Cô giáo mầm non ‘lấn sân’ làm tranh gạo

28/01/2019

Chị Vân (đứng giữa) nhận giải “Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo Citi – Việt Nam 2018”

Ngoài công việc chính là giáo viên mầm non tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Vân mạnh dạn vay vốn từ TYM để khởi nghiệp và “lấn sân” sang lĩnh vực nghệ thuật: làm tranh gạo truyền thống trên mảnh đất quê hương.

Chị Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1978, là thành viên Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) – Chi nhánh Sóc Sơn, Hà Nội. Chị vừa đón nhận tin vui sẽ được trao giải “Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo Citi – Việt Nam 2018” với mô hình sản xuất và kinh doanh tranh gạo truyền thống.

Bên cạnh mô hình đạt giải thưởng, chị Nguyễn Thị Vân vẫn làm công việc mà mình đã gắn bó lâu năm là giáo viên mầm non. Cũng bởi công việc thú vị này mà nuôi dưỡng trong chị niềm đam mê với hội họa và làm các đồ thủ công. Thế nên, chị đến với tranh gạo vừa để thỏa mãn đam mê, trí sáng tạo của mình mà cũng đem lại kinh tế cho gia đình.

Theo chị Vân, làm tranh gạo cũng chính là làm phong phú thêm văn hóa của Việt Nam, truyền cảm hứng và tình yêu đất nước cho các bạn trẻ và giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế theo một cách mới. Vậy là năm 2016, khi đã 38 tuổi, từ một cô giáo mầm non ngày ngày cần mẫn tới trường dạy trẻ, chị Vân bắt đầu khởi sự kinh doanh như vậy.

Gia đình chị Vân từ trước đến nay không ai theo nghệ thuật hay làm đồ thủ công cả. Nơi chị sinh sống cũng không phải là làng nghề, hay nơi chuyên làm tranh gạo nên khi ý tưởng nảy ra, chị bước vào nghề khi gần như không có một chút kiến thức, kỹ năng gì về làm tranh gạo và phải học hỏi từ đầu.

Khi bắt đầu việc làm tranh gạo này, chị cùng chồng và con đã phải mày mò khắp nơi, tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật cũng như lựa chọn các nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm các mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của thị trường. Đó cũng là lúc chị quyết định sẽ sử dụng phương pháp thủ công là rang để tạo màu cho hạt gạo bởi mặc dù mất nhiều công sức, tốn thời gian và đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn so với kỹ thuật nhuộm màu phẩm nhưng nó lại bền màu, không độc hại, an toàn cho người sử dụng và mang nhiều dấu ấn của người làm.

Khó khăn trong những ngày đầu thì có lẽ không thể kể hết: từ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, cho đến thiếu đầu ra và đặc biệt là thiếu vốn. Thế nhưng nhờ vào sự quyết tâm của cả hai vợ chồng mà dần dần từng bước công việc mới này cũng đi vào ổn định và đến nay đã có nhiều đơn hàng lớn, sản phẩm được nhiều người biết đến.

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, chị Vân gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện. Từ năm 2012, khi tham gia TYM và bắt đầu vay vốn với mức 7 triệu đồng, và gia đình anh chị vẫn đều đặn vay các vòng vốn và tăng dần mức vay theo thời gian.

Vay vốn của TYM không chỉ giúp chị giải quyết bài toán thiếu vốn mà còn hỗ trợ chị hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù chị cũng đã có một lượng khách hàng nhưng sản phẩm của chị chưa được nhiều người biết đến. Qua các hoạt động phiên chợ giới thiệu sản phẩm do TYM tổ chức, chị mới có cơ hội giới thiệu sản phẩm tranh gạo của mình đến với khách hàng khắp nơi và kể cả người nước ngoài.

Không chỉ vậy, TYM vẫn tiếp tục hỗ trợ kết nối sản phẩm của chị ra ngoài thị trường bằng cách đưa tranh gạo mà chị làm vào cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở 20 Thụy Khuê, hỗ trợ chị được tham gia các hội chợ lớn. Tranh gạo của chị là một món quà văn hóa, tinh tế được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là người nước ngoài. Sản phẩm tranh gạo này không chỉ là món quà văn hóa mang đặc trưng Việt Nam, mà đó còn là sản phẩm của người phụ nữ – một thành viên TYM tiêu biểu luôn nỗ lực phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đến nay, khi công việc kinh doanh mở rộng, chị Vân đã thuê thêm và tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 4 lao động thời vụ. Chị tin rằng chỉ cần có niềm đam mê, không ngừng cố gắng, học hỏi thì bắt đầu công việc kinh doanh không bao giờ là muộn.

Ngày 12/12/2018, Lễ trao giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi-Việt Nam 2018 (CMA 2018) được tổ chức tại Hà Nội. Năm nay, Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM (thuộc Hội LHPNVN) nhận được giải thưởng ở cả 2 hạng mục tổ chức và doanh nhân vi mô của CMA.
Đối với hạng mục Tổ chức, TYM đã vinh dự nhận được giải thưởng “Tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu CMA 2018 Hoạt động hiệu quả và bền vững”.
Đối với hạng mục doanh nhân vi mô, năm nay TYM có hai thành viên được vinh danh.
Cụ thể, chị Nguyễn Thị Vân, thành viên TYM – Chi nhánh Sóc Sơn, Hà Nội với mô hình làm tranh gạo được trao giải “Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo Citi – Việt Nam 2018” . Người thứ 2 được vinh danh là chị Quách Thị Hường, thành viên TYM – Chi nhánh Kim Động, Hưng Yên, với mô hình làm hương truyền thống được trao giải thưởng “Doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam 2018”.

Nguồn: Phunuvietnam.vn

Share

Tin tức gần đây

TYM đạt 2 giải thưởng trong Liên hoan phim cộng đồng Quốc tế

Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Hội LHPN Việt …

Share
Đọc thêm tại đây
Nâng cao năng lực cho cụm trưởng năm 2024 tại TYM – Chi nhánh Hưng Yên

Ngày 22/11/2024, TYM – Chi nhánh Hưng Yên tổ chức đào tạo …

Share
Đọc thêm tại đây
Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây