Thành viên: Đặng Thị Toàn

Tuổi: 47

Sống tại: Quảng Xương - Thanh Hóa

 Vươn lên từ hai bàn tay trắng

Quảng Xương vốn là một huyện đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hoá với 35 xã/thị trấn trên tổng diện tích 198,2 km2. Hàng năm, vùng đất này luôn phải gánh chịu những trận thiên tai nên đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn vất vả. Chị Đặng Thị Toàn (sinh năm 1977) người thôn Quảng Trạch, huyện Quảng Xương là một phụ nữ nhỏ nhắn, với sự cần cù, sáng tạo, và nỗ lực không mệt mỏi, chị đã gây dựng nên cơ nghiệp từ hai bàn trắng trên vùng đất nghèo khó này để trở thành một tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Sáu năm về trước, với thể trạng không tốt, chị Toàn ốm đau liên miên, chồng chị làm thợ xây thu nhập không đủ thuốc thang cho vợ, nhất là khi chị phải đi viện để mổ u bướu. Căn nhà cấp 4 xập xệ của anh chị lúc ấy chẳng có thứ gì giá trị. Năm 2007, anh chị mạnh dạn tham gia vào TYM với vốn vay khởi điểm là 3 triệu đồng đầu tư vào nghề dệt chiếu. Một thời gian ngắn sau, chị nhận thấy công việc kinh doanh chiếu dù đủ ăn nhưng không đạt hiệu quả như mong đợi trong khi nhu cầu sử dụng xe rùa (xe đẩy hàng một bánh) phục vụ cho nông nghiệp và các công trình xây dựng ngày càng tăng, sau nhiều ngày suy nghĩ tính toán vợ chồng chị đã quyết định đổi hướng kinh doanh – kinh doanh xe rùa tại địa phương. Để học  nghề chế tạo xe rùa, gia đình chị đã quyết tâm lặn lội vào tận Huế để học. Bước đầu xa quê, sự khó khăn nơi xứ người làm cả hai nản lòng và quay về quê với ý định sẽ tìm hướng đi khác. Quay trở lại quê nhà, anh chị lại càng nhận thấy nhận định ban đầu của họ về nhu cầu sử dụng xe rùa là hoàn toàn đúng đắn, điều này tiếp thêm sức mạnh, giúp anh chị có quyết tâm vào Huế học nghề một lần nữa. Cả hai vợ chồng lại khăn gói ra đi, với chuyến đi lần này, anh chị đã dành trọn thời gian và công sức để học trọn vẹn nghề chế tạo xe rùa. Năm 2010, có kiến thức trong tay, với một khoản tiền tiết kiệm, cộng với số vốn vay từ TYM và anh em bạn bè, anh chị đã mở một cơ sở sản xuất xe rùa tại nhà. Chỉ sau 2 năm, công việc làm ăn ngày càng phát đạt, thu nhập tăng, anh chị có điều kiện mở rộng nhà xưởng và quy mô làm ăn, tạo công ăn việc làm cho bình quân 10 nhân công lao động.

Với sự tần tảo chịu khó của cả hai vợ chồng, công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Anh chị đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, mua sắm các đồ dùng gia đình như tivi, tủ lạnh, xe máy…; chăm lo sức khoẻ cho bố mẹ , học hành cho con cái; tái đầu tư và mở rộng sản xuất như làm săm lốp cho xe máy và xe rùa.

Chị Toàn không những chu toàn trong công việc gia đình, mà chị còn là thành viên gương mẫu trong các hoạt động của TYM. Trong các buổi họp cụm của TYM, chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cách quản lý, tổ chức, hạch toán sử dụng đồng vốn trong đầu tư phát triển kinh tế để giúp đỡ các chị em trong cụm có thêm kiến thức và sự tự tin trong kinh doanh.

Bằng sự chủ động trong cuộc sống và những đóng góp cho TYM, cho chi hội, cộng đồng, gia đình chị được chi hội phụ nữ xã và uỷ ban nhân dân xã tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá” và đưa ra các cuộc họp để chị em học tập, năm 2012 chị được nhận danh hiệu thành viên điển hình xuất sắc do TYM trao tặng; năm 2013 chị là một trong số hai thành viên TYM đạt giải  thưởng Doanh nhân Vi mô Citi Việt Nam 2013. Những thành quả đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng chắc chắn nhiều thành công sẽ còn đến với chị – người phụ nữ mạnh dạn, tự tin, và quyết đoán.

Sau 2 năm quay lại thăm gia đình chị, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của gia đình chị Toàn. Khi chia tay, chị nói trong nước mắt “Nếu không có TYM cấp vốn và luôn động viên gia đình tôi khi tôi ốm cũng như khi gia đình bước đầu vào sản xuất chắc tôi sẽ không có kết quả như ngày hôm nay. TYM là gia đình thứ 2 của tôi”.

Còn chúng tôi cũng cảm ơn chị vì đã sử dụng đồng vốn của TYM đúng mục đích, thật sự hiệu quả, không những giúp gia đình chị làm giàu mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác, chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em khác học tập và vươn lên phát triển kinh tế chính đáng và bền vững.

Chi nhánh Thanh Hoá

Share

01/10/2013