TYM – Kết nối phát triển bền vững gắn với xu thế tín dụng xanh

13/02/2025

33 năm qua, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) – Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế cho phụ nữ, đồng thời thúc đẩy những mô hình kinh tế bền vững.

Trong xu thế chung, tín dụng xanh đã và đang trở thành một hướng đi quan trọng trong việc đạt tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Theo báo cáo gần đây mà TYM cung cấp, khoảng 43,1% tổng dư nợ của TYM tại một số tỉnh thực hiện khảo sát thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nhiều hoạt động đã và đang gắn với xanh hóa như sử dụng phân vi sinh, tưới tiết kiệm/tưới phun, và lắp đặt hệ thống biogas.

Xu hướng tín dụng xanh đã được thể chế hoá trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vào các hoạt động thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh này, vai trò của các tổ chức tài chính vi mô như TYM là đồng hành cùng người nghèo, thu nhập thấp trong việc đạt các mục tiêu xanh hóa này.

Câu chuyện khách hàng: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Bà Hoàng Thị Tân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ TYM để phát triển nông nghiệp sạch

Một trong những câu chuyện tiêu biểu là bà Hoàng Thị Tân (sinh năm 1972, trú tại thôn Việt Vân, xã Việt Thống, Quế Võ, Bắc Ninh), người đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ TYM để phát triển mô hình kinh tế VAC (vườn – ao – chuồng) gắn với sử dụng chế phẩm sinh học IMO. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường đáng kể.

Tiếp chúng tôi bên trong khuôn viên trang trại của mình , bà Tân tâm sự rằng đến thời điểm hiện tại, bản thân bà không thể tin rằng có lúc gia đình bà lại sở hữu được một cơ ngơi bề thế như vậy. Với bà Tân, đây là thành quả nỗ lực của bản thân bà cũng như các thành viên trong gia đình bên cạnh nguồn vốn vay đều đặn hàng năm đến từ TYM.

Bà Tân chia sẻ, khoảng 10 năm trước, lần đầu tiên bà biết đến TYM thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã Việt Thống. Khi ấy, thu nhập chính của gia đình bà trông chờ vào việc cày cấy trên vài sào ruộng chiêm trũng, lại phải nuôi 2 người con ăn học nên kinh tế rất khó khăn. Chẳng đành lòng để cái nghèo đeo bám mãi nên bà Tân đã bàn với chồng, mạnh dạn vay mượn để phát triển kinh tế. Ở cái tuổi cũng không còn trẻ, vợ chồng bà bắt đầu khởi nghiệp bằng số tiền 25 triệu đồng vay từ TYM.

Số tiền trên được ông bà sử dụng để tu sửa chuồng trại và mua 3 con lợn nái về để nhân giống. Bước đầu khởi nghiệp thuận lợi và có lãi, vợ chồng bà mạnh dạn mở rộng phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Tuy nhiên, những năm sau đó, dịch bệnh bùng phát nhiều lại thiếu kiến thức chăn nuôi nên kinh tế gia đình bà gặp khó. Làm kinh tế, có năm được, năm mất đó là điều dễ hiểu nhưng với bà Tân, mất của do thiếu kiến thức là việc bà không cam tâm.

Thời điểm giữ cương vị Chi Hội trưởng Chi Hội phụ nữ thôn Việt Vân rồi Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Việt Thống, bà Tân biết đến chế phẩm IMO (chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng). Nhận thấy những ưu điểm vượt trội của chế phẩm IMO trong chăn nuôi nên bà quyết tâm theo đuổi, học hỏi.

“Ngày ấy, mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại đem những kiến thức đã học được ra để làm chế phẩm IMO. Thấy vậy, nhiều người lắc đầu, thậm chí đến chồng tôi còn không tin tưởng nhưng tính tôi đã quyết cái gì là sẽ phải làm bằng được”, bà Tân tâm sự.

Những năm sau đó, bà Tân đều đặn vay vốn của TYM để làm trang trại hướng đến phát triển nông nghiệp sạch qua việc sử dụng chế phẩm IMO. Thay vì sử dụng thuốc, bà Tân lại sử dụng chế phẩm IMO do chính mình tạo ra để giúp con vật nuôi tăng sức đề kháng.

“Tôi sử dụng chế phẩm IMO để phun, vệ sinh chuồng trại. Khẩu phần ăn của vật nuôi cũng đều được tôi trộn thêm chế phẩm IMO. Hiệu quả thấy rõ khi có thời điểm dịch bệnh, các hộ chăn nuôi khác đều lao đao nhưng đàn gia súc, gia cầm nhà tôi vẫn khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng chế phẩm IMO nên bên trong trang trại của tôi, mùi hôi thối gần như không có”, bà Tân chia sẻ.

Khởi nghiệp bằng những vốn vay đều đặn hàng năm của TYM, đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Tân sở hữu trang trại rộng gần 13.000m2 với 300 con lợn nái, hơn 500 con lợn thịt, 200 cây bưởi diễn cùng 3 ao thả cá… Chẳng những tạo dựng kinh tế bền vững với nguồn thu ổn định hàng năm cho gia đình, trang trại của bà Tân còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ khác.

Ông Lê Kim Cương, Trưởng phòng giao dịch số 2 thuộc TYM – Chi nhánh thành phố Bắc Ninh (nơi bà Tân đang vay vốn) cho biết bản thân ông cũng cảm thấy khâm phục sự quyết đoán, táo bạo, dám nghĩ dám làm của người nữ khách hàng: “Khi bà Hoàng Thị Tân bắt tay vào xây dựng mô hình VAC từ nguồn vốn vay của TYM thì phương pháp IMO là một cái gì đó rất xa lạ. Ở Bắc Ninh, bà Tân là khách hàng đầu tiên của TYM ứng dụng phương pháp IMO vào trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.”

Làm vườn, kết hợp với chăn nuôi và thả cá theo một vòng tròn khép kín nhưng điểm ưu việt trong mô hình làm kinh tế của bà Tân theo ông Cương đó là môi trường không bị hủy hoại và hoàn toàn trong lành.

“Với những ưu điểm của phương pháp làm kinh tế trên nên chúng tôi vẫn thường xuyên đưa khách hàng của mình đến trang trại của bà Tân để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”, ông Cương cho biết.

Bà Hoàng Thị Tân (áo đỏ) chia sẻ với các cán bộ TYM về kiến thức IMO. Bà Tân là khách hàng đầu tiên của TYM ứng dụng phương pháp IMO vào trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Xu hướng tín dụng xanh: Kết nối nông nghiệp bền vững

Tại TYM, nhiều hoạt động vay vốn hiện tại đã góp phần hỗ trợ xanh hóa. Theo thống kê một số khu vực, 48,5% khách hàng được khảo sát của TYM đã sử dụng vốn vay để đầu tư vào phân vi sinh, 25,8% áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, và 12% cải tạo đất, canh tác bền vững.

Những thực hành kinh tế xanh này không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh mà còn giúp tăng cường hiệu quả kinh tế bền vững cho khách hàng. Ví dụ, hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ giảm tiêu thụ nước mà còn tăng năng suất cây trồng. Tương tự, việc sử dụng phân vi sinh đã giúp cải thiện chất lượng đất, giảm chi phí mua phân bón hóa học và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Đặc biệt, các khoản vay hỗ trợ nông nghiệp bền vững tại TYM thường có giá trị nhỏ, phù hợp với nhu cầu của các hộ gia đình nông thôn. Những hoạt động này đã giúp TYM không chỉ tăng cường uy tín trong cộng đồng mà còn tạo tiền đề để tổ chức tiến xa hơn trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh.

Trong tương lai, TYM có kế hoạch tiếp tục mở rộng danh mục các sản phẩm tín dụng thân thiện với môi trường. Những bước đi này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Theo: Báo Phụ nữ Việt Nam

Share

Tin tức gần đây