Công nghệ mở ra cơ hội mới cho phụ nữ

07/12/2020

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM) phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho khách hàng tài chính vi mô góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh và việc làm đối với phụ nữ”.

“Đòn bẩy” giúp phụ nữ mở rộng cơ hội kinh doanh

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là cơ hội, vừa là đòi hỏi cấp thiết để tiến nhanh, tiến xa hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Thực tế chứng minh, công nghệ số giúp doanh nghiệp thay đổi vượt bậc, chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian và các giá trị mới, cơ hội mới.

Đặc biệt, trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp phiên đặc biệt với chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỉ nguyên số và nhất trí về nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận công nghệ số một cách thuận lợi.

Nhận định về vai trò của người phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Trên 50% số hộ kinh doanh đang có ở Việt Nam do phụ nữ làm chủ, có thể thấy phụ nữ đang có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc đào tạo cho phụ nữ có thể ứng dụng công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng”.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã để lại tác động nặng nề đối với các doanh nghiệp vi mô Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vi mô, hộ kinh doanh do nữ làm chủ. Họ phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, một trong số đó là không đủ khả năng và kỹ năng sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến và chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến để vượt qua khủng hoảng.

Theo các chuyên gia, nếu được tiếp cận và sử dụng công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp xoay chuyển được trong khó khăn một cách dễ dàng hơn.

Minh chứng đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Phương (Thái Nguyên). Chị Phương chia sẻ: “Với nội dung được học về mạng internet và ứng dụng di động cơ bản, bán hàng trực tuyến, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào việc kinh doanh và kết nối với bạn hàng, việc tìm kiếm các thông tin về nguyên vật liệu. Có thể kết nối từ xa mà không cần phải đến trực tiếp nên rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả công việc”.

Ngoài ra, chị Phương cho biết đã áp dụng công nghệ số trong thanh toán tiền hàng, tiền cước viễn thông hay điện thoại, từ đó việc thanh toán được diễn ra nhanh hơn và chi phí thấp hơn.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Đưa tài chính số gần hơn với người dân

Còn theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), công nghệ sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” đưa tài chính số đến gần hơn với người dân, trong đó có phụ nữ.

Bà Hiền cho rằng, dịch vụ tài chính số với những ưu điểm đó là thuận tiện, nhanh chóng, sẵn sàng ở mọi lúc mọi nơi và chi phí thấp sẽ giúp việc kinh doanh cũng như đời sống của người dân được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, các con số cho thấy việc tiếp cận với dịch vụ tài chính hiện đại ở các nước đang phát triển và ở Việt Nam vẫn còn khiếm tốn, nguyên nhân được cho là từ nhận thức của người dân chưa đầy đủ về những lợi ích mà dịch vụ này mang lại, đồng thời những lo lắng, nhất là của phụ nữ về rủi ro, an toàn khi sử dụng.

Theo bà Hiền, dịch vụ tài chính số sẽ giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa xử lý được những tình huống khó khăn bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Đơn cử như việc nhận tiền hỗ trợ trong đại dịch vừa qua.

Chính vì vậy, bà Hiền cho rằng, việc giáo dục tài chính cho người dân là vô cùng quan trọng, và nhất là đối với người phụ nữ.

Đồng tình với ý kiến này, bà Phạm Thị Hương Giang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thành viên hội đồng TYM cho biết: “Nghiên cứu chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến người dân không tiếp cận tài chính thuận lợi đó là điểm giao dịch tài chính rất xa so với nơi ở của người dân. Khi có sự hỗ trợ của công nghệ, đây sẽ là đòn bẩy để dịch vụ tài chính tiếp cận nhiều phụ nữ hơn”.

“Phụ nữ có rào cản về kĩ năng và sự tự tin, sự tin tưởng vào các an toàn của dịch vụ tài chính. Chính vì vậy cần cải thiện các yếu tố này để người phụ nữ tự tin hơn khi tiếp cận công nghệ trong thời đại mới”, bà Giang cũng nhấn mạnh.

Nhằm giúp phụ nữ có thể tiếp cận với công nghệ số một cách dễ dàng hơn, Quỹ châu Á và Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương (TYM) thống nhất hợp tác tổ chức Dự án “Go Digital ASEAN”, để mở rộng cơ hội kinh tế bằng cách trang bị cho các cộng đồng yếu thế, đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ do nữ làm chủ và hộ kinh doanh gia đình, các kỹ năng công nghệ thông tin quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số”. Dự án hỗ trợ 10 quốc gia Đông Nam Á bao gồm có Việt Nam.

Đến nay, dự án đã đào tạo cho 62.447 khách hàng và chồng, con khách hàng với 25% nội dung bài học về cách sử dụng các công cụ công nghệ thông tin và thị trường online để thực hiện các hoạt động kinh doanh và sinh kế.

Toàn cảnh Hội thảo
Khu trưng bày các bài giảng của TYM
Theo Thời báo Ngân hàng
Share

Tin tức gần đây

Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Ứng dụng công nghệ số, đưa phụ nữ tiếp cận gần hơn với tài chính vi mô

Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hội …

Share
Đọc thêm tại đây
Chuyển đổi số và số hóa dịch vụ tài chính vi mô, hướng tới tài chính toàn diện

Ngày 13/5/2021, TYM đã phối hợp với công ty Techplus Solution tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Cơ hội để phụ nữ tham gia vào nền kinh tế số

Hiện nay, có 200 nghìn doanh nghiệp do nữ đang làm chủ, …

Share
Đọc thêm tại đây