SỨC SỐNG TỪ NHỮNG MÔ HÌNH MỚI, CÁCH LÀM HAY (Nhiệm kỳ 2012 – 2017)

28/02/2017

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đang đến gần, với mong muốn tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo trong cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và quần chúng nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành cuốn sách “Sức sống từ những mô hình mới, cách làm hay (Nhiệm kỳ 2012 – 2017)”. TYM thật vinh dự là một trong 38 mô hình hiệu quả, cách làm hay tiêu biểu của các cấp Hội trên cả nước. Hi vọng rằng câu chuyện của TYM sẽ là nguồn cảm hứng cho chị em phụ nữ trên khắp mọi miền tổ quốc học tập và làm việc để xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.                                                                                                                                                   

TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ TÌNH THƯƠNG – HỖ TRỢ HIỆU QUẢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ NÂNG CAO ĐỊA VỊ XÃ HỘI

Tầm nhìn

Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.

Sứ mệnh

Trở thành một tổ chức tài chính vi mô tốt nhất tại Việt Nam, cung ứng dịch vụ Tài chính Vi mô hàng đầu cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo và yếu thế.

về Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương

Dự án Quỹ Tình Thương được hình thành năm 1992 với mục tiêu hỗ trợ vốn và cung cấp kiến thức cho phụ nữ nghèo, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao địa vị trong xã hội. Qua quá trình hoạt động tích cực và chứng minh hiệu quả rõ rệt, đến năm 1998, Quỹ đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chuyển thành đơn vị độc lập thuộc Trung ương Hội. Ngày 17/08/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Tổ chức tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm một thành viên Tình Thương – tổ chức tài chính quy mô nhỏ đầu tiên tại Việt Nam theo nghị định 28/165, nay đổi tên là Tổ chức Tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM). Dù qua nhiều thay đổi, TYM vẫn là đơn vị thuộc sở hữu 100% của Hội và thực hiện những nhiệm vụ chính trị xã hội mà Hội giao phó.

Để tập hợp được hội viên và tổ chức cho họ tham gia các hoạt động của TYM một cách thuận tiện nhất, TYM đã thành lập các cụm ở các thôn. Mỗi cụm có từ 30 – 80 thành viên, hàng tháng tổ chức sinh hoạt, hoàn trả vốn vay, gửi tiết kiệm và tham gia quỹ tương trợ gia đình. Đây cũng là nơi để TYM đào tạo các chuyên đề tùy theo nhu cầu về nâng cao năng lực hoặc trao đổi thông tin của thành viên trong cụm.

Tham gia TYM, thành viên được vay vốn không cần thế chấp lên đến 30 triệu đồng, được gửi tiết kiệm những khoản tiền từ 10.000 đồng tiết kiệm từ chi tiêu hàng ngày, được tham gia quỹ tương trợ gia đình để được hỗ trợ khi nằm viện/ phẫu thuật và có người thân trong gia đình qua đời. Đặc biệt, việc hoàn trả vốn vay và gửi tiết kiệm được chia nhỏ hàng tuần nên chị em hoàn trả và tiết kiệm dễ dàng, khi kết thúc dự án hay cuối năm, chị em có được một khoản tích lũy cho gia đình. Bên cạnh đó, khác với các tổ chức tín dụng hay tổ chức từ thiện, TYM kết hợp cả hai sứ mệnh: hỗ trợ phụ nữ cải thiện điều kiện kinh tế và nâng cao địa vị trong xã hội. Chính vì vậy, thành viên TYM được tham gia rất nhiều hoạt động nâng cao năng lực và giao lưu cộng đồng. Tại các buổi sinh hoạt hàng tuần/tháng, chị em có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, chăm sóc gia đình và thảo luận các vấn đề chung của địa phương và xã hội. Cán bộ TYM cũng hướng dẫn các chị em ghi chép sổ sách, quản lý chi tiêu của gia đình và của hoạt động kinh doanh sản xuất. Các chị cụm trưởng hàng năm được đào tạo kỹ năng quản lý cụm. Các chị em có cùng ngành nghề được TYM tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề trong đó giảng viên là cán bộ Hội Phụ nữ hoặc chuyên gia với lĩnh vực chuyên môn phù hợp. Ví dụ, chị em làm nông nghiệp được tham gia các buổi tư vấn về trồng trọt, chăn nuôi. Chị em làm kinh doanh được đào tạo về giới và kinh doanh, quản lý doanh nghiệp siêu nhỏ. Cùng với nhu cầu ngày càng đa dạng của chị em thành viên, các chủ đề và hình thức đào tạo của TYM cũng ngày càng phong phú. Mấy năm gần đây, TYM tổ chức nhiều đợt tham quan mô hình kinh tế giỏi để các chị em học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh và nhân rộng các mô hình hiệu quả như mô hình trồng thanh long, nuôi giun quế, nuôi vịt đàn…

Đồng hành cùng thành viên trên bước đường phát triển, 4 năm trở lại đây, TYM đã hình thành thêm bộ phận hỗ trợ thành viên phát triển kinh doanh. Nhận thấy nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đầu ra là khâu then chốt của thành viên để phát triển, mở rộng mô hình kinh doanh, TYM bắt đầu hỗ trợ thành viên với một số hoạt động chính như: thành lập các nhóm sở thích, tập huấn và chuyển giao công nghệ; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường thông qua chuỗi cửa hàng, hội chợ.

Ngoài ra, TYM tổ chức một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhằm xây dựng cộng đồng giàu mạnh, góp phần thực hiện nông thôn mới: xây dựng nhà mái ấm tình thương; cấp học bổng con thành viên nghèo; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho thành viên; tặng quà cho thành viên nghèo nhân dịp lễ, tết. Chính vì vậy, dù TYM không truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lãnh đạo và người dân địa phương nơi TYM hoạt động đều biết đến hoạt động của TYM và mong muốn TYM hoạt động lâu dài tại địa phương. Tại nhiều huyện, thị xã, thành phố như Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An), Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Gia Lộc (Hải Dương), Sông Công (Thái Nguyên), Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Việt Trì (Phú Thọ), Bắc Ninh (Bắc Ninh), địa phương đã cấp đất cho TYM xây dựng trụ sở chi nhánh.

Trái ngọt TYM trao

Với thành viên

Qua gần 25 năm phát triển và trưởng thành, hoạt động của TYM đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của chị em phụ nữ, tăng cường an sinh xã hội tại địa phương nơi TYM đang hoạt động. Tính đến cuối tháng 08/2016, TYM đang hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang và Thái Bình với số lượng thành viên là 126.015 phụ nữ nghèo và phụ nữ khó khăn. Dư nợ vốn vay trên 926 tỉ đồng. Số dư tiết kiệm của thành viên và khách hàng trong cộng đồng đạt gần 662 tỉ đồng. Tỉ lệ hoàn trả đạt 99,99%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2012 – 2017, với nguồn vốn 50 tỉ đồng từ Chính phủ, TYM đã có sản phẩm vốn chính sách cho thành viên, với 10.750 lượt thành viên nghèo được vay vốn với tổng vốn cho vay hơn 118 tỉ đồng.

Với chị em phụ nữ, TYM đã hỗ trợ trên 100 nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm giàu, cải thiện chất lượng cuộc sống cho gia đình họ thông qua hỗ trợ tín dụng và các chương trình cộng đồng ý nghĩa. Không những thế, thông qua công tác tuyên truyền và các phong trào thi đua của TYM, thành viên đã có cơ hội nâng cao ý thức và hiểu biết, tự giác chấp hành các chính sách của Đảng và chính quyền, góp phần xây dựng xóm, thôn, phường, xã ngày càng vững mạnh. Với các chương trình đào tạo thiết thực của TYM, thành viên có thêm kiến thức, kỹ năng để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình, có thêm các kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình… Nhiều chị được tin tưởng bầu vào các chức vụ quan trọng tại địa phương và được vinh danh trong chương trình doanh nhân vi mô Việt Nam. Tính đến hết tháng 06/2016, đã có 81 thành viên được nhận Giải thưởng Doanh nhân Vi mô xuất sắc tiêu biểu, đặc biệt, năm 2011, chị Dương Thị Tuyết, thành viên TYM tại Nam Định đã vinh dự trở thành 1 trong 6 doanh nhân vi mô trên thế giới được nhận Giải Doanh nhân Vi mô Toàn cầu với mô hình xưởng đúc đồng mỹ nghệ. Bên cạnh đó, trong kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân năm 2016, đã có 606 chị trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, năm 2016 ghi nhận 579 chị được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo của Hội phụ nữ, các đoàn thể, cơ quan Đảng và chính quyền các cấp.

Với xã hội

Những hỗ trợ bền bỉ của TYM dành cho phụ nữ đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển của các cộng đồng nơi có hoạt động của TYM. Từ việc có vốn kinh doanh, sản xuất, chị em phụ nữ không còn phải di cư lên các thành phố lớn hay các khu vực cửa khẩu để làm thuê. Nhờ vậy, song song với việc làm kinh tế, chị em có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái. 100% phụ nữ tham gia TYM không có con bỏ học từ khi mẹ sinh hoạt tại TYM. Không những thế, chương trình học bổng thường niên của TYM đã tạo cơ hội cho khoảng gần 100 cháu được tiếp tục con đường học tập phổ thông và học lên cao đẳng, đại học dù gia đình còn nhiều khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, học bổng vinh danh các cháu học sinh có thành tích học tập xuất sắc đã là động lực thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện của các địa phương.

Ngoài ra, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cũng góp phần nâng cao điều kiện kinh tế, cải thiện mức sống và trật tự xã hội tại các cộng đồng này. 100% các hộ gia đình tham gia TYM không có con bị suy dinh dưỡng. Các chỉ số phát triển kinh tế của địa phương đều cho thấy những chuyển biến tích cực.

Không chỉ hỗ trợ phát triển cộng đồng thông qua thành viên, TYM còn có các chương trình an sinh xã hội hướng tới chương trình “nông thôn mới”. TYM hỗ trợ xây dựng các trường học, trạm xá và cung cấp nhiều trang thiết bị để chăm sóc tốt hơn cho người dân tại địa phương. Đồng thời, các hoạt động của TYM đã giúp người dân tại địa phương có thêm ý thức trách nhiệm về việc chấp hành các quy định chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp người dân phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài những đóng góp cụ thể đó, thông qua hoạt động của mình, TYM đã chứng minh rằng tài chính vi mô là công cụ phù hợp giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đắc lực cho người nghèo vươn lên bằng nội lực thay vì trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ và xã hội. Nhìn lại chặng đường thoát nghèo, nhiều thành viên TYM cho biết họ đã đạt được những thành công ngoài mong ước, họ tự hào vì ý chí, nghị lực vượt khó của mình và tự hào là tấm gương cho con cháu mình noi theo. Đó là những giá trị vô giá mà TYM và tài chính vi mô đã mang lại cho người dân. Từ những kết quả rõ rệt ấy, TYM đã tạo được niềm tiên với các nhà lập pháp, đề xuất các chính sách nhằm xây dựng ngành tài chính vi mô Việt Nam lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa và Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Kwakwa đến thăm gia đình thành viên (tháng 6/2015)

Với công tác Hội

Được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập, TYM không chỉ thực hiện sữ mệnh cụ thể của mình mà luôn gắn kết và tạo hiệu ứng cho các hoạt động Hội. Thông qua các hoạt động của mình, TYM góp phần thu hút phụ nữ gia nhập Hội và tích cực tham gia hoạt động của Hội. Tại nhiều địa phương, từ khi TYM triển khai hoạt động, số lượng hội viên cũng như tỉ lệ tham gia các hoạt động của Hội tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, các buổi sinh hoạt cụm hàng tuần/tháng của TYM cũng là diễn đàn để Hội tuyên truyền các chủ trương, phong trào của Hội. Các chương trình kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, sinh hoạt chuyên đề, tham quan học tập… do TYM hỗ trợ kinh phí và tổ chức đã giúp hoạt động Hội tại các địa phương trở nên phong phú, sôi nổi và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cũng có tác động không nhỏ đến tình hình thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Thông qua các buổi tuyên truyền thường xuyên và các khóa đào tạo nâng cao nhận thức, TYM đã thúc đẩy việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tại các địa phương.

Với những tác động tích cực của TYM đến đời sống của chị em phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, TYM đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1999), Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba (2002, 2007, 2012), Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam (2007) và nhiều bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ khía cạnh chuyên môn về tài chính vi mô, Quỹ Citi cũng đánh giá cao hoạt động của TYM và trao giải thưởng Tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu cho TYM trong nhiều năm liền, đặc biệt năm 2014 TYM được trao giải Tổ chức tài chính vi mô hướng tới người nghèo.

Chị Nguyễn Thị Phương Thanh đoạt giải thưởng Doanh nhân Vi mô 2015 với mô hình sản xuất thạch cao.


Bài học kinh nghiệm

Qua 25 năm phát triển, TYM đã trải qua không ít khó khăn, nhưng chưa bao giờ khó khăn khiến TYM dừng bước. Vượt qua những thử thách ấy TYM ngày càng trưởng thành hơn và thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.

Thứ nhất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững không thể chỉ dựa vào vốn vay. Phụ nữ cần các dịch vụ tài chính khác như tiết kiệm cơ chế linh hoạt, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, dịch vụ phát triển kinh doanh… để phục vụ cho các dự án kinh doanh của họ. Trong trường hợp tổ chức không thể trực tiếp đáp ứng được các nhu cầu này, cần hỗ trợ họ cách thứ tiếp cận các dịch vụ đó hoặc kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ với thành viên. Ngoài ra, nâng cao năng lực là hoạt động không thể thiếu nhằm giúp phụ nữ có đủ kiến thức và kỹ năng, từ đó tự chủ với việc kinh doanh, sản xuất của mình.

Thứ hai, thiết kế sản phẩm theo đúng nhu cầu và thuận tiện cho thành viên là điểm then chốt của thành công. Hoạt động phát triển kinh tế của phụ nữ có nhiều đặc thù. Vì vậy chỉ khi các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế phù hợp thì chị em phụ nữ mới có thể tận dụng những lợi ích mà tổ chức dự kiến mang lại cho họ. Qua thời gian, đặc thù và nhu cầu đó thay đổi, các sản phẩm, dịch vụ của tổ chức cũng cần được điều chỉnh kịp thời. Tuy vậy, tổ chức không thể theo sau các nhu cầu mà cần định hướng, giới thiệu để phụ nữ hiểu và tiếp cận các dịch vụ có ích cho họ. Điều này đã được thực tê chứng minh qua các sản phẩm vốn, tiết kiệm, tương trợ và dịch vụ phát triển kinh doanh.

Thứ ba, cân bằng hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và nguyên tắc bảo vệ khách hàng vào từng quyết định và hành động của tổ chức, của từng nhân viên. Chính sự cân bằng và ý thức bảo vệ khách hang này giúp tổ chức giữ được sự tin yêu của thành viên, thu hút thành viên mới và lớn mạnh của thành viên.

Với 25 năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao kinh tế và địa vị xã hội, TYM đã trở thành mô hình tài chính vi mô tiêu biểu không chỉ của Hội mà của Việt Nam nói chung. Hi vọng những kinh nghiệm mà TYM chắt lọc được trong những năm qua sẽ là điểm tựa cho các chương trình, tổ chức có chung mục tiêu xã hội, để mai đây phụ nữ trên khắp mọi miền tổ quốc được tiếp cận các chương trình hỗ trợ phù hợp, phát huy được vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Trích từ “Sức sống từ những mô hình mới, cách làm hay”

Nhà xuất bản Phụ nữ – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Share

Tin tức gần đây

Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn cán bộ và khách hàng tổ chức CARD MRI đến thăm TYM

Trong hai ngày 07 và 08/8/2024, 17 cán bộ và khách hàng …

Share
Đọc thêm tại đây