Thành viên: Dương Thị Tuyết

Tuổi: 49

Sống tại: Ý Yên, Nam Định

“Ở Việt Nam có rất nhiều phụ nữ như tôi – luôn làm việc thật chăm chỉ để hi vọng có thể thoát nghèo. Giải thưởng doanh nhân vi mô như một động lực lớn cho chúng tôi để nỗ lực vượt qua mọi thử thách và tự tin làm chủ mô hình sản xuất, kinh doanh của mình”

Cần cù, nhanh nhạy và năng động trong sản xuất kinh doanh, đó là nhận xét của mọi người khi nói về chị Dương Thị Tuyết, trú tại xóm 1 khu A thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, khách hàng cụm 24 chi nhánh 5 Quỹ Tình thương. Chị còn chia sẻ với chúng tôi dự định trong hai năm tới sẽ mở thêm 1 xưởng đúc nữa tạo công ăn việc làm cho 5-10 con em các chị trong cụm.

Dù đã nghe nói trước, chúng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng khi đến thăm xưởng đúc đồng của vợ chồng chị. Trong gian nhà rộng chừng 300m2, hơn chục lao động đang cần mẫn làm việc: người trộn đất, người làm khuôn, người làm muội, còn anh chị đến từng nhóm hướng dẫn công nhân những thao tác khó. Vừa giới thiệu xưởng, chị vừa vui vẻ kể: “Bây giờ trông thế này thôi, chứ ngày xưa tôi cũng gian truân, vất vả lắm. Có mỗi cái xe đạp tuềnh toàng mà đi khắp nơi thu gom phế liệu. Vốn liếng vẻn vẹn mấy trăm nghìn đồng”.

Chị kể, năm 1998 chị có đi dự buổi tuyên truyền của Quỹ Tình thương về họat động tín dụng nhằm giúp phụ nữ nâng cao kinh tế và địa vị xã hội. Về nhà, chị bàn với anh xin vay 500.000 đồng thêm vào vốn của chị, còn anh chưa có vốn nên vẫn đi làm thợ cho các xưởng đúc gần nhà. Trong các buổi sinh hoạt của Quỹ, chị được tiếp xúc, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các chị em khác. Nhờ vậy, chị tích lũy thêm được kinh nghiệm làm ăn và cũng thấy tự tin hơn rất nhiều.

Đến năm 2002, khi được vay vốn nhiều hơn từ Quỹ và gia đình cũng có chút tiền tiết kiệm, chị bàn với anh ở nhà mở nghề đúc xoong. Năm 2003, anh chị vay tổng cộng 25 triệu đồng từ Quỹ và chuyển hẳn sang làm nghề đúc đồng. Hàng ngày, anh ở nhà chuyên tâm sản xuất, còn chị đi làm quen giới thiệu sản phẩm ở mọi nơi. Đúng là trời không phụ lòng người, càng làm công việc kinh doanh của anh chị càng được mở mang. Hiện nay, anh chị kinh doanh cả đồ đồng và tranh chữ. Sản phẩm từ xưởng nhà anh chị được xuất đi nhiều nơi như Ninh Bình, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ thế, 11 công nhân trong xưởng luôn có việc làm ổn định với thu nhập 2-2,5 triệu đồng/tháng. Thành công nối tiếp thành công. Năm 2008 chị được trao giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi cho cá nhân vay vốn kinh doanh, vượt lên đói nghèo. Đến năm 2011 chị đã trở thành Doanh nhân vi mô thế giới và là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá này.

Chúc cho mong ước của chị sẽ sớm thành hiện thực, mang lại cuộc sống ấm no, niềm vui cho gia đình và các chị em trong cụm.

Share

21/02/2012