Ngày 19/8/2023, TYM đã tổ chức hội nghị Đánh giá hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại TYM. Hội nghị có sự tham gia của Ban Tổng Giám đốc TYM, Ban Giám đốc chi nhánh, Trưởng/phó phòng/nhóm/bộ phận của Trụ sở chính.
Thanh toán không dùng tiền mặt được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch, mang lại tiện ích cho người dân và tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với TYM, từ tháng 4/2022, TYM đã có một số chi nhánh lần lượt thực hiện thí điểm kí kết thỏa thuận hợp tác với ngân hàng thương mại về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thu hộ, chi hộ. Theo đó, các thành viên, khách hàng TYM nếu có nhu cầu có thể đăng kí trả gốc, lãi vốn vay của TYM và gửi tiết kiệm thông qua tài khoản ngân hàng thay vì thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt như thông thường. Hiện nay, việc thí điểm này đang diễn ra tại 06 chi nhánh là: Chi nhánh TP Nam Định (4/2022), chi nhánh Hải Hậu (10/2022), chi nhánh Nam Trực (12/2022), chi nhánh Ý Yên (08/2022), chi nhánh Hải Phòng (10/2022) và chi nhánh Hải Dương (12/2022). Trước đó, từ tháng 4/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, TYM đã điều chỉnh chính sách để khách hàng có thể hoàn trả gốc lãi và gửi tiết kiệm bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.
Tại hội nghị, ông Phùng Đình Kiện, trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển đã trình bày báo cáo đánh giá hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của TYM: Tính đến hết ngày 31/5/2023, đã có 3.980 khách hàng TYM sử dụng dịch vụ theo chương trình thí điểm. Trong đó, số khách hàng sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt tại chi nhánh TP. Nam Định là 31%, chi nhánh Ý Yên 08%, chi nhánh Hải Hậu 03%, chi nhánh Hải Phòng 08%, chi nhánh Nam Trực 07%, chi nhánh Hải Dương 04%. Qua quá trình triển khai thí điểm, đại diện phòng Nghiên cứu & Phát triển cũng đưa ra một số ưu điểm như sau:
– Đối với khách hàng của TYM:
+ Các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, chính xác, an toàn, đặc biệt với các giao dịch lớn, giao dịch có số lẻ. Khách hàng không mất thời gian đi nộp tiền mặt;
+ Giảm thủ tục cho khách hàng (không phải ký nhiều chứng từ rút tiết kiệm, không phải đợi đến cuối buổi thu tiền để rút tiết kiệm);
+ Rõ ràng, minh bạch, chính xác trong các giao dịch thu/chi. Khách hàng dễ dàng kiểm soát được số tiền giao dịch;
+ Những khách hàng lớn tuổi hoặc không thành thạo về công nghệ cảm thấy dễ dàng và thuận tiện hơn khi không phải thực hiện các thao tác chuyển tiền;
+ Không hạn chế hình thức hoàn trả vốn vay theo cụm (Mỗi khách hàng được chọn tần suất hoàn trả phù hợp với nhu cầu, không cần thống nhất 1 tần suất với toàn cụm).
+ Khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ của TYM
– Đối với cán bộ cụm:
+ Giảm lượng thu tiền mặt tại cụm, hạn chế được các rủi ro về tiền mặt;
+ Giảm thời gian thu tiền;
+ Giảm khối lượng công việc tại cụm như: ghi chép các khoản thu chi của khách hàng, đôn đốc khách hàng có mặt đúng giờ tại cụm để nộp tiền theo quy định,…
– Đối với TYM:
+ Tăng uy tín và nâng cao hình ảnh của TYM đối với với khách hàng và chính quyền địa phương;
+ Tăng tính cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác;
+ Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng với nhiều hình thức thu/chi linh hoạt;
+ Giảm bớt các công việc và thời gian thu tiền, vận chuyển tiền cho một số vị trí công việc, từ đó có thể nâng cao năng suất lao động của cán bộ;
+ Giao dịch được thực hiện an toàn. Hạn chế rủi ro trong quá trình chuyển tiền và các rủi ro khác về tiền (như tiền rách, tiền giả, …);
+ Giao dịch nhanh chóng, minh bạch, xác thực dễ dàng và hạn chế vấn đề lạm dụng tiền;
+ Kiểm soát được thời gian nộp tiền của khách hàng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra một số tồn tại TYM mà khách hàng còn gặp phải trong quá trình thực hiện thí điểm. Theo đó, nhiều khách hàng hiện nay của TYM đang sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, ít có điều kiện được tiếp cận với công nghệ, không có điện thoại thông minh, chưa có trải nghiệm sử dụng dịch vụ ngân hàng số (chưa có tài khoản ngân hàng) vì vậy họ vẫn chưa thể sử dụng dịch vụ hoặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình mở tài khoản giao dịch, thao tác, chuyển tiền vào tài khoản để thực hiện giao dịch. Họ vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, và có tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến…Chưa kể, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ phần lớn tập trung ở khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, dù cũng phát triển nhưng độ “phủ sóng” chưa được như kỳ vọng vì vậy khách hàng cũng gặp một số vấn đề trong quá trình giao dịch.
Để đồng hành với khách hàng, cán bộ TYM đã hỗ trợ họ mở tài khoản ngân hàng, hướng dẫn từng thao tác thực hiện cũng như luôn nhắc nhở khách hàng các bước cần thực hiện để giúp họ có những trải nghiệm ban đầu dễ dàng hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc Phạm Thị Thùy Linh khẳng định thời gian tới TYM sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 và chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2024, định hướng đến năm 2030.
Thời gian qua, không chỉ tại các địa bàn thực hiện thí điểm, TYM đang nỗ lực khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, xây dựng thói quen thanh toán, chi trả theo phương thức điện tử. Đồng thời, TYM đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong việc phổ cập kiến thức tài chính thông qua các chương trình như Tiền khéo tiền Khôn, Tay hòm chìa khóa. TYM cũng tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng và về công nghệ số: kỹ năng về bảo mật, an toàn khi sử dụng Internet, tránh bị mất tiền trong tài khoản; cảnh báo tin giả, các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản, …
Có thể nói, việc thí điểm hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại TYM bước đầu đã có những thành công nhất định mặc dù cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt khi nhóm khách hàng của TYM phần lớn còn chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ số. Tuy nhiên TYM cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để giúp cho khách hàng và tổ chức đáp ứng được với nhu cầu tất yếu của xã hội ngày nay, góp phần thực hiện kế hoạch của TYM trong việc triển khai định hướng của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam với chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.