hướng dẫn họ tích lũy từng khoản nhỏ mỗi ngày… là những nỗ lực lặng thầm mà Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao gửi suốt thời gian qua, góp phần thay đổi tích cực cuộc đời và vị thế của biết bao người phụ nữ.
Đưa tài chính đến với phụ nữ nghèo
Thời điểm TYM mới thành lập năm 1992, không phải ngẫu nhiên khi những người đầu tiên tham gia TYM phần lớn là phụ nữ có gia cảnh thiếu thốn. “Cái khó bó cái khôn” khiến họ muốn vươn lên thay đổi hoàn cảnh sống, nhưng không biết làm việc gì để có thêm thu nhập, không có vốn và không dám vay vốn về làm ăn.
Với xuất phát điểm phần lớn là những người làm nông, nhiều chị em phụ thuộc kinh tế, nên khi tiếp cận với nguồn vốn do TYM giới thiệu, họ còn không biết làm sao để có tiền trả lại. Từng bước, từng bước, TYM đưa dòng vốn về với chị em, tạo điều kiện để họ hoàn trả thuận lợi vốn vay bằng cách chia nhỏ khoản hoàn trả, giúp họ tìm nghề phụ để “lấy ngắn nuôi dài” và hướng dẫn chị em cách sử dụng đồng vốn như thế nào để tạo ra thu nhập và quản lý dòng tiền để đảm bảo hoàn trả đúng hạn. Chính sách cho vay một khoản và hoàn trả dần của TYM giúp chị em tự tin vay một khoản “ra tấm ra món” đủ để nuôi con bò, đàn lợn. Trong lúc chờ đến ngày xuất chuồng, chị em có thể đi chợ bán rau, có thêm nguồn thu nhập phụ trả cho TYM theo tuần. Cuối năm khi hết vòng vốn thì chị em cũng vừa trả hết nợ và khi bò, lợn bán đi thì số tiền thu được hoàn toàn là của chị em.
Chị Đinh Thị Hải, Nghi Lộc, Nghệ An là thành viên gắn bó với TYM 21 năm tâm sự: “Thời điểm đó, gia đình tôi khó khăn vô cùng trong khi các nguồn vốn vay chưa nhiều, cách hoàn trả không phù hợp. Thật may mắn, tôi được TYM hỗ trợ với dịch vụ tài chính phù hợp với điều kiện gia đình mình. Nhờ đó các con tôi được ăn học, trưởng thành và gia đình có kinh tế khá”.
Cũng giống như chị Hải, nhiều phụ nữ tham gia TYM vì các sản phẩm tài chính của TYM được thiết kế đa dạng đáp ứng nhu cầu vay vốn của chị em và chính sách hoàn trả đặc biệt của TYM. Đến nay, TYM có tới 9 loại sản phẩm cho vay bao gồm: Vốn chính sách, Vốn hộ cận nghèo, Vốn Phát triển Kinh tế, Vốn hỗ trợ xây dựng sửa chữa, Vốn đa mục đích, Vốn đầu tư, Vốn hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai, Vốn hỗ trợ thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và Vốn tạo việc làm. Nhờ cách hoàn trả linh hoạt được chia nhỏ và thu dần hàng tuần hoặc 4 tuần nên dù hoàn cảnh khó khăn, thành viên vẫn có thể thực hiện một cách đều đặn.
Cùng phụ nữ thay đổi tư duy
Với thành viên của mình, TYM không chỉ là điểm tựa tài chính mà còn trở thành người bạn đồng hành, chỗ dựa tinh thần giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, vai trò và vị thế. Thành viên TYM từ chỗ loay hoay, phụ thuộc đã trở nên mạnh dạn, tự tin vào khả năng làm chủ kinh tế gia đình của mình. Nhiều chị em ngày càng năng động hơn trong việc kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, tư duy tích luỹ, đầu tư cho tương lai ngày càng được chị em chú trọng để hướng tới tài chính bền vững. Để mở ra những tư duy tích cực và chủ động ấy cho chị em, TYM đã, đang tổ chức rất nhiều hoạt động cộng đồng cho thành viên.
Trước khi được tiếp cận vốn, mỗi chị em phải trải qua 2 tuần đào tạo và vượt qua vòng phỏng vấn cuối khóa, được vay vốn chỉ khi đã hiểu rõ các quy định về vốn, tiết kiệm và cách thức quản lý tài chính gia đình. Là thành viên TYM, chị em được đào tạo trong suốt quá trình tham gia từ các kiến thức kỹ năng cơ bản nhất như học đọc, học viết, học quản lý tài chính cơ bản, biết cách trình bày trước đám đông đến những khóa chuyên sâu hơn về chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế.
Trong hai năm gần đây, các hộ gia đình, đặc biệt phụ nữ và các hộ kinh doanh vi mô do nữ làm chủ gặp phải thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19. Để hỗ trợ chị em vượt qua khủng hoảng, TYM tập trung vào nâng cao nhận thức và kỹ năng về kỹ thuật số cho thành viên, giúp các chị em kịp thời chuyển đổi hoặc đa dạng hình thức kinh doanh, đồng thời, tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế số. Qua các hoạt động thiết thực này, TYM giúp chị em có cơ hội học hỏi, tích lũy kỹ năng và kiến thức đồng thời trở nên tự tin, vươn lên làm chủ cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Chị Kim Thị Thanh Nga, Phúc Yên – Vĩnh Phúc, 7 năm tham gia TYM, chia sẻ: “Qua những buổi đào tạo, tập huấn về kiến thức kinh doanh cũng như phòng chống bạo lực gia đình, tôi thấy phụ nữ có được tiếng nói trong gia đình hơn. Bản thân tôi cảm thấy năng động, tự tin hơn vì những kiến thức bổ ích mình nhận được”.