Thành viên: Nguyễn Thị Mười
Tuổi: 51
Sống tại: Thôn Bãi Phủ, xã Tam Đỉnh, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Không có vốn, không có tài sản thế chấp, chị Nguyễn Thị Mười từng nghĩ việc khởi nghiệp là điều không thể. Nhưng tất cả đã thay đổi khi chị biết đến TYM.
Năm 2016, bước ngoặt đến khi chị Mười vay 10 triệu đồng từ TYM – số vốn nhỏ nhưng đủ để chị khởi đầu với một quán ăn sáng. Ban đầu, chị bối rối không biết nên bán món gì, nhưng cán bộ TYM đã hỗ trợ chị từng bước. Hiểu được tâm tư của chị, cán bộ TYM gợi ý chị bán món ăn sáng dễ làm, phù hợp học sinh và phụ huynh quanh trường học. Ngoài ra, chị còn được cán bộ hướng dẫn cách ghi chép thu chi, phân biệt vốn và lãi, từ đó giúp chị tự tin hơn trong quản lý kinh doanh.
Sau một năm chứng minh được hiệu quả, chị tiếp tục được TYM nâng hạn mức vay lên 30 triệu đồng để đầu tư làm mộc – lĩnh vực mà chồng chị có tay nghề. Những năm tiếp theo, khi xưởng đã ổn định và cần mở rộng sản xuất, chị vay tối đa 50 triệu đồng. Cách TYM cấp vốn không “dội vốn ồ ạt” mà hỗ trợ từng bước, phù hợp với năng lực phát triển thực tế của gia đình chị. Cứ như vậy, hàng năm, nguồn vốn của TYM trở thành một nguồn ổn định, lâu dài với gia đình chị.
Đến nay, xưởng mộc của gia đình chị đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong những tháng mưa bão, việc kinh doanh chậm lại khiến chị lo lắng không xoay đủ tiền trả đúng hạn. Tuy nhiên, cán bộ TYM đã động viên chị cứ yên tâm trả dần, đồng thời giúp chị tính lại phương án chi tiêu ngắn hạn để đảm bảo dòng tiền. Chính sự gần gũi, hiểu hoàn cảnh và đồng hành đó giúp chị không bỏ cuộc giữa chừng. Nhờ đó, chị Mười dám nghĩ lớn, làm thật và thành công đúng với sứ mệnh của TYM là trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn, miền núi những nơi mà cơ hội thường đến rất chậm, nhưng khát vọng vươn lên thì luôn cháy bỏng.
Ở những vùng miền núi như xã Tam Đỉnh, nơi chị Mười sinh sống, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ tiếp cận tài chính ngân hàng còn hạn chế, phụ nữ thường không có tài sản thế chấp hay kiến thức kinh doanh. TYM không chỉ mang đến nguồn vốn vi mô mà còn mang đến niềm tin, tri thức và một cộng đồng đồng hành, giúp họ từng bước tự chủ về kinh tế, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. |
Không chỉ dừng lại ở việc vay vốn để làm ăn, chị Nguyễn Thị Mười còn tham gia đều đặn vào hoạt động tiết kiệm của TYM, dù mỗi lần chỉ là những khoản tiền nhỏ 200.000 đồng/tuần. Những món tiền tưởng chừng rất nhỏ ấy, qua thời gian, lại trở thành một khoản dự phòng quý giá giúp chị vững vàng hơn trong cuộc sống. Với những phụ nữ ở vùng miền núi nơi điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, thói quen tiết kiệm đều đặn theo tuần, theo tháng như chị Mười không chỉ giúp họ có một “tấm đệm” tài chính an toàn, mà còn nuôi dưỡng tinh thần kỷ luật, tư duy quản lý và trách nhiệm với tương lai của chính mình và gia đình.
Giờ đây, chị Mười không chỉ là khách hàng TYM mà còn là người truyền cảm hứng trong cộng đồng. Chị thường xuyên khuyến khích phụ nữ trong thôn mạnh dạn vay vốn, tiết kiệm và làm ăn như cách chị từng được truyền động lực từ các cán bộ TYM. Chị chia sẻ: “Nếu không có TYM đồng hành, có lẽ tôi vẫn còn lúng túng trong việc tính toán làm ăn. Nhờ có các chị cán bộ TYM tận tình hướng dẫn, tôi mới dám nghĩ dám làm như bây giờ.”
Câu chuyện của chị Mười là một trong hàng nghìn câu chuyện đang diễn ra mỗi ngày tại các vùng quê, vùng núi xa xôi của huyện Anh Sơn, nơi phụ nữ từng nghĩ rằng “mình không thể”.
Quỳnh Trang
PGD 02, TYM – Chi nhánh Đô Lương, Nghệ An
28/03/2025