Thành viên: Lưu Thị Sơn

Tuổi: 64

Sống tại: Mê Linh - Hà Nội

Gương điển hình làm kinh tế giỏi

Khác với sự hiền hòa của dòng sông Cà Lồ chảy qua xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội, con người nơi đây năng động chịu thương chịu khó. Chị Lưu Thị Sơn thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội là một con người như vậy. Chị vừa làm ruộng vừa trồng thêm rau để bán ngoài chợ. Công việc thì vất vả nhưng thu nhập không được đáng là bao. Cái khó bó cái khôn, có biết bao việc chị muốn làm mà không có vốn.

Năm 1996, Quỹ Tình thương – chi nhánh 7 Mê Linh về với xã Tự Lập. Như nắng hạn gặp mưa rào, chị đăng ký tham gia ngay vào Quỹ với món vốn đầu tiên 300.000 đồng đầu tư vào chăn nuôi gà. Dưới bàn tay chăm sóc của chị, đàn gà đã phát triển lên hàng trăm con. Chị vừa cung cấp gà thịt cho các lái buôn, vừa thu trứng để bán cho các chị em ở chợ. Khi đã có một số vốn nhất định, chị quyết định chuyển đổi sang mô hình trang trại. Chị vay thêm vốn dài hạn, vốn đa mục đích và vốn đặc biệt để đấu thầu hồ cá của địa phương. Chị chọn một số giống cá khỏe và cho thu hoạch nhanh như cá rôphi, cá quả,… Ngoài ra, chị còn trồng thêm một số cây ăn quả như táo, khế, đu đủ và nuôi lợn, gà, vịt đẻ trứng. Chị tận dụng phế thải của vật nuôi làm thức ăn cho cá và chăm sóc cây, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Những ngày đầu làm trang trại, chị cũng gặp không ít khó khăn như tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là do hồ cá năm trong khu dân cư, lượng nước thải nhiều nên nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm. Để giải quyết các vấn đề đó chị đã đến các chợ, các nhà hàng ở trong vùng và địa phương lân cận để chào hàng. Ngoài ra, chị rất chịu khó mua các sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản về tìm hiểu, đến thăm quan, học hỏi một số mô hình trang trại thành công và nhờ chính nhà cung cấp giống tư vấn các biện pháp kỹ thuật về xử lý nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.

Năm 2002, được sự hỗ trợ của trạm thủy sản huyện Mê Linh, chị đã chuyển từ nuôi cá thịt sang cá giống. Ngoài ra, chị còn nuôi thử nghiệm ếch và rắn, cung cấp giống cho địa phương trong toàn tỉnh.

Với mô hình VAC kết hợp những giống cây trồng vật nuôi ngắn ngày, vòng vốn của chị được sử dụng hiệu quả hơn, đem lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình chị. Với quy mô trang trại như hiện nay, chị phải thuê thêm 10 lao động ổn định và 5 lao động theo mùa vụ với mức lương từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/tháng.

Hoạt động sản xuất – kinh doanh của chị đã đi vào ổn định, chị quyết định mở rộng thị trường và chuyển đổi hoạt động theo hướng bền vững. Năm 2006, chị đăng ký thành lập công ty. Chính bước chuyển đổi này đã tạo lòng tin cho khách hàng, công việc của chị cũng nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của chính phủ. Ngoài việc thu được lao động địa phương, công ty của chị cũng làm tròn nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Hiện nay, thu nhập mỗi năm của chị từ 80 đến 100 triệu đồng. Số tiền này một phần chị dành để mở rộng sản xuất. Chị đầu tư mua ô tô làm phương tiện vận chuyển giống đi các tỉnh lân cận. Dịch vụ hậu mãi tốt nên lượng khách hàng đến với công ty của chị ngày càng đông.

Với bồn bề công việc như vậy, nhưng chị không bỏ một buổi sinh hoạt cụm nào của Quỹ. Chị luôn tâm niệm rằng “một nắm khi đói, bằng một gói khi no”. Do vậy, chị thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ các chị khác đang gặp khó khăn trong cụm, trong làng xã. Với chị, tuy đã dành được thành công nhất định nhưng chị không bao giờ quên ngôi nhà Quỹ Tình thương, nơi đã đặt viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của chị.

Năm 2008, chị đã được Quỹ Citi kết hợp với tổ chức vi mô Việt Nam trao tặng giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu. Chị thật xứng danh con cháu hai vị anh hùng dân tộc – Hai Bà Trưng.

Share

20/08/2009