“Đối với tôi, các chị em thành viên đều là những người bạn. Bạn vui thì tôi vui. Chỉ đơn giản như vậy thôi”
-Vũ Thị Liên- Cán bộ TYM – Chi nhánh Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Số năm làm việc tại TYM: 17 năm
Số khách hàng được phục vụ bởi cán bộ được đề cử: 587 người
Dư nợ vốn quản lý: 6,7 tỷ đồng
Dư tiết kiệm quản lý: 4,6 tỷ đồng
Tỷ lệ hoàn trả:100%
Bắt đầu công tác ở TYM từ năm 2000, chị Liên không chỉ là một người cán bộ tài chính vi mô có năng lực và chuyên môn tốt với kết quả hoạt động luôn vượt kế hoạch và cao hơn mức trung bình của cán bộ TYM mà còn là những tác động tích cực của chị tới cuộc sống của chị em thành viên – những người phụ nữ đã được chị giúp đỡ. Phong cách làm việc và lối sống của chị là một tấm gương sáng cho những người cán bộ tài chính vi mô ở Việt Nam. Và với sự nỗ lực đó, chị đã trở thành một trong năm cán bộ tín dụng xuất sắc được bình chọn của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2017 và là cán bộ thứ 4 được vinh dự nhận giải thưởng này. Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện về chị:
“Đưa cần câu chứ không đưa con cá”
Đó là phương châm “muôn đời” của những người cán bộ tài chính vi mô nhưng chắc chắn rằng rất ít người có thể thực hiện phương châm đó một cách hiệu quả và đúng đắn được như chị Liên. Bên cạnh việc cho thành viên vay vốn chị luôn trăn trở làm thế nào để đồng vốn chị em vay về sinh sôi nảy nở. Vì vậy, trong suốt 17 năm công tác chị luôn cố gắng hết mình để vận động, giúp đỡ các thành viên do chị quản lý vay vốn, tư vấn cách sử dụng vốn có hiệu quả và nhiều thành viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chị Nguyễn Thị Lý là một thành viên tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2004, sau khi đi làm ăn tại miền Nam thất bại, gia đình chị Lý trở về quê hương với vỏn vẹn 2 triệu đồng trong tay, bố mẹ đều nghèo không có tiền giúp đỡ hai vợ chồng gây vốn làm ăn. Chị Liên đã vận động chị Lý tham gia vay vốn ở TYM với mức vốn vay ban đầu là 7 triệu đồng. Nhận thấy đặc điểm của vùng dân cư nơi chị Lý ở xa trung tâm, không tiện mua hàng hóa tiêu dùng, chị Liên đã tư vấn cho chị Lý mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Bên cạnh đó, chị Liên đã kết nối cho gia đình chị Lý với người bạn của chị hiện đang phân phối các mặt hàng tiêu dùng, nhờ đó chị Lý được lấy hàng với giá rẻ hơn và có thể đổi lại hàng nếu không bán được. Sau một thời gian, việc buôn bán của chị Lý dần ổn định. Chị Liên tiếp tục gặp chi hội phụ nữ nhờ họ tuyên truyền về việc gia đình chị Lý bán hàng tiêu dùng để đông đảo chị em được biết và có thể mua hàng ngay gần nhà mà không phải đi xa nữa. Nhờ sự giúp đỡ của chị Liên, cửa hàng của chị Lý ngày càng phát triển, gia đình chị luôn vay vốn TYM ở mức tối đa và hoàn trả rất tốt. Sau 4 năm anh chị đã có một cửa hàng tạp hóa khang trang mang tên “Cửa hàng tự chọn Hải Lý”. Không dừng lại ở đó, khi đã tích lũy được chút vốn từ cửa hàng, anh chị lại muốn đầu tư thêm hoạt động kinh doanh tuy nhiên chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào. Chị Liên đã tư vấn cho gia đình chị Lý bán thêm mặt hàng xăng dầu do nhận thấy trong vùng chưa có nơi nào bán xăng, người dân phải đi 2 – 3 km mới mua được. Từ bước đầu chỉ bán theo can, anh chị đã mạnh dạn vay thêm vốn của TYM để mở cây xăng. Chị Liên lại tiếp tục đồng hành hỗ trợ gia đình chị Lý bằng cách tìm người hiểu biết về lĩnh vực này giúp đỡ cho gia đình chị Lý về mặt kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu. Và lần thứ hai gia đình chị Lý lại thành công với sự trợ giúp của người cán bộ TYM tậm tâm, nhiệt tình này. Nhờ thành công từ các dự án kinh doanh, chị Nguyễn Thị Lý đã vinh dự đạt giải thưởng Doanh nhân vi mô năm 2009 do Quỹ Citi trao tặng. Chị Liên tin rằng, thành viên phải có công ăn việc làm ổn định thì mới có thể phát triển bền vững và chị Nguyễn Thị Lý chỉ là một trong những điển hình được chị Liên giúp đỡ.
Chị Mai ở cụm 10 xã Quất Lưu, Bình Xuyên cũng được chị Liên gợi ý, hướng dẫn mở đại lý thu mua nông sản của người dân địa phương (do chị Liên thấy dưa hấu, dưa cát được người dân trồng có chất lượng rất cao nhưng lại chỉ đi bán lẻ bên đường, thu nhập không ổn định). Không những thế, chị còn tìm đầu ra cho chị Mai với việc kết nối đại lý của chị Mai với nhà máy chế biến hoa quả. Từ khi có đầu ra ổn định từ nhà máy chế biến hoa quả, việc thu mua nông sản của chị Mai rất thuận lợi, từ việc thu mua ở quy mô nhỏ, chị Mai đã mở rộng quy mô thu mua sang các vùng lân cận, công việc kinh doanh rất phát triển. Cũng nhờ có chị Mai làm trung gian mà người dân trong vùng có nơi tiêu thụ nông sản do mình sản xuất ra, cuộc sống của người dân cũng vì thế mà có phần cải thiện. Không chỉ dừng lại ở đó, dường như tình yêu của chị đối với thành viên luôn là động lực để chị giúp đỡ, tìm tòi các địa chỉ mà họ cần để kết nối với nhau. Rất nhiều thành viên, chồng thành viên của chị chưa có việc làm ổn định đã được chị giới thiệu cho các địa chỉ việc làm tin cậy, có thể kể đến chồng thành viên Huỳnh ở cụm 7 đã được chị Liên giới thiệu cho đi làm công nhân xây dựng ở công ty xây dựng số 4 thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội, chị Yên ở cụm 59 được chị kết nối đi làm phụ bán hàng ăn tại nhà chị Hạnh, một thành viên của cụm 35… cho đến nay họ đều đã có thu nhập ổn định từ công việc mà chị Liên giới thiệu.
Sẻ chia nỗi khó khăn với thành viên, lan tỏa sự tử tế đến cộng đồng
Có lẽ, điều đáng quý nhất ở chị đó là mỗi khi chị giúp đỡ thành viên, thì chị đều chu đáo, trọn vẹn, luôn “làm đến nơi đến chốn”. Bởi chị hiểu rõ hai chữ “tận tâm” trong giá trị của TYM là sự đồng hành và chia sẻ với thành viên những khó khăn trong cuộc sống để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong các thành viên mà chị Liên quản lý, có một trường hợp rất khó khăn đó là chị Nguyễn Thị Liệu. Chị Liệu là một người mẹ đơn thân có một cô con gái nhỏ không có nghề nghiệp ổn định. Cuộc sống của chị càng trở nên khó khăn khi chị mắc chứng bệnh suy gan, phải nằm viện điều trị, không thể chăm sóc con gái. Chị Liên đã xin phép Trưởng phòng giao dịch điều chỉnh lịch thu tiền các cụm từ 7h sang 7h30 để đưa cháu đi học và thu xếp công việc buổi chiều để đón cháu về lúc 17h..Buổi sáng, chị dậy từ rất sớm để lo việc nhà, chuẩn bị bữa sáng cho mẹ già và 2 con, sau đó đưa con đến trường, rồi lại đem đồ ăn sáng tới cho con của chị Liệu và đưa cháu đi học. Không chỉ có vậy, chị Liên còn bàn với các chị em ở cụm giúp đỡ chị Liệu chăm sóc đàn lợn, bò, những ngày nghỉ chị thường đến thăm, động viên con gái chị, hướng dẫn cháu biết tự chăm sóc cho bản thân khi mẹ vắng nhà, dạy cháu biết đi xe đạp để cháu chủ động đến trường. Chị đã trích một phần tiền lương của mình cùng với 30 thành viên của cụm mua tặng cháu một chiếc xe đạp để cháu tự đến trường và một nồi cơm điện để cháu nấu cơm hàng ngày. Nhìn thấy con gái được chăm lo, đùm bọc trong tình yêu thương của cán bộ TYM và chị em trong cụm, chị Liệu không khỏi xúc động và biết ơn, sau 2 tháng nằm viện, sức khỏe chị đã dần ổn định.
Trong 587 thành viên mà chị Liên quản lý, có rất nhiều những câu chuyện về sự thay đổi tiến bộ trong cuộc sống nhờ vào sự quan tâm và chia sẻ của chị. Chứng kiến những việc làm vô cùng cao đẹp của chị, không chỉ các cán bộ của chi nhánh mà ngay cả những thành viên khác cũng đều như được truyền cảm hứng trong công việc và cuộc sống của mình. Chẳng thế mà chị luôn được thành viên quý mến và tin tưởng.
Hi vọng rằng, khi đọc câu chuyện về chị, sẽ có nhiều đồng nghiệp cán bộ TYM và những cán bộ tài chính vi mô sẽ lấy đó làm động lực, nguồn cảm hứng để phấn đấu trong lao động và cuộc sống.