Để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản, sáng nay, ngày 31/3/2021, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp phần thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện”.
Hội thảo về thúc đẩy tài chính toàn diện đã nhận được ý kiến đóng góp, thảo luận của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị về lĩnh vực tài chính như Viện Chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Viên nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM)…
Tăng cường vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện
Phát biểu khai mạc, Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – nêu rõ: “Tài chính toàn diện là việc phát triển, cung ứng các dịch vụ tài chính phù hợp, thuận tiện, với chi phí hợp lý tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương; góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội. Vì vậy, tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững và đang thu hút sự quan tâm của toàn cầu”.
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của hội viên phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam có mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành, phủ đến các thôn, bản, ấp, với hơn 19 triệu hội viên. Trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, Hội LHPN Việt Nam được đánh giá là tổ chức có uy tín, tin cậy, có nhiều đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong tín dụng chính sách Ngân hàng chính sách xã hội, chất lượng ủy thác qua Hội LHPN Việt Nam luôn đạt 5 nhất (Dư nợ cao nhất; Tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; Dư tiết kiệm lớn nhất; Số lượng người vay cao nhất và Số lượng tổ tiết kiệm vay vốn đạt loại tốt cao nhất).
Bên cạnh đó, Hội cũng trực tiếp quản lý, vận hành các chương trình tài chính vi mô cho phụ nữ, hiện đang triển khai có hiệu quả tại 26 tỉnh thành, trong đó Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) là 1 trong 2 Tổ chức tài chính vi mô lớn nhất cả nước, phục vụ hơn 176 ngàn khách hàng thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Đối với Chiến lược tài chính toàn diện, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính, khảo sát tìm hiểu khả năng tiếp cận tài chính toàn diện của phụ nữ, kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển và thử nghiệm các sản phẩm tín dụng, bảo hiểm có nhạy cảm giới.
Với mục tiêu “Phụ nữ được nâng cao hiểu biết, năng lực tài chính, tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”, Hội LHPN Việt Nam đã cụ thể hoá thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện với những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và được đề cập trong “Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″…
Tại Hội thảo, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nêu ra một số vấn đề để các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị lĩnh vực tài chính cùng thảo luận, tìm giải pháp để tổ chức Hội các cấp giúp phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính an toàn, thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý.
Nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hòa – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; Ít nhất 25% – 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% – 25% năm; Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%; Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Viện Chiến lược Ngân hàng đưa ra 1 số giải pháp cụ thể: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối; Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; Hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính; Giáo dục tài chính & Bảo vệ người tiên dùng tài chính; và các giải pháp hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng nêu lên những giải pháp gia tăng tiếp cận tài chính đối với phụ nữ như: đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối; phát triển tài chính vi mô; phát triển Mạng lưới đại lý ngân hàng; phát triển các dịch vụ tài chính trên di động (mobile banking, mobile money)…
Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp khác từ các chuyên gia, các lãnh đạo đơn vị về lĩnh vực tái chính. Hầu hết các ý kiến, giải pháp rất thiết thực, sát với nhu cầu của phụ nữ và mang tinh thần quyết tâm mang tới các dịch vụ tài chính thuận tiện, an toàn và phù hợp tới người dân, phụ nữ và đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.