Thành viên: Quách Thị Hường
Tuổi: 47
Sống tại: Kim Động, Hưng Yên
Trong một bài phỏng vấn trên kênh Truyền hình Quốc Hội vào đúng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi – 2 tháng sau khi được nhận giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu CMA 2018, chị Quách Thị Hường cười thật tươi trước ống kính máy quay: “Cả gia đình đều rất phấn khởi khi tôi nhận được giải thưởng danh giá này. Tết năm nay của nhà tôi thật là to”. Một cái tết to đối với chị Hường chính là khi, bao nhiêu cố gắng của chị đã được công nhận, một niềm vui lớn trong những ngày này. Để có được như ngày hôm nay, chị Hường cũng đã phải trải qua nhiều năm khốn khó, nhưng chị không ngừng lao động và học hỏi tích lũy kinh nghiệm để rồi tự xây dựng cho mình một cơ ngơi, sự nghiệp và thành công như ngày hôm nay.
“Cả gia đình đều rất phấn khởi khi tôi nhận được giải thưởng danh giá này. Tết năm nay của nhà tôi thật là to”.
Chúng tôi đến thăm chị Hường vào một ngày trời âm u và hơi mưa. Có lẽ vì vậy mà chị có được chút thời gian rảnh để trò chuyện với chúng tôi trong những ngày giáp Tết này. Sau 17 năm gắn bó với nghề, xưởng sản xuất hương Đức Hường của gia đình chị giờ đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất hương lớn nhất tại xã. Chị Hường sở hữu 4 nhà xưởng sản xuất và đóng gói hương, 1 nhà kho chứa hàng chuyên dụng. Điểm đặc biệt ở xưởng làm hương của chị đó là luôn ưu tiên thuê lao động là nữ tại địa phương nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Xưởng hiện nay đã tạo việc làm cho 30 chị em lao động thường xuyên và 20 chị em lao động thời vụ. Những ngày trời mưa ẩm và không thế phơi hương như hôm nay, xưởng vẫn duy trì gần 20 người làm. Có thể nói đây là những ngày gần như bận rộn nhất năm, vì mọi người sử dụng hương nhiều cho dịp Tết. Nhưng mấy hôm nay do việc làm hương bị hạn chế, khách buôn từ khắp nơi gọi điện giục mà chị không có hương để bán. Năm 2018, lợi nhuận của xưởng đã lên tới 1,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Cuộc sống của chị ngày càng khấm khá, kinh tế gia đình phát triển nhờ đó mà con cái chị cũng có điều kiện học tập tốt hơn.
Nếu gặp chị lần đầu, chắc nhiều người không nghĩ chị là một nữ doanh nhân với một xưởng sản xuất quy mô như vậy. Chị vẫn mặc chiếc áo lao động màu xanh rêu đã sờn màu và thoăn thoắt, thành thạo từng công việc, từ bắn hương cho đến đóng gói. Tôi nhớ lại ngày gặp chị tại buổi lễ trao giải doanh nhân vi mô tiêu biểu cách đây không lâu, người phụ nữ giản dị không son phấn trong tà áo dài màu hồng cánh sen không kim sa cầu kì nhưng lại rất nổi bật vì gương mặt rạng rỡ hay cười. Ở chị lúc nào cũng toát lên một vẻ đẹp lao động thật đáng trân trọng.
“Khởi nghiệp khi cái gì cũng thiếu, chưa có một cái gì hết”
Chị Hường sinh ra và lớn lên ở miền quê tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ khi mới học hết lớp 8, do hoàn cảnh gia đình khó khăn chị Hường đã phải nghỉ học để đi làm phụ cho gia đình. Đó cũng là lúc chị gắn bó với nghề làm hương – một trong những nghề truyền thống của mảnh đất Hưng Yên. Tuy nhiên nhà đông con, vợ chồng chủ yếu nhìn vào đồng lương đi làm thuê và mấy sào ruộng nên gia đình lúc đó thuộc hộ nghèo, thu nhập thấp. Suốt 10 năm liền, chị Hường chỉ đi làm thuê ở các xưởng sản xuất chứ chưa có điều kiện để có thể mở một xưởng. Đến tận năm 2000, khi mà chị đã có một chút vốn liếng và kinh nghiệm học hỏi trong những năm làm thuê, chị Hường quyết định mở xưởng sản xuất hương của riêng mình. Chị Hường chính là người đầu tiên tại thôn Đống Lương mở xưởng sản xuất. Với chị Hường, “làm hương” là công việc đầu tiên giúp cho chị và gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất, cũng là công việc đưa chị trở thành một doanh nhân vi mô như ngày hôm nay. Những ngày đầu tiên khởi sự kinh doanh đối với chị là muôn vàn khó khăn. Dù có tay nghề và đã có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực này lâu năm nhưng chị phải thừa nhận rằng “Lúc đó cái gì cũng thiếu, chúng tôi chưa có một cái gì hết”. Chị thiếu kỹ năng để quản lý một nhà xưởng từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, thiếu máy móc, thiếu nhân lực, thiếu đầu vào, thiếu đầu ra, thiếu tự tin và quan trọng thiếu…tiền”. Sau khi mở xưởng sản xuất hương được một thời gian, hai vợ chồng chị vẫn tự loay hoay với muôn vàn nỗi lo. Đúng thời điểm đó, TYM bắt đầu triển khai hoạt động tại thôn. Chị vẫn nhớ về những kỷ niệm của gần 20 năm trước đây, khi cô cán bộ TYM dáng người nhỏ nhắn đến thăm gia đình chị, giới thiệu với chị về TYM, về những gì TYM đang làm và mở ra cho chị một con đường mới. Đó cũng là lúc chị bắt đầu tham gia TYM và vay khoản tiền 1 triệu đồng. Chị chia sẻ rằng “Mặc dù số vốn chúng tôi cần vay không nhiều trong khi đó, thủ tục vay vốn từ các ngân hàng lại khá phức tạp vì vậy khoản tiền không cần tài sản thế chấp từ TYM đã giúp cho tôi và gia đình bắt đầu công việc sản xuất này. TYM đã tin tưởng và trao cơ hội cho tôi thực hiện kế hoạch của mình”. Chị đã mua máy móc đầu tư sản xuất hương ngay tại nhà. Nguồn vốn chị vay từ TYM tăng dần hàng năm, lại được chia nhỏ gốc lãi trả dần giảm thiểu gánh nặng trả nợ đã giúp chị phần nào giải quyết nhưng khó khăn tiếp tục theo đuổi công việc của mình.Hàng năm, khi nghe cán bộ TYM nói về giải thưởng CMA và đặc biệt khi chứng kiến nhiều chị em thành viên khác cùng chi nhánh với chị được TYM giúp đỡ và đạt giải thưởng, chị rất mong muốn một ngày nào đó mình cũng có thể được nhận vinh dự này. Năm 2017, sau khi tham gia khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý cho doanh nhân nữ” do TYM tổ chức dành cho các thành viên TYM “trưởng thành”, được gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với những thành viên tiêu biểu khác, chị càng có thêm động lực cố gắng, phấn đấu để có thể trở thành một doanh nhân vi mô tiêu biểu. Và cuối cùng đến năm 2018, chị đã đạt được ước mơ đó – trở thành một trong 30 doanh nhân vi mô tiêu biểu đạt giải thưởng CMA.
“Tôi sẽ ở với TYM đến cùng, khi nào TYM nghỉ thì tôi mới nghỉ”
Đã gần 20 năm chị Hường gắn bó với TYM và bước vào khởi sự kinh doanh. Đó cũng là gần 20 năm TYM đồng hành với chị từ khi còn khốn khó cho đến lúc thành công như ngày hôm nay. Mức vốn 1 triệu đồng ngày xưa chị vay giờ đã nâng lên đến 50 triệu đồng (mức vốn vi mô tối đa mà TYM cung cấp). 50 triệu chắc chắn giờ đối với quy mô sản xuất của xưởng sẽ không còn là quá lớn nhưng nó vẫn là nguồn vốn thường xuyên,ổn định và thuận tiện nhất mà chị được tiếp cận. Chị vẫn khắng định rằng “Tôi sẽ ở với TYM đến cùng, khi nào TYM nghỉ thì tôi mới nghỉ”
16/05/2019