Thời báo ngân hàng: Cách để đưa đói nghèo vào …bảo tàng

25/07/2016

Tại Việt Nam, tài chính vi mô đã và đang đồng hành với người nghèo, người thu nhập thấp. Hiệu quả đã được thực tế minh chứng nhưng thách thức cũng luôn song hành với những người làm tài chính vi mô.

“Sẽ có ngày con cháu chúng ta phải tới các viện bảo tàng để thấy đói nghèo là thế nào” – câu nói nổi tiếng của Giáo sư Muhammad Yunus, người vinh dự nhận giải Nobel Hoà Bình năm 2006 vì những nỗ lực giúp phát triển kinh tế và xã hội, cũng là cha đẻ của tài chính vi mô (TCVM) đã truyền động lực xoá đói giảm nghèo cho nhiều quốc gia khó khăn trên thế giới.

Tại Việt Nam, TCVM đã và đang đồng hành với người nghèo, người thu nhập thấp. Hiệu quả đã được thực tế minh chứng nhưng thách thức cũng luôn song hành với những người làm TCVM.

Sinh kế cải thiện cuộc sống

TCVM – một trong những công cụ để xoá đói giảm nghèo đã xuất hiện ở Việt Nam từ hơn 20 năm nay. Những con số “đẹp lên” qua mỗi năm phần nào cho thấy hiệu quả của mô hình tín dụng này. Xét ở ngoài đời thực, đó là nỗ lực vượt khó của hàng trăm người nghèo, người thu nhập thấp đã, đang cố gắng thế nào và những hỗ trợ tích cực của các tổ chức TCVM để giúp dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hài hoà mục tiêu xã hội và tài chính giúp TCVM phát triển bền vững

Để “mắt thấy, tai nghe”, chúng tôi đến dự một buổi sinh hoạt của các chị em Cụm số 15 thành viên của tổ chức TCVM Tình thương (TYM) tại xóm Hoà Bình, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Thành lập từ tháng 4/2011 chỉ với 16 thành viên tham gia. Đến nay, cụm đã có 53 chị em tham gia vay vốn và tiết kiệm.

Với phương châm phục vụ chị em bằng các sản phẩm phù hợp, trong 6 tháng đầu năm, TYM đã phát vốn cho các thành viên trong cụm là 398 triệu đồng với nhiều mục đích vay khác nhau như: Chăn nuôi, buôn bán, sản xuất, kinh doanh, mua sắm tài sản. Với cơ chế cho vay món lớn thu nợ dần theo tuần, tháng nên tỷ lệ hoàn trả của cụm luôn đạt 100%. Tính đến hết tháng 6/2016, số dư nợ của cụm là hơn 324 triệu đồng.

Song song với hoạt động tín dụng, để tạo thành thói quen tiết kiệm cho thành viên tạo nguồn vốn tự có cho bản thân, nhờ có sự tuyên truyền của cán bộ TYM mà các thành viên trong cụm đã hiểu các chính sách tiết kiệm.

Buổi sinh hoạt hôm đó chúng tôi được dự với chủ đề dạy cho chị em cách để lập sổ thu – chi, từ đó tạo thói quen tiết kiệm và quản lý nguồn tiền đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các thành viên tham gia. Vì rất nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn chỉ biết “kiếm được đồng nào tiêu đồng đó”, chứ ít khi có ý thức ghi lại thu nhập để cân đối chi tiêu trong gia đình.

Như chị Minh, thành viên cụm 15 cũng tâm sự rất thật là trước giờ không biết làm được bao nhiêu, thi thoảng cũng có ghi nhưng hôm nhớ hôm quên. Nay được cán bộ hướng dẫn lập sổ thu chi thì về chị sẽ cố gắng tập thói quen để ghi đầy đủ hơn.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Tổng giám đốc TYM cũng chia sẻ: Với người nghèo, nếu chúng ta hướng cho họ biết cách quản lý dòng tài chính, tiết kiệm thì họ sẽ tạo dựng ra nguồn tài chính, biết quản lý chi tiêu. Nhờ vậy mà tình hình tài chính của họ chắc chắn hơn. Tính đến hết tháng 6/2016, số dư tiết kiệm của cụm là hơn 848 triệu đồng, trong đó có 40% gửi tiết kiệm từ 10.000 đồng trở lên.

Buổi sinh hoạt kết thúc trong lời ca, tiếng hát của những người phụ nữ vất vả, lam lũ nhưng luôn tràn đầy tinh thần, động lực vươn lên thoát nghèo. Vì các chị biết có rất nhiều người đang đồng hành, hỗ trợ cùng mình để đời sống được ấm no hơn.

Tạm chia tay với các chị em cụm 15, chúng tôi tìm tới nhà chị Nguyễn Thị Thanh Phương, ngụ tại cụm 12, xóm Trại, xã Kha Sơn. Tham gia TYM từ năm 2012, ban đầu chỉ với vốn vay 7 triệu đồng, nay đã lên đến 37 triệu đồng (dư nợ hiện tại là 17,5 triệu đồng), chị Phương và chồng, anh Nguyễn Huy Hưng – đã ngày càng phát triển và thành công hơn với mô hình sản xuất gồm: xưởng cơ khí sản xuất máy ép mùn cưa, bếp đun và viên nén mùn cưa.

“Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” thật đúng với trường hợp gia đình chị Phương, anh Hưng. Nhận thấy khu vực này có thể tận dụng phế thải từ làng nghề như: rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa… chị Phương đã tìm hiểu và áp dụng thành công kỹ thuật tạo ra viên nén mùn cưa sử dụng làm chất đốt. Và anh Hưng nhờ sự ham học hỏi cũng đã sản xuất thành công bếp đun viên nén mùn cưa. Làm được hơn một năm thì anh chị nghĩ tới việc đầu tư nhà xưởng.

Chị Phương chia sẻ: Lúc đó mới làm, vợ chồng vốn ít mà vay mượn ở ngoài cùng khó. Nhờ người thân mách mà tôi tìm đến với TYM để vay vốn vì thủ tục khá đơn giản và nhanh. Các cán bộ của TYM còn tới tận nhà để giúp làm hồ sơ nữa nên vợ chồng thuận lợi lắm”. Hiện nay, số lao động đang tham gia hoạt động sản xuất của gia đình chị Phương là 8 nhân công (3 người nhà, 5 lao động thuê ngoài) với thu nhập bình quân từ 3,7 – 4,5 triệu đồng/tháng. Còn gia đình chị mỗi tháng thu về từ 120 – 150 triệu đồng/tháng, trừ chi phí thì được khoảng 30 – 37 triệu đồng/tháng.

Hài hoà để phát triển bền vững

Gia đình chị Phương chỉ là một trong rất nhiều những cá nhân nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn của các tổ chức TCVM và nhờ đó đời sống gia đình được nâng lên. Nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, trở thành các doanh nhân vi mô, đặc biệt ở TYM đã có thành viên đạt giải thưởng Doanh nhân Vi mô thế giới.

Nhưng để có được những kết quả như vậy, để TCVM có thể phát triển một cách bền vững thì chặng đường phía trước là thách thức rất lớn với các tổ chức TCVM. Theo bà Ngọc Linh, khi các tổ chức TCVM được chính thức hoá, quan trọng là giữ được cân bằng giữa lợi ích xã hội và mục tiêu tài chính.

Bà Linh cũng cho biết thêm, cái khó nữa với sự phát triển của TCVM đó là Luật Các TCTD đã có hiệu lực nhưng  hiện vẫn chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể cho loại hình tổ chức này. Tổ chức TCVM cũng chưa có chế độ hạch toán kế toán riêng… nên việc hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý là yêu cầu lớn đặt ra trong việc tăng cường năng lực quản lý, giám sát ngành TCVM.

Theo ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN), việc mở rộng địa bàn phát triển của các tổ chức TCVM cũng là vấn đề mà các cơ quan thiết kế chính sách đang dần hoàn thiện.

NHNN và các cơ quan tham mưu luôn tạo mọi điều kiện để ngành TCVM phát triển từ những hoạt động triển khai trên thực tế. Và trong giai đoạn 2 của Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu trọng tâm cũng là hoàn thiện môi trường pháp lý đồng bộ, cho phép đa dạng hoá loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ TCVM.

Bài và ảnh Minh Khuê

http://thoibaonganhang.vn/cach-de-dua-doi-ngheo-vao-bao-tang-51367.html

Share

Tin tức gần đây

Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn cán bộ và khách hàng tổ chức CARD MRI đến thăm TYM

Trong hai ngày 07 và 08/8/2024, 17 cán bộ và khách hàng …

Share
Đọc thêm tại đây