Thành viên: Đậu Thị Nguyên
Tuổi: 52
Sống tại: Cửa Lò, Nghệ An
Chế biến sứa – mô hình khởi nghiệp của người phụ nữ yêu quê hương Cửa Lò
Từ một hộ kinh doanh hải sản nhỏ lẻ với thu nhập bấp bênh, gia đình chị Đậu Thị Nguyên, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đã khởi nghiệp và xây dựng thành công thương hiệu Sứa Đạt Nguyên.
Chị Đậu Thị Nguyên là thành viên TYM tại Cửa Lò thuộc chi nhánh Nghi Lộc, Nghệ An. Trước khi có được mô hình kinh doanh như ngày hôm nay, gia đình chị Nguyên thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp, từng phải trải qua rất nhiều nghề để kiếm ăn và đã có lúc gặp thất bại trong việc kinh doanh dẫn đến nợ nần, khó khăn vô cùng.
Năm 1995, vợ chồng anh chị bắt đầu bằng nghề đánh bắt thu mua hải sản nhưng cách thức kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ nên lợi nhuận không cao. Đến năm 2002, gia đình chị quyết tâm vay vốn để đầu tư đóng thuyền đánh bắt cá nhưng thiên tai, mưa bão thường xuyên nên cũng thua lỗ, đẩy gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất phải nằm trong diện hộ nghèo của địa phương. Vợ chồng anh chị bắt đầu lại bằng hai bàn tay trắng và mở cửa hàng nhỏ bán hải sản ở Cửa Lò. Cho đến tận năm 2013, sau một thời gian dài luôn đau đáu với nghề chế biến sứa tại địa phương và thật sự tìm hiểu kĩ càng về thị trường sứa, chị Nguyên mới cùng gia đình mở cơ sở chế biến và dự trữ sứa. Trước khi đạt được những thành công như ngày hôm nay, bản thân chị cùng gia đình đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn mà tưởng chừng nhiều lần có thể sẽ phải bỏ cuộc.
Hiện tại, gia đình chị Nguyên đang sở hữu 02 cơ sở trữ và chế biến sứa với sức chứa hơn 150 tấn và 1 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng hải sản tươi sống. Đây là đầu mối cung cấp sản phẩm sứa cho các nhà hàng, khách sạn tại Cửa Lò. Sản phẩm sứa của gia đình chị không chỉ được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn xuất bán sang cả thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan và một số nước Châu Âu. Cơ sở chế biến sứa này cũng đã tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ với mức lương bình quân 6 triệu/người/tháng. Là một thành viên TYM “trưởng thành” tức là khi tham gia TYM thu nhập của gia đình ở mức thấp đến nay sau nhiều năm đã phát triển kinh tế và gia đình có thu nhập ổn định, chị Nguyên cũng rất sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về thành công hôm nay của gia đình.
“Kinh nghiệm tôi rút ra được khi giải quyết khó khăn đó là sự nhạy bén, kiên trì, khéo léo, giữ chữ tín trong công việc, với mỗi khó khăn cần vạch ra nhiều hướng giải quyết khác nhau để lựa chọn phương án tối ưu. Kinh doanh cũng cần phải mạo hiểm, quyết đoán, dám đầu tư và chấp nhận rủi ro” – Chị Đậu Thị Nguyên
1. Bài toán thiếu vốn là muôn thuở, nan giải nhất cần phải được giải quyết đầu tiên
Thiếu vốn là vấn đề khó khăn lớn nhất để thực hiện kế hoạch kinh doanh. Năm 2012, những tháng năm đầu tiên còn chồng chất khó khăn khi nghề đánh bắt bị nhiều thua lỗ cũng là thời điểm tôi biết tới TYM. Khi đó, gia đình bắt đầu lại bằng một cửa hàng kinh doanh hải sản nhỏ tại cảng cá Cửa Lò. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi biết đến mô hình cho vay vốn của TYM: không thế chấp, được vay liên tục các vòng vốn với mức vay tăng dần. Lúc đó tôi đã lập tức nhận ra đây chính là nguồn vốn tôi cần, và hơn thế tôi cảm giác mình sẽ có TYM như một người bạn đồng hành và mở ra cho tôi cơ hội học tập từ TYM và các chị em khác. Món vốn đầu tiên tôi được vay từ TYM là 10 triệu đồng, tuy không lớn nhưng đúng thời điểm gia đình khó xoay sở, vay mượn được ở những nguồn khác. Chính vì vậy, khoản tiền này có ý nghĩa vô cùng quý giá trong giai đoạn khởi đầu sản xuất, kinh doanh của gia đình. Đến năm 2013, tôi tiếp tục vay vốn của TYM cùng số vốn của gia đình và vốn góp vay mượn kêu gọi cùng đầu tư của anh em trong gia đình, chúng tôi bắt đầu đầu tư xây dựng bể chứa và chế biến sứa. Cũng nhờ đó, gia đình tôi đã “nâng cấp” từ hộ kinh doanh nhỏ từng bước làm ăn lớn hơn, xây dựng được thương hiệu Sứa Đạt Nguyên của gia đình mình. Cho đến nay, chúng tôi vẫn vay tiếp vốn của TYM hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho cơ sở sản xuất.
Tôi hiểu rằng nếu muốn kinh doanh, đồng vốn là điều rất quan trọng. Bên cạnh nguồn vốn tích lũy của gia đình, khi đã xác định đầu tư vào kinh doanh thì chúng tôi đã vận động và thuyết phục thêm các anh em, bạn bè của mình cùng góp vốn; tận dụng những các cơ hội, chính sách ưu đãi phát triển nghề của địa phương để tìm nguồn vốn vay từ các tổ chức, đoàn thể và từ ngân hàng.
2. Nhận ra tiềm năng của địa phương và những thách thức có thể gặp phải, giải quyết bài toán bền vững
Ở Cửa Lò sứa là mặt hàng hải sản có chất lượng cao, trữ lượng lớn. Thế nhưng ngư dân khi đánh bắt lại không tìm kiếm được đầu ra ổn định, nên sứa thường xuyên bị thương lái ép giá. Mặc dù trữ lượng sứa lớn nhưng chúng tôi lại thiếu đi những cơ sở chế biến, bảo quản sứa để đảm bảo nguồn cung vào mùa du lịch cao điểm. Có nhiều cơ sở buộc phải tìm kiếm thêm các nguồn sứa ở nhiều nơi, khiến cho thương hiệu sứa tại Cửa Lò bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi nguồn hàng không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, sứa vận chuyển xa bị ảnh hưởng về chất lượng. Vì vậy, năm 2013 tôi đã bàn bạc cùng gia đình quyết định mở cơ sở chế biến và dự trữ sứa quy mô lớn đầu tiên tại Cửa Lò. Khi mở cơ sở này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ việc làm thế nào xây dựng bể chứa theo đúng quy chuẩn, làm thế nào để thu mua đủ nguồn sứa đầu vào, làm sao đủ vốn đầu tư…Tuy nhiên chúng tôi biết rằng để có thể thành công thì phải tìm được cách bảo quản và dự trữ sứa chất lượng để đảm bảo nguồn cung cho cả năm.
3. Bứt khỏi tư duy manh mún, nâng cao thương hiệu, giá trị hàng hóa
Thời gian đầu kinh doanh, có những vụ mùa đánh bắt, ngư dân vẫn bán rẻ cho thương lái chứ chưa dám bán cho mình vì họ sợ cơ sở của mình sẽ không mua lâu dài. Tôi phải đến từng chủ tàu thuyết phục, cam kết thu mua lâu dài, cho ứng tiền trước, cho ký gửi sản phẩm tại kho của mình, đồng thời liên hệ với các tàu cá ở miền Nam để đặt hàng hải sản vì mùa đánh bắt khác nhau. Bên cạnh đó chúng tôi tin rằng vấn đề kỹ thuật là hết sức quan trọng và quyết định giá trị của sản phẩm nên bản thân tôi cùng chồng tôi đã dành thời gian đi Quảng Ninh và một số nơi khác để tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiêm từ các cơ sở chế biến, kinh doanh khác rồi tự rút ra cách thức bảo quản và chế biến phù hợp với tình hình tại địa phương của mình. Lâu dần, khách hàng cũng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm sứa do cơ sở chúng tôi chế biến và tăng dần đơn hàng. Nhờ thế, nguồn cung đầu ra cũng ổn định hơn.
23/08/2020