Ảnh hưởng của Covid-19 tới các tổ chức và khách hàng tài chính vi mô

02/04/2020

Dịch từ bài viết của Tiến sĩ Jaime Aristotle B. Alip trên trang  https://www.bworldonline.com/

Tiến sĩ Jaime Aristotle B. Alip là người sáng lập và chủ tịch danh dự của CARD MRI, một nhóm gồm 23 tổ chức với tầm nhìn xóa đói giảm nghèo ở Philippines. Ông là người nhận Giải thưởng Ramon V. del Rosario 2019 vì cống hiến xây dựng Tổ quốc.

__________

Thời gian này trong năm là lúc nông dân – khách hàng của chúng tôi – thu hoạch sản phẩm mà họ đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều tháng. Đáng ra họ sẽ nhận được thành quả, hoa thơm trái ngọt và thu nhập để hỗ trợ gia đình cho đến mùa thu hoạch tiếp theo; thay vào đó họ phải đối mặt với tình trạng khó khăn chồng chất và cuộc sống không ổn định do sự bùng phát của COVID-19 mà không ai trong chúng ta muốn.

Tập trung vào việc bảo vệ người dân khỏi COVID-19, chính phủ và chính quyền địa phương tại rất nhiều thành phố và đô thị đã tuyên bố đóng cửa và cách ly cộng đồng. Hành động này của chính phủ làm hạn chế di chuyển, các cuộc tụ họp công cộng, khiến cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáp lại, các tổ chức tài chính vi mô đã tuyên bố tạm dừng hoạt động tại các địa bàn hoạt động của họ, bao gồm tạm ngừng hoạt động thu tiền khi lệnh cách ly cộng đồng còn hiệu lực. Nhiều trong số các tổ chức này là thành viên của APPEND và MCPI với tổng cộng 9 triệu gia đình nghèo và thu nhập thấp được phục vụ bởi hơn 50.000 cán bộ với dư nợ ước tính khoảng 70 triệu Peso.

Với sự giảm sút ​​trong các hoạt động kinh doanh, việc tạm dừng thu tiền sẽ tạo điều kiện cho khách hàng dành ngân sách của họ cho các nhu cầu cơ bản. Mặc dù vậy, một tiếng nói vẫn văng vẳng đâu đây: sự chậm trễ trong việc thu các khoản nợ có đủ để duy trì những nhu cầu của khách hàng sau khi đại dịch kết thúc không?

 Bức tranh lớn hơn

Với nhiều kinh nghiệm trong phát triển cộng đồng, các tổ chức tài chính vi mô (MFI) đã chứng kiến ​​các gia đình thoát nghèo thông qua việc tiếp cận các dịch vụ tài chính và phi tài chính. Do sự bùng phát COVID-19, tất cả công lao đó có thể đổ xuống sông xuống bể hết cả. Khu vực thu nhập thấp, chủ yếu là khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô, rất đau khổ vì bị chịu tác động của đại dịch và ảnh hưởng bởi các biện pháp của chính phủ .

Do các chi nhánh ngân hàng chính của CARD MRI trên toàn quốc vẫn đang cung cấp các dịch vụ như rút tiền và chuyển tiền, các cán bộ nòng cốt của chúng tôi vẫn tiếp xúc với khách hàng. Cán bộ tín dụng tại cơ sở vẫn liên hệ với khách hàng thông qua điện thoại di động, phương tiện truyền thông xã hội cho phép họ liên lạc với quản lý báo cáo những gì đang xảy ra tại cộng đồng của họ. Giám đốc khu vực của chúng tôi đã báo cáo rằng nhiều khách hàng đang gặp phải những tác động tàn phá đối với sinh kế của họ. Hầu hết trong số họ có sản phẩm để bán nhưng bị hạn chế bởi các rào cản vật lý của việc cách ly cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của họ để hỗ trợ gia đình của chính họ. Ví dụ, ở thủ đô và các nơi khác, để thực hiện việc giữ khoảng cách xã hội, giờ bán hàng đã được quy định, buộc nhiều quán ăn và quầy hàng nhỏ tại nơi công cộng phải đóng cửa.

Doanh nhân vi mô trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có một vai trò quan trọng trong xã hội. Hầu hết các khách hàng nông dân của chúng tôi ở Luzon cuối cùng đều bán sản phẩm của họ với giá thấp, hoặc cho hàng xóm, hoặc tệ hơn, nông sản bị thối rữa do lệnh hạn chế đi lại. Ở Masbate và Marinduque, khách hàng của chúng tôi không thể gửi các sản phẩm hải sản của họ đến các thành phố khác cũng như thương lái không đến mua được vì các tàu biển không còn được phép rời khỏi hoặc vào cảng.

Sau khi hết cách ly, những người nông dân này sẽ cần đủ vốn để mua nguyên liệu đầu vào như hạt giống và phân bón. Nhưng với tình hình như hiện nay, việc vận chuyển và bán hàng trở thành một thách thức. Nếu họ không thể bán sản phẩm của mình, thì họ sẽ không thể tiếp tục làm nông nghiệp. Cuối cùng, không chỉ những người nông dân sẽ phải đối mặt với hậu quả, mà người dân Philippine có thể phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực nếu nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu của cả nước.

Một số doanh nhân vi mô cũng sử dụng lao động là các thành viên khác trong cộng đồng, do đó góp phần làm phong phú thêm nền kinh tế địa phương. Mặc dù thành công của một doanh nhân vi mô đã được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến một cộng đồng, nhưng sự sụp đổ của nó cũng tác động đến rất nhiều gia đình và cuối cùng tác động đến cộng đồng.

Tiến thoái lưỡng nan sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly

Với tất cả những thách thức mà các doanh nhân vi mô phải đối mặt, ngành tài chính vi mô dự đoán khả năng thanh toán của khách hàng sẽ giảm sau khi dịch bệnh bùng phát. Ngay cả với rủi ro khả năng hoàn trả thấp, MFI vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính cho khu vực thu nhập thấp trong thời gian cách ly. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo ngành liên tục nghĩ ra những cách hỗ trợ cho hoạt động kinh tế của các doanh nhân vi mô này.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không thể làm điều đó một mình. Dự báo, thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) đang tìm kiếm các biện pháp can thiệp tiềm năng để tiếp tục hoạt động và hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Các Tổ chức TCVM đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức có thể cung cấp thêm tín dụng và tài trợ để hỗ trợ cho các khách hàng cải thiện cuộc sống của họ trong khi phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu này. Chúng tôi cũng đang kêu gọi các đối tác và lãnh đạo ngành để thảo luận về vấn đề cấp bách này để giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch đến ngành tài chính vi mô.

Quan trọng nhất là sự hỗ trợ từ chính phủ tại thời điểm này. Philippines đã được chứng minh là một môi trường thuận lợi để triển khai hoạt động tài chính vi mô. Ngân hàng nhà nước Philippines đã nhiều lần công nhận các tổ chức tài chính vi mô đã giúp đẩy mạnh toàn chính toàn diện. Hơn nữa, các luật như RA 10693 hoặc Đạo luật các tổ chức tài chính vi mô phi chính phủ, được ký vào tháng 11 năm 2015, cho phép các tổ chức phi chính phủ vi mô mở rộng phạm vi hoạt động tới nhiều người nghèo hơn, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận và thực hiện các chương trình phát triển cộng đồng với các ưu đãi về thuế. Những chương trình này bao gồm các dịch vụ y tế, học bổng và đào tạo về sinh kế.

Chúng tôi khuyến khích bạn nghĩ về những người có thu nhập thấp; công nhân không có đất, nông dân có quy mô sản xuất nhỏ, ngư dân, maglalako, chủ tiệm tạp hóa nhỏ và các doanh nhân vi mô khác. Việc đóng cửa và cách ly cộng đồng có thể kết thúc sớm nhưng nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, sự đau khổ của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn ngay cả sau khi dịch bệnh qua đi. Bảo vệ sức khỏe và tài chính toàn diện luôn đi đôi với nhau, chúng ta sẽ không quên cân bằng hai yếu tố này. Hãy đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Như kết luận của CGAP: Có vẻ như không có sự hỗ trợ và hành động phối hợp đáng kể, nhiều Tổ chức TCVM sẽ trở nên rủi ro trong cơn bão sắp tới. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta nên làm gì ngay bây giờ để đảm bảo hoạt động và có thể đóng góp cho sự phục hồi kinh tế ? Hãy bắt đầu đưa ra kế hoạch đối phó COVID-19 để việc chiến thắng nghèo đói nghèo không chỉ tồn tại trong một bảo tàng, mà là phong trào của các tổ chức tài chính vi mô hiện đại.

Share

Tin tức gần đây