Lực hấp dẫn của tài chính vi mô: Dễ vay, dễ trả (Bài 1)

15/10/2012

Các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) cho vay với lãi suất cao nhất lên đến 13,5%/năm – không thấp hơn lãi suất của NHTM. Nhưng với mô hình hoạt động đặc biệt, bộ máy gọn nhẹ; giải ngân đến từng hộ gia đình những khoản cho vay chỉ từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng, TCVM đang trở thành đối thủ đáng gờm của các NHTM với tốc độ phát triển nhanh, độ phủ sóng ngày một rộng.

Bà Hạnh (trái) cho biết Tài chính vi mô đã giúp bà gắn bó với nghề truyền thống

Bà Nguyễn Thị Hanh, thôn Bạch Chữ, xã Tiến Thắng cho biết, nhà bà làm nghề gói bánh chưng bao đời nay nên bà phải quyết tâm giữ nghề ông cha để lại. Ngay từ năm 1999 khi Quỹ TYM về đến huyện Mê Linh thì bà là thành viên chung thủy và là khách hàng thường xuyên của tổ chức này.

Bà Hanh nhớ lại: thời điểm năm 1999 gia đình bà cũng khó khăn, phải nuôi 4 đứa con ăn học, thông qua Hội Phụ nữ bà xin gia nhập Quỹ TYM. Rồi bà được cán bộ của Quỹ giới thiệu về mô hình hoạt động hấp dẫn nên “bén duyên” với tổ chức rất mới mẻ này luôn. Lúc đầu bà chỉ được vay 700 nghìn đồng và cứ thế khi đã tạo dựng được niềm tin, đồng vốn được chứng minh hiệu quả, mức cho vay được tăng dần. Bà Hanh cũng không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu bà vay vốn từ Quỹ TYM, bởi TCVM có thời hạn cho vay dài cũng chỉ hai năm nhưng hiện tại bà đang có số dư nợ của Quỹ TYM là 29 triệu đồng.

Mặc dù với mức lãi suất cho vay của Quỹ TYM ở mức 13,5%/năm không phải là mức lãi suất hấp dẫn nếu so với Agribank nhưng một trong những lợi thế vượt trội của Quỹ này chính là ở mô hình “trả góp” rất phù hợp với túi tiền nhỏ lẻ người dân nông thôn. Vì vậy, Quỹ TYM trở thành nơi tin cậy của người dân ngoại thành.

Bà Hanh cho biết, với số tiền vay 29 triệu đồng được chia làm hai kỳ hạn. 25 triệu đồng là vay ngắn hạn, trả gốc và lãi dần trong 50 tuần, lãi suất 13%/năm; 4 triệu đồng, trả gốc và lãi trong thời gian 70 tuần, lãi suất 13,5%/năm. Với vốn vay dài hạn, quỹ cũng linh hoạt cho khách hàng có thể chọn thời hạn trả là 100 tuần.

Theo bà Hanh, như vậy mỗi tuần bà chỉ phải trả cả tiền gốc và lãi là 644 nghìn đồng, một khoản tiền vừa phải, rất phù hợp với công việc buôn bán của gia đình bà là hạch toán theo ngày, thu nhập bình quân từ làm bánh chưng lãi 150 – 200 nghìn đồng/ngày. Từ nguồn vốn vi mô, với nghề làm bánh chưng, đến nay nhà bà Hanh đã cất được nhà hai tầng và nuôi 4 đứa con ăn học trưởng thành, trong đó có hai đứa tốt nghiệp đại học.

Cũng ở thôn Bạch Chữ, xã Tiến Thắng, gia đình bà Phan Thị Hoa kinh doanh lớn hơn nhiều hộ gia đình khác khi có tới một trang trại chăn nuôi với 2.000 con vịt đẻ trứng, thu về tiền triệu mỗi ngày, nhưng bà cũng chỉ biết đến kênh tín dụng vi mô. Bà Hoa giải thích, tham gia Quỹ TYM với mong muốn “lá lành đùm lá rách”, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Hiện nay, cụm vay vốn Quỹ TYM ở thôn Bạch Chữ có 40 thành viên, được chia làm 5 nhóm. Đa số các thành viên vay vốn để buôn bán ngoài chợ như bán rau, làm đậu phụ, cửa hàng tạp hóa, chăn nuôi…

Các thành viên đều sử dụng vốn hiệu quả. Hàng tuần, các thành viên nộp tiền gốc và lãi cho trưởng cụm, cán bộ tín dụng sẽ đến tận nhà thu tiền. Bên cạnh việc vay vốn, theo quy định hoạt động của Quỹ TYM, hàng tuần mỗi thành viên gửi tiết kiệm 10 nghìn đồng để quỹ có tiền cho vay quay vòng, và nộp 2 nghìn đồng làm quỹ tương trợ để hỗ trợ các thành viên ốm đau, gặp tai nạn. Nguồn quỹ tương trợ này rất có ý nghĩa, bởi nguồn tiền đóng góp của các thành viên ở Hà Nội có thể hỗ trợ cho các thành viên ở tỉnh, thành phố khác.

Cơ chế hoàn trả và vốn vay phù hợp

Bà Dương Ngọc Linh – Tổng Giám đốc Quỹ TYM cho biết, với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, tài sản tích lũy hạn chế, thì việc phải có tài sản thế chấp khi vay vốn là một trong những trở ngại lớn cho người dân. Tiếp cận vốn vay của TCVM, người dân không cần phải thế chấp tài sản. Vốn vay được phát ra dựa vào kết quả thẩm định khả năng sản xuất kinh doanh và khả năng hoàn trả của người dân, dựa trên sự tin tưởng và thái độ của người dân khi tham gia chương trình.

Hiện nay, ngoài hoạt động cung cấp tín dụng, hàng tháng các nhóm thường tổ chức sinh hoạt để nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay, cùng nhau chia sẻ các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, gia đình. Chị Nguyễn Thị Yến – cán bộ tín dụng chi nhánh TYM Mê Linh cho biết, năm 2009 đã tổ chức một khóa đào tạo dài ngày về quản lý rủi ro và bảo hiểm vi mô; năm 2012 lồng ghép cả chuyên đề xã hội về giới và giới tính, sức khỏe sinh sản cho các thành viên, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn.

Chị Yến cũng cho biết, đến nay dư nợ tại xã Tiến Thắng là hơn 2 tỷ đồng với 340 khách hàng vay vốn, hầu hết các thành viên đều nộp gốc và lãi đầy đủ. “Thi thoảng có một vài thành viên trong nhóm gặp khó khăn, ngay lập tức các thành viên trong nhóm hỗ trợ kịp thời để nộp gốc và lãi đúng hạn. Chẳng hạn thành viên phải nộp hơn 600 nghìn đồng/tuần, mà trong nhóm có 40 thành viên thì chỉ cần sự hỗ trợ 12 nghìn đồng/thành viên là đã đủ số tiền trên. Đó chính là sự khác biệt của tín dụng vi mô” – chị Yến nói.

Theo bà Dương Ngọc Linh – Tổng Giám đốc TYM, sự hấp dẫn của tín dụng vi mô là cơ chế hoàn trả và vốn vay phù hợp. Với cơ chế này việc hoàn trả của TCVM không tạo ra gánh nặng hoàn trả cho người dân vì gốc và lãi được chia đều theo tuần trong suốt kỳ vay vốn. Hoàn trả theo tuần cũng phù hợp với đặc điểm kinh doanh của đa số người dân ở địa bàn nông thôn là kinh doanh buôn bán nhỏ, có thu nhập theo ngày. Vốn vay được tăng dần, vòng vốn sau cao hơn vòng vốn trước giúp người dân làm quen với cơ chế hoàn trả, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng lên của người dân.

Đức Nghiêm

(Trích Thời báo Ngân hàng ngày 12/10/2012)

Share

Tin tức gần đây

Nâng cao năng lực cho cụm trưởng năm 2024 tại TYM – Chi nhánh Hưng Yên

Ngày 22/11/2024, TYM – Chi nhánh Hưng Yên tổ chức đào tạo …

Share
Đọc thêm tại đây
Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây