3 năm Đồng hành cùng phụ nữ biên cương ở Bắc Xa: Những con số nói lên sự đổi thay

20/07/2020

Bà Hoàng Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Bắc Xa, khẳng định hiệu quả, ý nghĩa của chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương đối với hội viên, phụ nữ trên địa bàn

Ở vùng cao xứ Lạng, khi nghe đến xã Bắc Xa của huyện Đình Lập (Lạng Sơn) là người ta liên tưởng đến một “nơi xa lắm”. Thế nhưng, sau 3 năm triển khai Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ Bắc Xa, những kết quả hỗ trợ đã có thể đo đếm được bằng con số.

Bài bản, thực chất

Tuy chỉ cách Thành phố Lạng Sơn hơn 100km nhưng đường đến Bắc Xa có gần nửa chặng là khúc khuỷu, gập ghềnh đèo dốc khó đi. Là xã biên giới vùng III đặc biệt khó khăn, Bắc Xa có đường biên giới dài hơn 33 km. Xã có 5/13 thôn bản giáp biên, địa bàn rộng. Đời sống của phụ nữ, bà con nơi đây khó khăn, chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. Xã có 324 hộ với 1.508 nhân khẩu trong đó dân tộc Nùng chiếm tới 98%. Hơn 3 năm trước, số hộ nghèo nơi đây là 119 hộ (chiếm gần 37%)…

3 năm Đồng hành cùng phụ nữ biên cương ở Bắc Xa: Những con số nói lên sự đổi thay - Ảnh 1.
Phó Ban DTTG TƯ Hội LHPN VN Lò Thị Thu Thủy, thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa

Trước thực trạng khó khăn trên, năm 2018, Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020 do TƯ Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức đã lựa chọn Bắc Xa là một trong 110 xã biên giới khó khăn được nhận hỗ trợ. Các đơn vị trực tiếp tham gia hỗ trợ Bắc Xa bao gồm Ban Dân tộc Tôn giáo (DTTG) TƯ Hội LHPN VN, Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM), Đồn Biên phòng Bắc Xa, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn… 3 năm qua, các đơn vị đã tích cực triển khai, phối hợp đồng hành cùng phụ nữ Bắc Xa bằng nhiều hoạt động thực chất, bài bản và bền vững tập trung vào 3 nội dung chính: Hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ công trình dân sinh và hỗ trợ củng cố, phát triển tổ chức Hội cơ sở.

Đánh giá tổng kết hoạt động Đồng hành giai đoạn 2018-2020, Ban chấp hành Hội LHPN xã Bắc Xa cho biết: Thông qua công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt động đồng hành của các đơn vị hỗ trợ đã dẫn đến những đổi thay tích cực về nhận thức, hành vi của hội viên, phụ nữ và nhân dân trong xã. Các hoạt động hỗ trợ nhà vệ sinh, tập huấn mô hình mẫu phân loại rác thải, thu gom rác đúng nơi quy định… giúp chị em hiểu, thực hành, biết cách sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tự giác, xử lý rác thải, sắp xếp nhà cửa, bếp đun gọn gàng sạch sẽ, không nhốt chung gia súc gia cầm với bếp, di dời chuồng trại ra xa nhà… Tại 5/5 bản giáp biên, đã có 28 hộ gia đình cùng tham gia ký kết phối hợp với Đồn Biên phòng quản lý, bảo vệ hơn 33km đường biên và 40 cột mốc… Thành công bước đầu của Chương trình Đồng hành đã và đang được đánh giá là mang lại những đổi thay tích cực với hội viên, phụ nữ và nhân dân trong xã đồng thời góp phần xây dựng tổ chức Hội vùng biên vững mạnh.

Tín hiệu vui từ hộ gia đình

Tại xã Bắc Xa có gia đình em Tô Thị Bay (SN 1997) thuộc diện hộ nghèo do nữ làm chủ. Bay là chị cả trong gia đình nghèo có 4 chị em. Các em Bay còn nhỏ. Bố mẹ Bay đều trên 60 tuổi, hay mắc bệnh… Do hoàn cảnh khó khăn nên dù thích học, có ước mơ được học cao hơn nhưng khi hết lớp 9, Bay vẫn phải rời bỏ trường học, trở thành lao động chính trong gia đình… Tuy Bay làm việc vất vả nhưng gia đình vẫn thiếu gạo, phải ăn cháo ngô là chủ yếu. Từ thực tế đó, năm 2018 gia đình Bay được Chương trình đồng hành hỗ trợ một con bò giống. Bay mong sắp tới bò sinh sản để gia đình có bò con, khi đó gia đình sẽ được nguồn thu lớn.

3 năm Đồng hành cùng phụ nữ biên cương ở Bắc Xa: Những con số nói lên sự đổi thay - Ảnh 2.
Chị Tô Thị Thắm giữa khoảnh rừng trồng sa nhân tươi tốt

Cũng tại Bắc Xa, có gia đình chị Tô Thị Thắm, dân tộc Nùng (SN 1982) ở thôn Nà Thuộc cũng là diện khó khăn, neo đơn. Hơn 10 năm trước, chồng chị Thắm không may bị tai nạn giao thông, qua đời. Một mình chị nuôi 2 con nhỏ, quanh năm chật vật ruộng, rừng, đi làm thuê làm mướn… Năm 2019, chị Thắm là một trong số 20 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ từ Chương trình Đồng hành thông qua mô hình sinh kế trồng sa nhân. Với khoản vay 5 triệu đồng, chị mua được 1.000 cây giống. Sau khi trồng một thời gian, một cây sa nhân sẽ sinh trưởng ra 4-5 cây nhỏ. Chị ký cam kết sau 3 năm sẽ hoàn vốn, luân chuyển cây giống cho các chị em khác để mô hình tiếp tục. “Tôi ước tính khoảng 2 năm nữa, 1.000 gốc sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tạ. Với mức giá trên 120 ngàn đồng/kg, khi đó tôi sẽ có được nguồn thu vài chục triệu đồng để góp phần phát triển kinh tế gia đình ổn định, bền vững”, chị Thắm nói.

Thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi

Ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa, đánh giá: “Các hoạt động đồng hành, hỗ trợ từ các đơn vị đã thực sự mang lại hiệu quả. Việc hỗ trợ các công trình dân sinh đã góp phần quan trọng trong việc giúp xã đạt đủ các chỉ tiêu và về đích Nông thôn mới vào cuối năm 2018. Riêng với mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo trồng sa nhân đã đáp ứng đúng nhu cầu, mong muốn của chị em qua đó từng bước giúp đời sống của phụ nữ và nhân dân dần cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo“.

Trước đó, tại Bắc Xa, do phong tục, tập quán cũ, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân và phụ nữ còn hạn chế… bà con vẫn chưa quen thực hành bảo vệ môi trường, sử dụng nhà vệ sinh. Trong chăn nuôi, các hộ chưa biết áp dụng các biện pháp khoa học để chăm sóc. Những hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình, phong trào của Hội… còn hạn chế. Trước thực tế này, một trong những hoạt động được các đơn vị hỗ trợ là tập trung vào việc giúp người dân xây dựng công trình vệ sinh, nâng cao nhận thức về môi trường. Năm 2018, TYM tập trung hỗ trợ 57 công trình vệ sinh cho các hộ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lựa chọn hỗ trợ các công trình phụ trợ thiết yếu cho các nhà văn hóa các thôn…

Năm 2020, Ban Dân tộc tôn giáo tham mưu và là đầu mối triển khai hỗ trợ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xây dựng mô hình mẫu phân loại rác thải; thu gom rác đúng nơi quy định và duy trì thực hiện bền vững; tập trung tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về cải tạo môi trường, phân loại rác thải, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

3 năm Đồng hành cùng phụ nữ biên cương ở Bắc Xa: Những con số nói lên sự đổi thay - Ảnh 3.
Đã có 10 hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo ở Bắc Xa được nhận hỗ trợ sinh kế nuôi bò sinh sản

Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, xây dựng công trình dân sinh, các đơn vị còn hỗ trợ củng cố tổ chức cơ sở Hội. Những việc làm này đã mang lại hiệu quả. Qua đó phong trào phụ nữ ở Bắc Xa đã có chuyển biến rõ rệt. Theo bà Hoàng Thị Lan Chủ tịch Hội LHPN xã Bắc Xa, sau 3 năm triển khai, thông qua các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là hoạt động truyền thông, tập huấn, triển khai xây dựng mô hình… của Chương trình đã giúp trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội LHPN xã, các Chi, Tổ trưởng được nâng lên. Chị em có kỹ năng tuyên truyền, điều hành sinh hoạt Hội… Chất lượng, số lượng thu hút hội viên cũng nâng lên. Trước khi chưa có Chương trình Đồng hành, tỷ lệ thu hút hội viên chỉ đạt khoảng 50%, đến nay đã tăng lên 65%. Chương trình góp phần củng cố, phát triển tổ chức Hội hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Những con số ấn tượng của hoạt động Đồng hành tại Bắc Xa sau 3 năm

+ 200 triệu đồng, là số tiền Ban DTTG tham mưu với Lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam để hỗ trợ tu sửa 02 Phòng khách quân nhân tại Đồn biên phòng Bắc Xa.

+ 57 là số công trình nhà vệ sinh do TYM hỗ trợ hộ gia đình phụ nữ nghèo (3 triệu đồng/nhà x 57 hộ = 171 triệu đồng).

+ 28 là hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký bảo vệ và tự quản đường biên giới.

+ 20 là số hộ nghèo tham gia mô hình sinh kế trồng cây sa nhân (5 triệu/hộ x 20 hộ = 100 triệu đồng).

+ 14 là số công trình phụ trợ của Nhà văn hóa tại 14 thôn trong xã được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng hỗ trợ (6 triệu/công trình x 14 = 84 triệu đồng).

+ 10 là số hộ phụ nữ nghèo trong xã được nhận hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi bò sinh sản.

+ 6,40% là tỷ lệ hộ nghèo trong xã hiện nay (trước khi thực hiện Chương trình đồng hành, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây là 36,73%; năm 2018 (bắt đầu thực hiện Chương trình) tỷ lệ hộ nghèo là 11,04).

+ 700 triệu đồng là tổng nguồn lực đã được các đơn vị hỗ trợ tham mưu, huy động, đầu tư để thực hiện các hoạt động đồng hành tại xã.

Nguồn: Phunuvietnam.vn

Share

Tin tức gần đây

Nâng cao năng lực cho cụm trưởng năm 2024 tại TYM – Chi nhánh Hưng Yên

Ngày 22/11/2024, TYM – Chi nhánh Hưng Yên tổ chức đào tạo …

Share
Đọc thêm tại đây
Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây