Thành viên: Đậu Thị Trung

Tuổi: 46

Sống tại: Diễn Châu, Nghệ An

Chúng ta thường nghĩ các loại rác thải sau khi bị vứt đi sẽ vào các khu xử lý rác, thật ra thì một phần lớn chúng sẽ đến những bãi chôn lấp và thậm chí tệ hơn là tuồn ra đại dương. Nhưng điều gì thực sự xảy ra với mảnh rác đó và nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường của chúng ta trong bao lâu?

Loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa, vì chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất song để phân hủy thì cần từ 500 -1.000 năm. Và khi chúng bị phân rã không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, chỉ là từ một mảnh lớn bây giờ chúng tách thành những mảnh nhỏ và tiếp tục phá hủy đại dương từng chút một.  Vì vậy tái chế rác thải nhựa, biến chúng thành tài nguyên là một trong những giải pháp tối ưu hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu một mô hình tái chế rác thải nhựa của thành viên TYM tại Nghệ An và lắng nghe những chia sẻ của chị:

TẦM NHÌN XA ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU “DÉP TỪ RÁC THẢI NHỰA”

Không chỉ dừng lại ở thu gom, tái chế rác thải nhựa, nhờ nguồn vốn vay tài chính vi mô, chị Đậu Thị Trung, thành viên TYM – Chi nhánh Diễn Châu, Nghệ An, đã tự tin phát triển mô hình kinh doanh tận dụng rác thải nhựa để sản xuất dép. Chị tự tin với kế hoạch dài hơi hơn, đăng ký bản quyền sản phẩm, phát triển marketing vươn ra thị trường rộng lớn hơn.

Rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, mọi người đều muốn vứt bỏ, còn chị lại thu nhặt, gom góp lại và biến nó thành nguồn thu nhập cho gia đình. Chị có suy nghĩ gì khi làm việc “ngược đời” như vậy?

Chị Đậu Thị Trung: Gia đình chúng tôi bắt đầu xây dựng mô hình tái chế rác thải nhựa để sản xuất dép vào năm 2015. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, vợ chồng chúng tôi đến với công việc này có lẽ vì một chữ “duyên”. Chúng tôi lập gia đình khi còn khó khăn, rồi bôn ba làm thuê khắp nơi cũng chẳng khá khẩm gì. Đến năm 2013 quyết tâm về quê hương vay vốn lập nghiệp để kinh doanh vận tải cũng không thành công. Vợ chồng tôi lại hiếm muộn, tiền bạc làm ra bao nhiêu đều cố gắng tích góp đi chữa bệnh nên áp lực kinh tế lại càng nặng nề. Rồi chính thời điểm khó khăn ấy, khi ở nhà do chưa có công việc ổn định, tôi nhận thấy rác thải nhựa trong dân cư nơi gia đình tôi sinh sống rất nhiều. Vợ chồng tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản nếu rác nhựa mà chôn lấp thì hàng trăm năm sau vẫn chưa phân hủy hết mà còn ảnh hưởng môi trường. Vậy, tại sao mình không tái chế rác thải nhựa để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, kiếm thêm thu nhập. Thế rồi hai vợ chồng bắt đầu bằng việc đi học các mô hình tái chế rác thải nhựa bên cạnh và học hỏi kinh nghiệm của những người đã làm trước đó. Đồng thời chúng tôi cũng đi vận động bà con làng xóm xung quanh không vứt rác bừa bãi mà để chúng tôi đi thu gom sử dụng. Bước đầu chỉ tìm nguồn đơn giản vậy thôi, dần dần mô hình phát triển, chúng tôi đi thu mua khắp nơi và sản xuất dép với số lượng lớn. Kinh tế gia đình nhờ vậy cũng ổn định, giúp chúng tôi có tiền đi chữa bệnh và cuối cùng cũng đạt được niềm mơ ước bao năm khi có con đầu lòng.

Khi bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, rào cản nào chị đã phải vượt qua?

Chị Đậu Thị Trung: Nói chung khi bắt đầu sản xuất kinh doanh thì ai cũng gặp khó khăn. Chúng tôi may mắn khi nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất nên vấn đề lớn nhất chính là nguồn vốn. Khi bắt đầu thành lập, thì chúng tôi thiếu nguồn vốn ban đầu để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc. Đến khi đi vào sản xuất thì do thiếu kinh nghiệm nên dây chuyền hoạt động chưa hiệu quả và thường xuyên thiếu vốn để thu mua phế liệu.

Khi mới mở xưởng nhiều người ngại ngần không dám cho vay. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ rằng việc tái chế rác thải nhựa là vô cùng viển vông. Chúng tôi không có một nguồn vốn nào ổn định ngoài TYM khi đã vay đều đặn từ năm 2013. Với dự án mới này rất may TYM vẫn tiếp tục tin tưởng và tạo điều kiện cho vợ chồng chúng tôi vay vốn. Không những thế với khoản tiết kiệm dành dụm đã lâu gửi ở TYM cùng với một số khoản vay của người thân mà chúng tôi cũng có một khoản kha khá để bổ sung nguồn vốn. Gia đình đã đầu tư vào mua hàng về cùng với máy  công suất nhỏ song khi được thị trường chấp nhận sản phẩm chúng tôi tiếp tục vay vốn các tổ chức khác và vay TYM với vốn tối đa 50.000.000 đồng và về mua thêm máy móc trang thiết bị cho việc hỗ trợ sản xuất tăng thêm.

Thực tế, mô hình thu gom rác thải nhựa đã có nhiều người đã từng làm. Chị bắt tay vào công việc này và đã tìm được cho bản thân hướng đi nào mới mẻ và hiệu quả cao hơn?

Chị Đậu Thị Trung: Đúng là thu gom rác thải nhựa thì không còn là một mô hình mới mẻ. Tuy nhiên để đưa vào thành mô hình “khép kín” vừa xử lý, tái chế rác thải nhựa rồi sản xuất thành dép có lẽ không phải nhiều hộ kinh doanh ở địa phương của chúng tôi có thể làm được. Quy trình sản xuất của tôi cũng rất đơn giản là thu mua rác thải nhựa của bà con về sau đó về nhân công sẽ phân loại cho phù hợp với sản phẩm và chuyển vào máy ép xay thành nguyên vật liệu. Khi đã thành nguyên vật liệu chúng tôi chuyển sang máy ép khuôn mẫu và chế biến thành sản phẩm. Quá trình làm bằng máy và các bước có các nhân công vận hành.

Qua quá trình sản xuất, chúng tôi luôn ý thức phải học hỏi qua mạng và bạn bè và đặc biệt thực sự lắng nghe ý kiến của khách hàng. Chúng tôi điều chỉnh lại quy trình sản xuất các bước và cứ như thế khách hàng cảm nhận sự thay đổi mẫu mã và các quy chuẩn nên từ đó tin cậy dùng sản phẩm. Khi chúng tôi đi giao hàng các tỉnh chúng tôi luôn hỏi khách hàng có hài lòng hay chưa ở điểm nào và ghi nhận những ý kiến và về cùng nhau đưa ra giải pháp thích hợp.

Chúng tôi bắt tay sản xuất những mẫu dép đầu tiên, mẫu mã đa dạng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Khi những mẫu dép đầu tiên ra đời, những người dân trong xóm là những khách hàng đầu tiên. Họ đã rất vui và rất bất ngờ vì những chai, lọ nhựa họ vứt đi hàng ngày tưởng chừng không thể phân hủy nay đã được tái chế thành những đôi dép nhựa đẹp mà giá thành lại phù hợp như thế.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có sự chuyển biến rất nhanh theo sự phát triển của kinh tế. Chị có dự định thế nào trong tương lai để công việc sản xuất của mình không bị tụt hậu, và có thể mở rộng quy mô kinh doanh?

Chị Đậu Thị Trung: Hiện nay chúng tôi đang duy trì là bảy nhân công nhưng trong thời gian tới chúng tôi muốn mua thêm máy móc thiết bị hiện đại hơn và có thêm nguồn vốn. Trong tương lai chúng tôi mua thêm máy móc thiết bị và đồng thời tuyển thêm nhân công và đặc biệt chúng tôi luôn quan tâm đầu ra và mong muốn được mở rộng ra các thị trường phía nam. Khi đó, gia đình chúng tôi tiếp tục sản xuất ra sản phẩm đưa vào thị trường phía nam để người dân được tiếp cận sản phẩm chúng tôi.

Kế hoạch xa hơn của tôi là làm sao gắn kết các đại lý phía nam. Khi mở rộng quy mô sản xuất thì tôi sẽ tuyển một nhân công chuyên marketing chuyên sâu về thị trường. Các đại lý phía nam luôn được marketing hỗ trợ về nhiều mặt để làm sao kết nối bền lâu và sự uy tín của chúng tôi luôn đi cùng với sản phẩm. Chúng tôi sẽ kết nối thông qua Zalo để có sự phán ánh luôn kịp thời. Giá trị sản phẩm luôn đi cùng thương hiệu do vậy trong tương lai chúng tôi sẽ đăng ký mẫu mã độc quyền cho chính sản phẩm của mình làm ra. Khi có được những thương hiệu uy tín chúng tôi tăng năng suất nhiều hơn nữa và mua sắm trang thiết bị máy hiện đại hơn.

Xin cảm ơn chị!

Share

30/03/2020