Thành viên: Nguyễn Thị Vân

Tuổi: 46

Sống tại: Sóc Sơn, Hà Nội

CÔ GIÁO MẦM NON ‘LẤN SÂN’ LÀM TRANH GẠO

Chị Nguyễn Thị Vân là thành viên Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) – Chi nhánh Sóc Sơn, Hà Nội. Tháng 12/2018 chị đã vinh dự được trao giải “Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo Citi – Việt Nam 2018” với mô hình sản xuất và kinh doanh tranh gạo truyền thống.

Chị Vân không giống như những thành viên của TYM khác từng đạt doanh nhân vi mô Citi-Việt Nam. Bên cạnh mô hình đạt giải thưởng, chị vẫn làm công việc mà mình đã gắn bó lâu năm là giáo viên mầm non. Cũng bởi công việc thú vị này mà nuôi dưỡng trong chị niềm đam mê với hội họa và làm các đồ thủ công. Thế nên, chị đến với tranh gạo vừa để thỏa mãn đam mê, trí sáng tạo của mình mà cũng đem lại kinh tế cho gia đình. Theo chị, tranh gạo, mà không phải mặt hàng thủ công khác vì gạo là thế mạnh của Việt Nam, làm tranh gạo cũng chính là làm phong phú thêm văn hóa của Việt Nam, truyền cảm hứng và tình yêu đất nước cho các bạn trẻ và giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế theo một cách mới. Vậy là năm 2016, khi đã 38 tuổi, từ một cô giáo mầm non ngày ngày cần mẫn tới trường dạy trẻ, chị Vân bắt đầu khởi sự kinh doanh như vậy.

Gia đình chị Vân từ trước đến nay không ai theo nghệ thuật hay làm đồ thủ công cả. Nơi chị sinh sống cũng không phải là làng nghề, hay nơi chuyên làm tranh gạo nên khi ý tưởng nảy ra, chị bước vào nghề khi gần như không có một chút kiến thức, kỹ năng gì về làm tranh gạo và phải học hỏi từ đầu. Khi bắt đầu việc làm tranh gạo này, chị cùng chồng và con đã phải mày mò khắp nơi, tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật cũng như lựa chọn các nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm các mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của thị trường. Đó cũng là lúc chị quyết định sẽ sử dụng phương pháp thủ công là rang để tạo màu cho hạt gạo bởi mặc dù mất nhiều công sức, tốn thời gian và đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn so với kỹ thuật nhuộm màu phẩm nhưng nó lại bền màu, không độc hại, an toàn cho người sử dụng và mang nhiều dấu ấn của người làm. Khó khăn trong những ngày đầu thì có lẽ không thể kể hết: từ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, cho đến thiếu đầu ra và đặc biệt là thiếu vốn. Thế nhưng nhờ vào sự quyết tâm của cả hai vợ chồng mà dần dần từng bước công việc mới này cũng đi vào ổn định và đến nay đã có nhiều đơn hàng lớn, sản phẩm được nhiều người biết đến.

Cũng giống như nhiều câu chuyện khởi nghiệp khác, khi bắt đầu công việc này, chị Vân cũng gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện. Từ năm 2012, khi tham gia TYM và bắt đầu vay vốn với mức 7 triệu đồng để hỗ trợ cho công việc làm khung nhôm kính của chồng, gia đình anh chị vẫn đều đặn vay các vòng vốn và tăng dần mức vay theo thời gian. Ngoài TYM ra, anh chị không vay ngoài của bất cứ tổ chức tín dụng nào khác. Đến năm 2016, khi bắt đầu làm tranh gạo, mặc dù công việc này không cần số vốn đầu tư nhiều nhưng do vốn liếng của gia đình đều dành tiền cho công việc làm khung nhôm kính của chồng nên lúc này chị đã vay tiếp của TYM 30 triệu đồng để bắt đầu cho việc làm mới này. Thực tế tại Sóc Sơn có rất nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hoạt động và cho vay nhưng chỉ có TYM là đáp ứng được đúng nhu cầu vốn của chị: mức vốn vừa đủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ, thủ tục vay đơn giản và không cần thế chấp. Hơn nữa, tham gia TYM từ năm 2012, chị thấy rằng nguồn vốn vay của TYM luôn được ổn định và chị nhận được nhiều giá trị, lợi ích hơn cả.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam trao giải thưởng doanh nhân vi mô cho chị Vân

Đặc biệt, vay vốn của TYM không chỉ giúp chị giải quyết bài toán thiếu vốn mà giá trị lớn nhất chị nhận được chính là TYM đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình chị. Nhớ lại thời điểm trước tháng 10/2017, khi chị đã làm tranh gạo được hơn 1 năm, lúc này mô hình sản xuất của nhà chị mới chỉ dừng lại ở hộ kinh doanh gia đình – với nhân công chính là hai vợ chồng và hai con. Lúc này mặc dù chị cũng đã có một lượng khách hàng chủ yếu là người dân xung quanh và các mối quan hệ quen biết của gia đình nhưng thật sự sản phẩm của chị chưa được nhiều người biết đến. Chỉ đến khi chị được tham gia Phiên chợ Xanh – Hội chợ kỷ niêm 25 năm thành lập TYM được tổ chức tại Hà Nội, chị mới có cơ hội thật sự để giới thiệu sản phẩm tranh gạo của mình đến với khách hàng khắp nơi và kể cả người nước ngoài. Đã có rất nhiều bạn bè, đối tác quốc tế của TYM thăm gian hàng và cảm thấy rất ấn tượng với sản phẩm này. Tại đây, chị cũng đã học hỏi, giao lưu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm ăn với những thành viên khác ở các chi nhánh của TYM. Sau 3 ngày hội chợ trở về, chị nhận thấy rằng cần chuyên nghiệp hóa hơn mô hình của mình vì vậy chị đã quyết định mở xưởng làm tranh gạo và thuê nhân công để cùng gia đình chị làm tranh. Cũng từ hội chợ đó, lắng nghe ý kiến của TYM và góp ý của nhiều khách đến thăm gian hàng, chị Vân đã nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu khách hàng: như các chủ đề/kích thước tranh được ưa thích. Ví dụ như trước đây chị sản xuất chủ yếu là bức tranh lớn mặc dù rất nổi bật nhưng lại cồng kềnh khó vận chuyển hay bảo quản mà giá thành cũng sẽ cao. Nhưng sau khi lắng nghe ý kiến của cán bộ TYM, chị làm những bức tranh nhỏ hơn phù hợp với nhu cầu của đa số khách hàng, đặc biệt để tặng quà thì được rất nhiều khách ưa thích và lựa chọn. Sự thay đổi này cũng đã giúp cho chị tăng được lượng khách hàng. TYM vẫn tiếp tục hỗ trợ kết nối sản phẩm của chị ra ngoài thị trường bằng cách đưa tranh gạo mà chị làm vào cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở 20 Thụy Khuê, hỗ trợ chị được tham gia các hội chợ lớn. Tranh gạo của chị là một món quà văn hóa, tinh tế được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là người nước ngoài. Vì thế mà giờ đây, TYM đã lựa chọn tranh gạo làm quà tặng cho các bạn bè và đối tác trong ngoài nước. Nó không chỉ là món quà văn hóa mang đặc trưng Việt Nam, mà đó còn là sản phẩm của người phụ nữ – một thành viên TYM tiêu biểu luôn nỗ lực phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, hiểu được tâm ý của TYM và nỗ lực của chị Vân, nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo nữ đã chọn tranh gạo của chị Vân làm quà tặng bạn bè quốc tế trong một số chương trình làm việc với lãnh đạo các nước và cộng đồng Việt kiều.

Gian trưng bày tranh gạo của chị Vân trong “Phiên chợ xanh” do TYM tổ chức luôn được rất nhiều khách nước ngoài quan tâm

Đến nay, khi công việc kinh doanh mở rộng, chị Vân đã thuê thêm và tạo việc làm cho 06 lao động thường xuyên, 04 lao động thời vụ. Chị tin rằng chỉ cần có niềm đam mê, không ngừng cố gắng, học hỏi thì bắt đầu công việc kinh doanh không bao giờ là muộn.

Share

09/02/2019