Tín dụng vi mô đắt khách

16/12/2014

Là đơn vị nhận danh hiệu tổ chức tài chính vi mô (TCVM) tiêu biểu hướng tới người nghèo của CMA năm 2014, bà Dương Thị Hải Yến – người Phát ngôn của Tổ chức Tài chính vi mô TNHH Tình Thương (TYM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo ngân hàng về những thuận lợi và khó khăn trong lĩnh vực TCVM hiện nay.

Việc được NHNN cấp giấy phép hoạt động theo mô hình công ty TNHH đã tạo điều kiện hoạt động thế nào cho TCVM, thưa bà?

Phải khẳng định rằng, với sự điều chỉnh của các quy định pháp luật, chịu sự giám sát thường xuyên của NHNN Việt Nam, hoạt động của tổ chức TCVM ngày càng được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ cũng được nâng cao, quy trình nghiệp vụ, chế độ báo cáo cũng được cải tiến, điều này đã tao điều kiện cho TYM cải tiến các sản phẩm dịch vụ phù hợp hơn với khách hàng như vốn, tiết kiệm, các dịch vụ phi tài chính khác.

Đặc biệt, khi được cấp phép hoạt động theo mô hình TNHH đã mở ra cơ hội cho TYM được tiếp cận với các nguồn vốn vay, huy động tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

TYM và các tổ chức TCVM được cấp phép theo mô hình này được hoạt động theo hướng tự thu tự chi. Việc cân đối nguồn, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu của thành viên, nhu cầu mở rộng địa bàn là vô cùng quan trọng, và TYM đã chủ động hơn về nguồn, tạo điều kiện cho TYM phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Lãi suất cho vay của TCVM nói chung còn cao hơn so với lãi suất của Agribank trên địa bàn. Vậy TYM cạnh tranh thế nào?

Đúng là lãi suất của các đơn vị TCVM cao hơn lãi suất của Agribank. Nhưng lãi suất chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng chứ không phải là tất cả. Với tổ chức TCVM có những ưu thế, thuận lợi khác nhằm thu hút cũng như giữ chân khách hàng ở lại.

Thứ nhất, chúng tôi cho phép khách hàng vay vốn trả dần hàng tuần, tháng. Việc chia nhỏ món vay, giảm gánh nặng hoàn trả là một ưu điểm lớn trong hoạt động của TCVM, điều này giúp khách hàng có thể hoàn trả dễ dàng hơn bằng việc tích góp dần từ thu nhập kiếm được hàng ngày. Cách thức hoàn trả này phù hợp với nhóm đối tượng của TYM là phụ nữ ở các vùng nông thôn, bán thành thị có nguồn thu nhập thường xuyên theo ngày/tuần.

Thứ hai, khách hàng được tiếp cận dịch vụ dễ dàng, thuận tiện. Bởi, tổ chức TCVM phát vốn, thu hồi vốn và cung cấp các dịch vụ khác ngay tại địa bàn khách hàng sinh sống. Do đó khách hàng không phải đi xa, tiết kiệm thời gian di chuyển, đặc biệt trong điều kiện khách hàng ở khu vực nông thôn phương tiện đi lại không thuận lợi.

Thứ ba, chúng tôi cung cấp dịch vụ toàn diện: Khách hàng không chỉ được tiếp cận nguồn vốn đơn thuần, mà bên cạnh vốn, mà những tổ chức như TYM còn cung cấp các dịch vụ tài chính khác như tiết kiệm, tương trợ và các dịch vụ bổ trợ nhằm nâng cao kiến thức, năng lực cũng như quan tâm chăm sóc khách hàng như: Tổ chức các hoạt động đào tạo kiến thức, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ kết nối sản phẩm bán hàng, tổ chức khám bệnh miễn phí, trao học bổng cho con khách hàng nghèo học giỏi, xây mái ấm tình thương, hỗ trợ cho các khách hàng gặp khó khăn…

Với những ưu điểm vượt trội trên, tổ chức TCVM luôn nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo địa phương và của người dân nơi TCVM triển khai hoạt động.

Trong bối cảnh hoạt động của các NH khó khăn, các tổ chức TCVM như TYM bị ảnh hưởng gì, thưa bà?

TCVM cũng là một phần trong hệ thống tài chính quốc gia, do vậy, không tránh khỏi bị tác động bởi các yếu tố mang tính khách quan. Trong thời gian qua, các khách hàng của TCVM cũng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, hoạt động kinh doanh giảm sút, vì vậy nhu cầu vay vốn của khách hàng của TCVM trong đó có TYM cũng bị giảm đi.

Tuy nhiên, các tổ chức TCVM như TYM luôn nỗ lực đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, từ đó nhu cầu vay vốn của khách hàng cũng tăng lên.

Tuy nhiên, tận dụng lợi thế của TCVM là những món tiền gửi và cho vay nhỏ nên thị phần khách hàng của chúng tôi vẫn hoạt động khá ổn định. Chẳng hạn, với sản phẩm vốn, TYM có nhiều loại sản phẩm với các kỳ hạn, mức vốn và mục đích sử dụng khác nhau nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng với mức vốn thấp nhất là 1 triệu đồng.

Với sản phẩm tiết kiệm, bên cạnh các sản phẩm tương tự như các NHTM, TYM còn có các sản phẩm phù hợp với nhóm đối tượng nghèo, thu nhập thấp như tiết kiệm gửi góp, tiết kiệm từ món nhỏ với mức tối thiểu là 5.000 đồng. Các dịch vụ khác cũng được TYM nghiên cứu để đa dạng và phù hợp với khách hàng.

Theo bà, cần khuôn khổ pháp lý nào để TCVM hoạt động hiệu quả hơn nữa?

Mặc dù Luật Các TCTD đã được ban hành từ năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011, nhưng các văn bản dưới luật chưa được hoàn thiện. Một số quy định áp dụng cho các TCTD chưa được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của tài chính vi mô, do vậy còn gây khó khăn cho các tổ chức TCVM trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn như chưa có Thông tư hướng dẫn cấp phép theo Luật Các TCTD, Quy định về tỷ lệ thanh khoản, quy định về việc trích lập quỹ đầu tư phát triển từ lời nhuận…

Xin cảm ơn bà!

Đức Nghiêm thực hiện

(Theo  trang Thời báo Ngân hàng điện tử ngày 12/12/2014)

Share

Tin tức gần đây

Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn cán bộ và khách hàng tổ chức CARD MRI đến thăm TYM

Trong hai ngày 07 và 08/8/2024, 17 cán bộ và khách hàng …

Share
Đọc thêm tại đây