Thành viên: Hoàng Thị Vân

Tuổi: 43

Sống tại: Quảng Xương, Thanh Hóa

Chuyến tham quan mô kinh tế điển hình vào tháng 6/2019 vừa qua mà TYM – Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức cho các chị em thành viên tại Quảng Xương đã mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều thành viên. Trực tiếp thăm trang trại nuôi thỏ và lắng nghe chị Hoàng Thị Vân chia sẻ về câu chuyện làm kinh tế của mình thật sự đã tạo động lực lớn để các chị nhìn nhận và đổi mới mô hình VAC truyền thống tại địa phương.

Chị Hoàng Thị Vân tham gia TYM từ năm 2016 và là một trong những thành viên điển hình của TYM – Chi nhánh Thánh Hóa. Thời điểm trước khi tham gia TYM, mặc dù anh chị luôn chăm chỉ làm lụng, chăn nuôi lợn nhưng gia đình chị vẫn thuộc diện hộ có thu nhập thấp. Thế nhưng, mọi thứ đã trở nên thay đổi kể từ khi anh chị quyết định cần phải thay đổi trong hướng làm kinh tế của gia đình. Nói được làm được, sau một thời gian tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm, đến năm 2017 gia đình chị Vân là hộ đầu tiên thực hiện mô hình trang trại VAC chăn nuôi thỏ, lợn rừng, đào ao, thả cá và trồng cây ăn trái với diện tích hơn 2 hécta tại xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Trước khi đầu tư mô hình chăn nuôi thỏ, chị Vân tìm hiểu thì được biết hầu hết các trang trại chăn nuôi ở trên địa bàn đều chăn nuôi lợn, gà, chim bồ câu, nuôi cá. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc chăn nuôi gặp rất nhiều rủi ro như giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, lợn, gà thường xuyên mắc các dịch bệnh. Kèm theo đó, các thương lái thường ép giá. Điều này khiến cho những hộ gia đình nông dân thường thua lỗ, vốn bỏ ra nhiều mà lợi nhuận mang lại không cao thậm chí còn mất trắng nhất là khi có dịch bệnh. Một số chủ trang trại lâm vào nợ nần, phải bỏ hoang trang trại của mình để đi làm thuê.

Chuyến tham quan mô kinh tế điển hình vào tháng 6/2019 vừa qua mà TYM – Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức cho các chị em thành viên tại Quảng Xương đã mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều thành viên.

Với suy nghĩ cần phải sản xuất theo hướng mới, vợ chồng anh chị đến một số mô hình chăn nuôi thỏ lớn tại các huyện lân cận và nhiều tỉnh thành trên cả nước để đi thăm, tìm hiểu. Chị nhận thấy, đầu tư chăn nuôi thỏ rất phù hợp với điều kiện hiện tại của gia đình như nguồn vốn ban đầu thấp, thu nhập mang lại hàng tháng đều, thỏ sinh sản nhanh, dễ dàng nhân giống, đồng thời thỏ ít dịch bệnh hơn lợn, gà.

“Sản xuất VAC muốn phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, trước tiên vẫn phải có hướng sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường, thì đầu ra mới ổn định, xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng” – Chị Hoàng Thị Vân – thành viên TYM tại Hòa Trinh, xã Quảng Hòa, Quảng Xương,Thanh Hóa.

Khi quyết định mở trang trại chăn nuôi thỏ, gia đình chị đã gặp rất nhiều khó khăn, không có tài sản gì ngoài bãi đất trống chưa được khai hoang cùng 17 triệu đồng tiền mặt. Chị Vân vận động, thuyết phục anh em trong nhà để vay số tiền 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Thế mà khi chuồng trại đã sẵn sàng thì cũng là lúc anh chị cạn vốn, chẳng còn tiền mua con giống và bắt tay vào chăn nuôi. Mô hình nuôi thỏ lúc bấy giờ ở địa phương còn mới mẻ, không nơi nào dám cho vợ chồng chị vay tiền. Thế nhưng khi cán bộ TYM đến nhà thẩm định hồ sơ và tìm hiểu về mô hình kinh doanh của gia đình đã không ngần ngại đồng ý cho chị vay vòng 2 với số tiền 20 triệu đồng. Nguồn tiền tuy nhỏ mà đúng lúc và ổn định này đã giúp chị có điều kiện mua con giống, thức ăn chăn nuôi. Cứ vậy, các vòng vốn tiếp theo, chị đều đăng ký vay thêm ở mức cao hơn để nâng cao sản lượng chăn nuôi và đầu tư sửa sang, gia cố cho chuồng trại.

Share

31/12/2019