Thành viên: Phạm Thị Minh

Tuổi: 69

Sống tại: Ý Yên - Nam Định

Cơ chế trả dần luôn thúc giục chúng tôi phải cố gắng lao động 

Chị Phạm Thị Minh sinh ra và lớn lên ở xã An Thịnh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, một vùng quê nghèo quanh năm trông vào cây lúa. Đến khi lấy chồng, cuộc sống cũng chẳng thay đổi là bao. Nhắc lại quãng thời gian trước khi tham gia Quỹ Tình thương, chị kể: “Ngày đó nhà tôi nghèo lắm, cơm không đủ ăn, cả nhà chẳng có tài sản gì đáng giá. Năm 1999 Quỹ Tình thương mở cụm tại thôn, tôi muốn tham gia lắm mà nhiều chị em còn ái ngại, sợ tôi không trả nổi vốn”.

Thế rồi cũng trong năm ấy, được sự động viên của các cán bộ Quỹ và hội phụ nữ xã, chị được vay 500.000 đồng. Chị dùng số tiền này để đi chợ bán hàng lặt vặt, mỗi ngày thu nhập được 15-20 nghìn đồng. Đến vòng vốn thứ hai, chị vay một triệu đồng để buôn bán hàng khô. Vốn đầu tư tăng lên nên thu nhập hàng ngày cũng cao hơn, khoảng 20-30 nghìn đồng. Vòng vốn thứ ba, chị vay 5 triệu để mở rộng mặt hàng buôn bán và đầu tư vào chăn nuôi.

Đến vòng thứ năm, khi chị đủ điều kiện để vay vốn đặc biệt, chị bàn với chồng vay 10 triệu về bán phân bón và giống lúa tại nhà. Sau một năm, thấy công việc kinh doanh này có triển vọng, anh chị lại vay thêm 15 triệu của Quỹ, kết hợp với số tiền dành dụm của gia đình để mở đại lý bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Anh chị cũng có chiến lược ưu đãi cho các khách hàng khác nhau, chẳng hạn khách mua nhiều được giao hàng tận nhà, khách chưa có tiền trả ngay được trả dần hay trả vào cuối vụ thu hoạch.

Ngoài ra, anh chị tham gia đầy đủ các buổi giới thiệu sản phẩm phân bón và thức ăn gia súc, các lớp đào tạo về phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng để tích lũy thêm kiến thức nhằm tư vấn cho khách hàng. Khi có các lớp đào tạo về quản lý kinh doanh do Hội và Quỹ Tình thương tổ chức, anh chị đều đến dự để học hỏi cách quản lý cửa hàng hiệu quả hơn. Với những cố gắng đó, từ gia đình nông dân chỉ biết cấy cày, nay anh chị đã trở thành nhà kinh doanh giỏi, xây được ngôi nhà hai tầng đầy đủ tiện nghi và có nguồn vốn kinh doanh lên đến 200 triệu đồng.

Năm 2008 vừa qua, chị đã được vinh danh trong Lễ trao giải Doanh nhân vi mô Citi vì những nỗ lực bền bỉ trong quá trình vay vốn kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Nhận giải thưởng, chị đã nói với cán bộ Quỹ: “Gia đình tôi cảm ơn Quỹ đã cho chúng tôi vay vốn và chính cơ chế trả dần của Quỹ đã đánh thức khả năng và luôn thúc giục chúng tôi phải cố gắng lao động”.

Share

02/11/2009