Thành viên: Hoàng Thị Tân

Tuổi: 52

Sống tại: Việt Vân, xã Việt Thống, huyện Quế Võ

Thành quả từ lao động sáng tạo và tiếp sức của TYM

Chúng tôi đến thăm trang trại VAC của gia đình chị Tân vào một ngày trung tuần tháng 6 nắng như đổ lửa. Vậy mà vừa bước chân vào khu vườn, cái nắng bỏng rát không còn, thay vào đó là cảm giác dịu mát của không gian xanh với cây trái xum xuê. Chị hồ hởi chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay tạo việc làm và được cán bộ TYM hỗ trợ kiến thức, kỹ năng trong suốt 7 năm qua, tôi mới có được thành công như ngày hôm nay”.

Gần 10 năm trước đây, gia đình chị Tân đã chăn nuôi, tuy nhiên với mô hình nhỏ lẻ, thu nhập không đáng là bao. Sau khi tìm hiểu, vợ chồng chị quyết định vay vốn TYM để nuôi gà, lợn và trồng thêm các loại cây ăn quả, mạnh dạn áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường mà lại đem lại hiệu quả cao. Từ mức vốn vay ban đầu 20 triệu đồng, chị vay tăng dần lên đến mức vốn vi mô tối đa 50 triệu đồng. Khi TYM triển khai sản phẩm vốn vay tạo việc làm, chị Tân có cơ hội vay tín chấp tới 100 triệu đồng để phát triển mô hình VAC của mình và tạo việc làm cho nhiều chị em khác tại địa phương.

Đến nay, trang trại gia đình rộng hơn 13.000m2, vợ chồng chị thả cá, nuôi lợn, trồng cây ăn quả quanh bờ ao. Khu chuồng lợn được xây theo mô hình khép kín. Với tinh thần ham học hỏi, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ do Hội Phụ nữ tổ chức. “Tôi rất may mắn được Hội LHPN các cấp và cán bộ TYM tận tình hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia các lớp về công nghệ số và nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế. Đây là động lực rất lớn để tôi phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ chị em cùng làm, giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế”- Chị Tân chia sẻ.

Đặc biệt, năm 2019, sau khi tham gia 2 lớp tập huấn về cách làm và sử dụng chế phẩm sinh học IMO trong trồng trọt và chăn nuôi, chị Tân bắt tay vào làm ngay, mạnh dạn áp dụng vào trang trại của mình. Đây là phương pháp dùng men vi sinh để xử lý rác hữu cơ được phân loại từ hộ gia đình, cho ra đời các sản phẩm như: Nước khử trùng chuồng trại, men tiêu hoá cho gia súc, gia cầm, thuốc trừ sâu và phân bón… Cũng từ đó, chị triển khai ý tưởng “Mô hình VAC và ứng dụng của vi sinh bản địa IMO trong hoạt động sản xuất nông nghiệp” để tham dự Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức (là 1 trong 34 thành viên TYM toàn quốc tiêu biểu của cuộc thi).

Ban đầu, chị đưa men vi sinh vào xử lý nước ao để nuôi cá, sáng tạo bằng cách buộc cố định một số can vào nhau rồi thả xuống ao và bổ sung IMO định kỳ, xử lý ao bằng IMO mỗi tuần/lần nên nước ao luôn sạch, cá lại ít bệnh tật, giảm hẳn chi phí mua thuốc vệ sinh và hệ thống lọc trong ao. Nhận thấy việc ứng dụng IMO trong sản xuất, chăn nuôi không chỉ là giải pháp hữu hiệu giảm bớt chi phí đầu vào, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất mà còn giúp phân loại, xử lý triệt để rác thải hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Chị tiếp tục áp dụng với khu chuồng lợn khép kín luôn duy trì 400-500 con. Hằng ngày, chị đều pha IMO để phun rửa chuồng lợn và khử mùi môi trường xung quanh, không còn mùi hôi thối. Cũng nhờ công tác vệ sinh khử trùng, kết hợp phòng dịch tốt, trang trại của gia đình chị không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi (năm 2021), trở thành địa chỉ quen thuộc để mọi người thăm quan, học hỏi.

Từ men vi sinh IMO, chị làm được phân bón và thuốc trừ sâu cho vườn cây ăn quả, ngâm men vi với tỏi, gừng để cho gà vịt ăn, tránh bị tiêu chảy trên đàn gia súc gia cầm. Nhờ đó, vườn cây không phải dùng thuốc sâu hóa học và phân lân vô cơ tổng hợp, giảm hắn chi phí từ 150 đến 200 nghìn đồng/sào. Mỗi năm gia đình chị có thể tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng tiền thuốc cho đàn gia súc, gia cầm, khử trùng ao… Đến nay gia đình chị có thu nhập ổn định ở mức 300-400 triệu đồng/năm và tiết kiệm rất nhiều chi phí mà trang trại lại luôn sạch sẽ, vệ sinh.

Ngoài ra chị còn áp dụng làm nước trái cây lên men cho người, dầu gội, nước lau sàn… đều thành công ngoài mong đợi. Từ đó gợi mở cho chị chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất nông nghiệp sạch. Từ hiệu quả của gia đình, chị thường xuyên tặng men cho những ai muốn dùng thử, phổ biến cách làm vi sinh cho các chị em trong chi hội để phun phân bón IMO cho đường hoa phụ nữ, xử lý rác thải sinh hoạt. Nhờ vậy, lượng rác thải phải thu gom trong thôn cũng giảm hẳn so với trước, khiến ai cũng phấn khởi, vui mừng.

Hiện, chị Tân đang ấp ủ kế hoạch nâng cấp, chế biến sản phẩm hoa quả sạch để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập hơn. Đồng thời, xây thêm chuồng trại, tự mình sản xuất các loại cám cho lợn, cá, vịt để có thể đem lại các loại thực phẩm sạch, đảm bảo từ các nguyên liệu đầu vào. “Tôi mong rằng mình sẽ vừa tạo ra các sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng, vừa truyền cảm hứng cho những người có nhu cầu khởi nghiệp. Chỉ cần đam mê, thành quả sẽ rất ngọt ngào!”

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Share

30/06/2023