Thành viên: Đặng Thị Gấm

Tuổi: 68

Sống tại: cụm 39 Thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Một buổi sáng thứ 2 như hàng tuần, tôi về với cụm 39 Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1999, cụm 39 là một trong những cụm đầu tiên mà chúng tôi triển khai hoạt động trên địa bàn xã Yên Đồng. 22 năm gắn bó với TYM, các chị em ở đây đã coi TYM như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhiều gia đình thành viên đã coi cán bộ TYM chúng tôi như thành viên trong gia đình của họ. Trong buổi thu tiền hôm nay, chị Đặng Thị Gấm lại bồi hồi kể lại câu chuyện của chị trong suốt hơn hai thập kỉ gắn bó với TYM. Chị Gấm là một trong những phụ nữ đầu tiên của thôn tham gia TYM khi chúng tôi triển khai hoạt động tại xã Yên Đồng vào năm 1999.

Những năm 90 đó, bố mẹ chồng chị tuổi đã cao, sức khỏe thì yếu trong khi các con vẫn còn nhỏ. Thu nhập ít ỏi từ công việc bảo vệ của anh và bán bánh hàng ngày của chị chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí cho gia đình. Chị đã từng muốn vay ngân hàng để có thêm tiền làm bánh nhưng cũng khó vì phải thế chấp sổ đỏ. Vốn bán hàng của chị hạn hẹp đến mức hàng ngày chị đều phải co kéo lấy tiền bán bánh để đi đong gạo thì mới tiếp tục làm được mẻ bánh hôm sau. Vì vậy, khi TYM triển khai tại thôn Tiến Thắng, các chị đều đăng kí tham gia dù những năm đầu ấy nếu muốn tham gia TYM thì các chị phải trải qua 5 buổi học. “Nói đến việc học khi đó quả thật tôi cũng rất ngại, lại còn mất thời gian nữa. Nhưng đó là một trong những cách tốt nhất (và có thể nói là duy nhất) để những chị em không có điều kiện như tôi có thể vay vốn vào thời bấy giờ”, chị Gấm chia sẻ. Sau kỳ kiểm tra của 5 buổi học, chị Gấm được vay 500 nghìn đồng mà không cần bỏ ra bất kì khoản phí hay thế chấp nào cả. Vay được tiền, chị Gấm mạnh dạn về đong hết lúa để xay xát dần rồi làm bánh. Với đồng vốn “thoải mái” hơn, chị có thể làm được nhiều bánh hơn và công việc cũng chủ động hơn. Nhờ đó, chị cũng có tiền trả dần hàng tuần cho TYM và trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con cái đi học, tích góp thêm vốn làm ăn. Thấm thoát thoi đưa đã 22 năm trôi qua, năm nào chị Gấm cũng vay mức vốn tối đa của TYM về làm bánh đi chợ. Năm 2010 nhờ vào số tiền tích cóp từ bán bánh cùng lương làm thuê của chồng mà gia đình xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố thay thế cho ngôi nhà ngói 3 gian bố mẹ để lại. Cuộc sống gia đình dần trở nên khấm khá hơn, con cái chị cũng đều đã trưởng thành và ổn định cuộc sống. Năm nay, vì tuổi chị đã cao lại vướng bận trông cháu nhỏ nên chị không đi chợ bán bánh nữa. Thay vào đó, chị vay 50 triệu đồng về cùng con trai và con gái đầu tư mở xưởng may mũ. Chị tâm sự, “Quỹ TYM (tên của TYM trước tháng 8/2010) thật phù hợp với chị em nông thôn chúng tôi. Chúng tôi được vay vốn, được tiết kiệm, rồi được học nhiều kiến thức bổ ích, giao lưu văn nghệ. Trước kia, cụm chúng tôi còn đốt nến cam kết xây dựng cụm vững mạnh và kỉ niệm sinh nhật cụm, vui lắm, hàng tuần còn được hát ca, vui vẻ bên nhau. Cuộc sống nhờ đó mà cũng mở ra nhiều cánh cổng mới, thêm nhiều màu sắc mới. “Vì tâm đắc với hoạt động của TYM, tôi còn vận động 3 em dâu, 2 em gái và con dâu, con gái cùng tham gia TYM. Tôi sẽ tham gia TYM lâu dài, chỉ sợ hết tuổi không được tham gia nữa”, chị Gấm nói. Nghe đến đó, tôi thấy thật cảm động vì hóa ra công việc của chúng tôi lại “có giá” nhất lúc này. Những người phụ nữ đã gắn bó với TYM gần một phần tư thế kỉ, vẫn muốn ở bên TYM mãi. Tôi bảo: “Chị cứ yên tâm, đã là thành viên của TYM thì sẽ mãi mãi là thành viên của TYM. Chỉ khi nào các chị không cần TYM nữa thì chúng tôi mới rời đi. Còn một khi chị vẫn có nhu cầu tham gia TYM thì chúng tôi vẫn phục vụ các chị”. Nghe đến đây, chị Gấm lại cười vui sướng: “Vậy tôi hứa với cô sẽ ở với TYM đến lúc về già”.

Nguyễn Thị Thanh Duyên
TYM – chi nhánh Ý Yên,  Nam Định

Share

28/05/2021