Chị Tống Thị Thu, thành viên cụm 82, thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) là khách hàng gắn bó với Quỹ TYM gần 10 năm, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi muối cá làm nước mắm rồi đi bán quanh làng và một số xã lân cận, thu nhập chỉ đủ ăn, năm 2012, tôi được tiếp cận với nguồn vốn của TYM. Ban đầu mới được vay vốn, tôi lo lắng vô cùng vì không biết làm gì để có tiền trả hàng tuần cho tổ chức, nhưng rồi tâm lý e ngại ấy đã được giải tỏa bởi các chị em trong cụm và những người đã vay động viên, hướng dẫn cách làm ăn nên tôi đã mạnh dạn vay 7 triệu đồng mua thêm cá và moi về muối, ngay trong năm đó gia đình tôi đã có lãi gần 6 triệu đồng. Và những năm tiếp theo gia đình đã quen với cách trả tiền nên mạnh dạn xin vay với mức tăng dần. Năm 2017, gia đình tôi quyết định mở rộng sản xuất, tôi đã vay 40 triệu đồng, đầu tư xây thêm một số bể ngầm, thuê thêm nhân công sản xuất nước mắm, mắm chua và mắm tôm. Đến nay tôi đã có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại nước mắm, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Và hiện tại sản phẩm nước mắm của gia đình đã phân phối đi một số tỉnh trong nước, đem lại thu nhập ổn định”.
Chị Thu chia sẻ thêm: Hiện nay, thu nhập của gia đình hàng tháng từ 40 đến 50 triệu đồng, đủ nuôi sống gia đình và các con ăn học. Có được thành quả trên đối với tôi khi làm nghề luôn đặt cái tâm lên hàng đầu và tôi rất cảm ơn TYM chi nhánh Thanh Hóa, cảm ơn cán bộ, thành viên trong cụm đã nhiệt tình về động viên cho tôi vay vốn làm ăn để có cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. “Năm nay, gia đình tiếp tục vay vốn ở Quỹ TYM với mức vốn 50 triệu đồng để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng vào các mặt hàng nước mắm cổ truyền” – chị Thu khẳng định.
Không chỉ có gia đình chị Thu vay vốn của TYM chi nhánh Thanh Hóa để phát triển sản xuất, kinh doanh, mà nhiều phụ nữ khác trên địa bàn 7 huyện, thành phố TYM chi nhánh Thanh Hóa đang hoạt động đã vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập, thoát khỏi nghèo khó. Đơn cử như tại huyện Quảng Xương, nhiều chị em đã vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh mang lại thu nhập cao, như chị Mai Thị Tuyên, tham gia Quỹ TYM tại cụm 109, thôn Xuân Yên, thị trấn Tân Phong. Gia đình chị trước đây thuộc diện kinh tế khó khăn, nguồn thu chính chỉ phụ thuộc vào 4 sào ruộng nên kinh tế không ổn định. Năm 2003, TYM chi nhánh Thanh Hóa về triển khai trên địa bàn, chị tham gia và vay vốn để làm ăn với mức vay là 10 triệu đồng. Với số tiền ấy, chị sử dụng kinh doanh buôn bán và in chiếu. Khi có thu nhập, chị mạnh dạn vay vốn cao hơn để đầu tư buôn bán chiếu, chăn nuôi thêm lợn, gà, bò… kinh tế gia đình dần phát triển lên. Đến năm 2016, gia đình chị đã xây được ngôi nhà mới khang trang, thu nhập mỗi năm của gia đình chị trên 150 triệu đồng. Hay như chị Hoàng Thị Vân, tham gia Quỹ TYM tại cụm 68, thôn 3 Hòa Trinh, xã Quảng Hòa, vay 15 triệu đồng từ năm 2013 để mở cửa hàng may quần áo, hàng năm các vòng vốn của gia đình chị đều vay mức tối đa, sử dụng đúng mục đích để phát triển kinh tế. Năm 2017, chị mạnh dạn vay mức cao nhất với 2 vòng vốn là 45 triệu đồng để đầu tư vào trang trại nuôi thỏ sinh sản và thỏ thịt, cho nguồn thu nhập cao hơn. Đến nay, thu nhập hằng tháng của gia đình chị trung bình trên 50 triệu đồng.
Ông Thạch Quang Vinh, Phó Giám đốc TYM chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, toàn chi nhánh đã phát triển được 20.137 thành viên với 498 cụm, hoạt động trên địa bàn 63 xã, phường, thị trấn. Số vốn phát ra 5 tháng đầu năm 2020 là trên 206 tỷ đồng, số dư nợ trên 256 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm huy động trên 119 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả đạt 99,9%. Trong 5 tháng qua, dù dịch COVID-19 diễn ra gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng Quỹ TYM vẫn tiếp tục giải ngân cho hơn 6.360 lượt khách hàng trên địa bàn. Để đạt được những kết quả trên, Quỹ TYM luôn bám sát sự chỉ đạo của Trụ sở chính để điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý, linh hoạt, phù hợp với quy định của pháp luật theo từng thời điểm. Bên cạnh đó, ban giám đốc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các cụm trưởng về kiến thức trong việc quản lý, điều hành hoạt động tại cơ sở. Ngoài ra, TYM chi nhánh Thanh Hóa luôn tập trung đổi mới các phương thức cho vay, cử cán bộ tín dụng xuống trực tiếp tới các thành viên vay vốn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ tiểu thương và các chủ trang trại, gia trại… để thẩm định tính khả thi của dự án, xem xét và đánh giá mục đích sử dụng vốn vay. Chủ động tư vấn, cung cấp thông tin liên quan để thành viên lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó xác định mức cho vay và thời điểm giải ngân thích hợp.
Từ sự hỗ trợ vốn của Quỹ TYM, nhiều người dân đã có điều kiện để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, đặc biệt là ngành nghề truyền thống sản xuất nước mắm, chiếu cói, chăn nuôi gia súc, gia cầm… góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Thời gian tới, Quỹ TYM sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của trụ sở chính, chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, tình hình sản xuất, kinh doanh của các địa phương để điều chỉnh hoạt động tín dụng bảo đảm phù hợp với khả năng quản lý và nguồn vốn huy động của đơn vị. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay, công tác huy động vốn, bảo đảm quỹ hoạt động an toàn, bền vững.
Theo Báo Thanh Hoá