Thành viên: Phạm Thị Hường

Tuổi: 54

Sống tại: thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

Phạm Thị Hường – Đóa hoa giữa đời thường

Mỗi con người khi chúng ta gặp nhau trong hành trình dài của cuộc đời đều do duyên. Tôi cũng có một mối lương duyên như thế, đó là khi gặp gỡ một đóa hoa mạnh mẽ kiên cường như chị Phạm Thị Hường – Chi hội trưởng, cụm trưởng cụm 69 thôn Đông Tảo Nam (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Chị là tấm gương phụ nữ điển hình vay vốn TYM làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, mới đó mà đã 14 năm kể từ khi TYM bắt đầu triển khai hoạt động tại xã Đông Tảo. Năm 2010, tôi được giao tổ chức mít tinh tại thôn Đông Tảo Nam để khảo sát nhu cầu vay vốn của chị em phụ nữ nơi đây. Khi ấy, tôi vô cùng lo lắng, hồi hộp vì bản thân là một cán bộ mới, kinh nghiệm còn chưa nhiều. Nhưng cảm giác ấy tan biến ngay khi tôi đặt chân đến cổng nhà văn hóa thôn. Tôi được chào đón bằng một gương mặt niềm nở với nụ cười rạng rỡ trên môi. Sau cái nắm tay thật chặt như đón người em gái đi xa trở về, chị giới thiệu tên mình là Phạm Thị Hường, Chi trưởng Chi Hội phụ nữ của thôn. Ấm áp, dễ gần và chân thành là ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với chị. Chị nói: “Nhìn thấy em là chị phải ra đón ngay vì khi được Hội phụ nữ xã thông báo, chị đã rất vui mừng bởi khi có cán bộ TYM về thôn là chị em sẽ có cơ hội được vay thêm vốn để phát triển kinh tế gia đình. Bản thân chị cũng cần vay vốn để chăn nuôi thêm”. Nhờ chị mà mọi sự lo lắng và rào cản đều đã tan biến, tôi tự tin bước vào hội trường để chia sẻ về hoạt động của TYM cho các chị em phụ nữ nơi đây. Thật bất ngờ khi đã có rất nhiều chị em mạnh dạn lên đăng ký vay vốn. Tôi nghĩ rằng thành công đó một phần do sản phẩm của TYM đáp ứng được với nhu cầu của chị em, và một phần khác chính là nhờ có chị Hường. Chị là người ủng hộ hoạt động TYM và kết nối tôi và phụ nữ có nhu cầu vay vốn.

Chị dẫn tôi đi thăm từng nhà, gặp gỡ chị em và thẩm định hồ sơ. Chị nhiệt tình chia sẻ hoàn cảnh của mỗi người và mong muốn vay vốn của họ để mọi người được vay mức vốn phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng hoàn trả của mình.

Trời nhá nhem tối, cũng là lúc chúng tôi về tới nhà chị Hường để thẩm định hồ sơ vay vốn của chính chị. Đập vào mắt tôi là căn nhà cấp bốn nho nhỏ, đồ đạc mộc mạc, đơn sơ, trên bàn là mâm cơm chồng chị đã bày sẵn. Vừa dẫn tôi đi thăm quanh nhà chị vừa chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của gia đình mình. Chị kể rằng anh chị lấy nhau được một năm thì bố mẹ cho căn nhà ở riêng, tuy nhiên kinh tế cũng còn nhiều khó khăn. Anh đi làm bảo vệ lương ba cọc ba đồng, chị chỉ chăn nuôi mấy con lợn và một ít gà, vì không có vốn để đầu tư nên chuồng trại không nhiều, số lượng vật nuôi cũng ít. Chị đi làm thêm các công việc tự do, ai thuê gì làm nấy để trang trải cho gia đình và cho các con ăn học. Sau đó chị dẫn tôi đi thăm vườn cây, ao chuồng nhà chị. Thật sự không có gì đáng giá. Tôi bắt đầu làm hồ sơ cho anh chị với mục đích là mua lợn nái và lợn con. Mức vốn chị xin vay khi ấy là 7 triệu đồng.

Qua nhiều vòng vốn, chị Hường nay cũng đã vay đến mức 75 triệu đồng để đầu tư cho việc chăn nuôi, sửa sang chuồng trại. Sau từng năm đến thăm và thẩm định hồ sơ mới cho chị, nhìn lại ngôi nhà cấp bốn xưa giờ đã nhường chỗ cho căn nhà hai tầng khang trang, đồ dùng trang thiết bị trong gia đình cũng đầy đủ hơn, vườn cây sum suê, chuồng trại được mở rộng, tôi thấy lòng mình phơi phới niềm vui, mừng cho anh chị. Có lẽ trong số phụ nữ tôi đã hỗ trợ,chị là một trong những khách hàng tham gia vay vốn gặt hái được nhiều thành quả nhất.

Chị Hường không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà hơn nữa chị cũng là một người cán bộ Hội, một người cụm trưởng năng động của TYM. Trong suốt những năm vừa qua, tôi và chị Hường đã cùng nhau vận động khách hàng mới, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ tại cụm cũng như tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho các chị em. Chị giống như một chất keo đặc biệt có khả năng kết nối mọi người, làm cho mọi người thêm yêu thương, đồng cảm với nhau. Trong cụm, chị luôn nguyên tắc nhưng không cứng nhắc nhờ đó các chị em khi vay vốn luôn cảm thấy có trách nhiệm nộp tiền đúng giờ. Rời xa công việc, chị luôn dành sự quan tâm giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn hoạn nạn, chia sẻ mọi buồn vui, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế hiệu quả. Chị giúp tôi hiểu rằng “Sống là để cho đi và cho đi là còn mãi”.

Giờ đây mỗi lần gặp gỡ, tôi và chị như những người thân trong gia đình. Tôi cùng chị thong dong đi trên đường đê quen thuộc đến thăm, thẩm định nhà khách hàng, vừa đi vừa ôn lại những kỷ niệm sâu sắc mà chúng tôi ấn tượng về nhau ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. Chị bảo: “Em có biết chị ấn tượng nhất khi gặp em là gì không? Đó là sự vui vẻ, hoà nhã và nụ cười luôn nở trên môi”. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Điều mà tất cả cán bộ TYM chúng tôi có thể cho đi, là nụ cười và sự quan tâm dành cho các khách hàng thân yêu, để TYM đóng góp một phần cho xã hội qua việc giúp cho chị em có nguồn vốn vươn lên thoát nghèo.

Share

28/06/2024