NDO – Không chỉ xoay quanh thông tin về dòng tiền, hay những con số minh chứng việc sử dụng vốn hiệu quả như các tổ chức tài chính thông thường, câu chuyện của TYM còn mang ý nghĩa lớn lao và nhân văn hơn. Đó là hành trình bền bỉ suốt 30 năm qua của 1 mô hình tài chính vi mô đặc biệt, dành riêng cho những người phụ nữ nghèo, yếu thế trong xã hội.
Dấu ấn của tổ chức tài chính vi mô đầu tiên tại Việt Nam
Nhắc đến Tổ chức Tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương (TYM), chúng ta phải ngược dòng thời gian về thời điểm đất nước thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thời điểm đó, dù kinh tế-xã hội đất nước có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có những người phụ nữ thuộc nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương – khó tiếp cận các nguồn vốn chính sách xã hội, chật vật trong cuộc mưu sinh.
Trong bối cảnh ấy, năm 1992, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai Dự án “Quỹ Tình Thương” (TYM) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và các dịch vụ phi tài chính cho phụ nữ, giúp chị em xóa đói, giảm nghèo và cải thiện cuộc sống, qua đó thiết thực góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trải qua các thời kỳ, TYM đã có nhiều thay đổi để phù hợp với các quy định mới của ngành tài chính-ngân hàng cũng như hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ. Đặc biệt, năm 2010, TYM đã chuyển mình mạnh mẽ từ 1 dự án hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo thành 1 tổ chức tài chính vi mô được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép với định hướng phát triển bền vững và ý nghĩa xã hội to lớn. Đây là dấu mốc giúp TYM phát triển an toàn, lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn.
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, TYM đã có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động giảm nghèo ở Việt Nam nói chung cũng như cho phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Theo đó, tính đến hết tháng 7/2022, số thành viên/khách hàng đã tham gia hoặc từng được tiếp cận với dịch vụ của TYM đã lên đến hơn 385 nghìn người. Hơn 1,7 triệu khoản vay được TYM cung cấp cho phụ nữ trong suốt 30 năm qua, tương đương với hơn 28 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tính riêng trong 5 năm gần đây (2017-2022), đã có hơn 20.400 khoản vay dành riêng dành cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo.
Điểm tựa cho những phụ nữ nghèo
Tính đến hết tháng 7/2022, số thành viên/khách hàng đã tham gia hoặc từng được tiếp cận với dịch vụ của TYM đã lên đến hơn 385 nghìn người. Hơn 1,7 triệu khoản vay được TYM cung cấp cho phụ nữ trong suốt 30 năm qua, tương đương với hơn 28 nghìn tỷ đồng. |
Dường như có một mẫu số chung cho các “khách hàng” của TYM là gia cảnh khó khăn, không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận các nguồn vốn; hạn chế các cơ hội phát triển… Thậm chí, họ đánh mất niềm tin vào bản thân, không nghĩ rằng mình có thể làm chủ kinh tế, có thể vươn lên thay đổi cuộc sống.
Đồng hành với họ từ khi các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính còn rất khó khăn cho đến lúc gây dựng cuộc sống ổn định, thậm chí bắt đầu có địa vị xã hội, suốt 3 thập kỷ qua, TYM luôn kiên định, bền bỉ với mục tiêu lớn: nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ, tăng cường an sinh xã hội tại địa phương nơi TYM đang hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Thay vì việc để thành viên tìm đến mình, TYM chủ động lập “bản đồ đói nghèo” để phục vụ tận nơi với mô hình hết sức ưu đãi: cho vay không thế chấp, trả dần định kỳ (hàng tháng, hàng tuần). Qua đó, thành viên có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn cần thiết cho việc phát triển sản xuất kinh doanh và nhu cầu trong đời sống; giảm nhẹ “gánh nặng” tài chính khi trả dần theo nhiều kỳ.
Cùng với đó, các thành viên có thể tham gia gửi tiết kiệm tại TYM hàng tuần với khởi điểm rất nhỏ: chỉ từ 5.000 đồng, giúp hình thành thói quen chủ động tích lũy vốn cho gia đình. Nhờ đó, nhiều chị em không chỉ hoàn trả vốn 100%, tích lũy thêm vốn cho việc kinh doanh sản xuất, mà còn có thêm những khoản tiết kiệm để dành cho việc học hành của con cái, việc chăm sóc sức khỏe gia đình.
Ngoài ra, TYM còn rất chú trọng hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên. Thành viên được đào tạo ngay khi bắt đầu và trong suốt quá trình tham gia TYM.
Các nội dung đào tạo đi từ cơ bản đến chuyên sâu phù hợp theo từng nhóm. Việc các thành viên được nâng cao năng lực sẽ giúp họ sử dụng vốn vay, tham gia vào hoạt động tài chính của TYM một cách hiệu quả, từ đó giúp phát triển được kinh tế gia đình và cải thiện đời sống.
Ngoài nội dung về sử dụng dịch vụ tài chính hiệu quả hơn, thành viên TYM còn được nâng cao kiến thức, hiểu biết về các vấn đề chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái, nâng cao kỹ năng ứng xử, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…, giúp họ phát triển toàn diện hơn và cải thiện được các mặt khác trong cuộc sống.
Qua 30 năm hoạt động, TYM đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình thu nhập thấp, trong đó đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo và yếu thế.
Tính đến cuối tháng 7/2022, TYM hoạt động tại 13 tỉnh/thành phố trải dài từ bắc đến trung bộ Việt Nam, phục vụ trên 180 nghìn phụ nữ nghèo và thu nhập thấp, trong đó có hơn 7.300 thành viên nghèo, cận nghèo và yếu thế như nhiễm hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, khuyết tật.
Tính đến cuối tháng 7/2022, TYM hoạt động tại 13 tỉnh/thành phố trải dài từ bắc đến trung bộ Việt Nam, phục vụ trên 180 nghìn phụ nữ nghèo và thu nhập thấp, trong đó có hơn 7.300 thành viên nghèo, cận nghèo và yếu thế. |
Điều đáng quý hơn, chính từ “điểm tựa” vững chắc này, hàng trăm nghìn chị em đã thoát nghèo bền vững, hàng nghìn người trở thành doanh nhân vi mô, trong đó có nhiều chị em được tôn vinh tại các giải thưởng lớn và uy tín.
Đến nay, đã có 93 thành viên TYM được trao giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi-Việt Nam, 1 thành viên được trao giải Doanh nhân vi mô toàn cầu, và 7 thành viên đạt giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Đặc biệt, các hỗ trợ của TYM càng ý nghĩa hơn khi TYM không chỉ tập trung vào thành viên, khách hàng mà còn có cả các hỗ trợ chung đối với cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động cộng đồng được tổ chức thường niên như trao mái ấm tình thương, khám sức khỏe, trao học bổng cho con thành viên khó khăn, trong 2 năm qua, TYM cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng và địa phương vượt qua các khó khăn của đại dịch Covid-19.
Thời đại mới: Áp lực mới, mục tiêu mới
Trong bối cảnh mặt bằng thu nhập cũng như đời sống kinh tế-xã hội ngày càng được nâng cao, cùng với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành tài chính, TYM cũng đứng trước những áp lực không nhỏ để đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Chia sẻ về điều này, bà Phạm Thị Thùy Linh, Tổng Giám đốc TYM cho biết: cập nhật xu thế thời đại, TYM đã tìm hiểu và ứng dụng thiết bị thông minh nhằm nâng cao hiệu suất làm việc cho các cán bộ TYM.
Đơn cử như phát triển các kênh mới trên thiết bị thông minh nhằm kết nối dữ liệu đầu vào hệ thống ngân hàng lõi để thực hiện quy trình nghiệp vụ với thời gian nhanh nhất và chi phí hợp lý nhất.
Cùng với đó, TYM cũng nghiên cứu và phát triển ứng dụng di động cho thành viên nhằm quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính, phi tài chính của tổ chức, cũng như tạo nền tảng thực hiện nghiệp vụ khác theo quy định.
Bên cạnh đó, TYM đã tổ chức các hoạt động đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính của TYM, trong hoạt động kinh doanh và sinh kế.
Có thể nói, đồng hành để trở thành bậc thang đi lên của phụ nữ, tiếp bước cho họ là 1 hành trình dài, bền bỉ và vô cùng đáng quý mà TYM đã thực hiện trong suốt 30 năm qua.
“Nhưng để cùng những người phụ nữ nghèo, yếu thế tiến xa hơn trong cuộc sống hôm nay, con đường ấy sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa ở TYM. Nhìn lại những thành tựu 30 năm qua, hướng về chặng đường dài sắp tới, TYM sẽ tiếp tục nỗ lực sáng tạo, đổi mới không ngừng vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ”, bà Phạm Thị Thùy Linh, Tổng Giám đốc TYM nhấn mạnh.