Mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính bền vững cho người nghèo

05/09/2018

Ngày 5/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn châu Á – Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo – Kinh nghiệm của Việt Nam”.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các chương trình tín dụng của ngành Ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư khác của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân giúp Việt Nam: Hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra; Đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chuyển mình thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 với quy mô kinh tế đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD năm 2017.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tài chính nông nghiệp nông thôn vì người nghèo

Theo Phó Thống đốc, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nghèo được thể hiện qua một số kết quả nổi bật. Các chính sách tín dụng được cụ thể hóa thành nhiều chương trình tín dụng, như thu mua lương thực tạm trữ; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay đánh bắt thủy sản xa bờ; cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch; các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách của NHCSXH… Các thông lệ tài chính tốt cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng được đổi mới phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: cho vay chuỗi giá trị nông sản; cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay nông nghiệp hữu cơ…

Mạng lưới các tổ chức tín dụng tham gia cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng được mở rộng về quy mô, hệ thống mạng lưới, đa dạng về loại hình hoạt động; Tập trung thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong xã hội phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và xóa đói, giảm nghèo khu vực nông nghiệp, nông thôn trên nguyên tắc tách bạch giữa tín dụng thương mại và tín dụng chính sách. Các thông lệ tài chính cho khu vực nông thôn được triển khai một cách bài bản, sáng tạo thu nhiều kết quả tốt như: Cho vay qua các tổ chức đoàn thể (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh…); hình thành tổ vay vốn và tiết kiệm, tạo sự tương trợ, giúp đỡ gắn kết trong cộng đồng; hình thành các điểm giao dịch tại xã; tổ chức cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch của chị em nghèo… với phương châm sáng tạo “chúng ta trao cho người nghèo cần câu để câu cá nhưng lại phải giúp bán con cá ở đâu”…

“Nhờ các cơ chế chính sách, phát triển của hệ thống các TCTD…, mà tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo có mức tăng vượt bậc: Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm, tín dụng chính sách tăng bình quân trên 13%/năm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Minh chứng thêm cho những thành công cho vay nông nghiệp, nông thôn, ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách của ngân hàng đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làmcho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn canh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

“Hoạt động tín dụng của NHCSXH đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn” – ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Prasun Kumar Das cho biết Việt Nam đã tham gia tích cực vào phát triển tài chính nông nghiệp, nông thôn để mang lại sự phát triển toàn diện

Ông Prasun Kumar Das – Tổng Thư ký Hiệp hội các tổ chức tín dụng Châu Á – Thái Bình Dương (APRACA) cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào phát triển tài chính nông nghiệp, nông thôn để mang lại sự phát triển toàn diện trên toàn quốc và đã tuân thủ các nguyên tắc của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. APRACA đang hỗ trợ hai ngân hàng (Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) xây dựng năng lực để đạt các mục tiêu đó thông qua trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức khác, thông qua thăm quan các mô hình thành công nhất và đào tạo cán bộ. 

APRACA cũng hỗ trợ hai tổ chức thành viên ở Việt Nam để xây dựng các thể chế ở nông thôn nhằm cung cấp tín dụng cần thiết cho việc phát triển và khởi nghiệp. APRACA cam kết ủng hộ mọi sáng kiến ở Việt Nam để cải thiện dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ những cộng đồng người dân sinh sống trên nhiều vùng miền với điều kiện thời tiết, khí hậu khác nhau.

Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm có cái nhìn toàn diện về lĩnh vực tài chính nông nghiệp, nông thôn.

Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã thu được những thành tựu nổi bật. Với hơn 20 chương trình tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tổng dư nợ của ngân hàng đến nay đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới gần 94% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%… 

Những kết quả nêu trên của tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và đặc biệt là tín dụng chính sách đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Việc triển khai thành công các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ ở Việt Nam đối với nông nghiệp, nông thôn và người nghèo thực sự là những kinh nghiệm quý báu đã được tổng kết và ghi nhận ở Việt Nam trong những năm qua. 

Theo báo Dân Sinh

Share

Tin tức gần đây

TYM đạt 2 giải thưởng trong Liên hoan phim cộng đồng Quốc tế

Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Hội LHPN Việt …

Share
Đọc thêm tại đây
Nâng cao năng lực cho cụm trưởng năm 2024 tại TYM – Chi nhánh Hưng Yên

Ngày 22/11/2024, TYM – Chi nhánh Hưng Yên tổ chức đào tạo …

Share
Đọc thêm tại đây
Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây