Thành viên: Nguyễn Thị Huyền

Tuổi: 55

Sống tại: Xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội

Câu chuyện khởi nghiệp: Nữ nông dân làm giàu từ rau an toàn

Nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng được hiệu quả từ những nguồn lực hỗ trợ, chịu khó học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã ghi dấu thành công với các sản phẩm rau chất lượng cao.

Chị Huyền cho biết, mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 20 tấn với 50 sản phẩm rau củ các loại, đến khách hàng là cá nhân, các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, các công ty, bếp ăn tập thể.

Điểm cộng của HTX Ba Chữ

Chị Huyền nhớ lại, nghề trồng rau ở Vân Nội đã có từ những năm 1990 nhưng ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình, nên còn manh mún và còn có tình trạng người trồng rau chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Nhu cầu về rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên cần thiết cho người tiêu dùng. Sau nhiều năm trồng rau an toàn với quy mô nhỏ, chị đã quyết tâm thành lập hợp tác xã với mong muốn lớn nhất là thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng: sản xuất có tâm, sử dụng phân bón đúng, đủ thuốc bảo vệ thực vật; Tiêu dùng an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Cải canh, cải ngồng được cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao

Những ngày đầu thành lập, HTX gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng Hội đồng quản trị và các thành viên trong HTX luôn nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Năm 2019, HTX Ba Chữ đã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của thành phố Hà Nội và có các sản phẩm rau cải canh, cải ngồng được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Đầu năm 2020 sản phẩm cải chíp, mùng tơi của HTX tiếp tục được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Một trong những điểm cộng của HTX Ba Chữ là các các hộ liên kết trồng rau theo tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System) và ghi chép nhật ký trong sản xuất. PGS là một hệ thống đảm bảo cùng tham gia của các hộ, nhóm hộ, liên nhóm hộ giám sát chéo nội bộ theo hệ thống. Hệ thống này đảm bảo chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan, gồm người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.

HTX còn phát triển việc bán hàng trên cán nền tảng trực tuyến, linh hoạt, thích ứng theo nhu cầu của thị trường

Bên cạnh đó, với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chị Huyền đã nghiên cứu và sử dụng chế phẩm tái sử dụng như vỏ củ quả, lá rau sau sơ chế ủ cùng khô dầu đậu tương trong 1 tháng cho ra sử dụng làm phân bón. Chị cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng gừng, tỏi, ớt, xả để xua đuổi côn trùng đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường an toàn, không chất bảo quản mà có thể để được 2 đến 3 ngày.

Thời gian trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch từ 30 đến 40 ngày. Các loại rau của HTX đều được giữ lại mẫu và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề về an toàn thực phẩm. Mô hình sản xuất rau hữu cơ sinh học theo hướng công nghệ cao và xây dựng nhà màng khung vòm ni lông với hệ thống tưới tiêu tự động đã được chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ cho các thành viên khác trong HTX cùng sử dụng, khắc phục tối đa việc sử dụng chất hóa học trong sản xuất.
HTX cũng phát triển việc bán hàng trên cán nền tảng trực tuyến, linh hoạt, thích ứng theo nhu cầu của thị trường.

Đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Trên chặng đường khởi nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của bản thân, Giám đốc HTX rau Ba Chữ cho biết, chị luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể. Với chị, nguồn vốn vay từ Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM) là một trong những trợ lực ý nghĩa trong suốt 6 năm qua. Từ số vốn vay 20 triệu đồng lúc ban đầu, chị đã đề nghị TYM xét tăng vốn vay lên 50 triệu đồng.

“Dù đây là khoản vay không lớn nhưng với đặc thù của công việc sản xuất rau cho thu nhập đều đặn hàng ngày, chị có thể trả lãi hàng tuần rất phù hợp. Với khoản vay này, tôi có thêm vốn để quay vòng hiệu quả, giúp ích rất nhiều cho việc sản xuất và từ đó phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh được hỗ trợ nguồn vốn, trở thành thành viên của TYM, tôi và các chị em trong HTX còn nhận được những sự hỗ trợ, chăm sóc khác như: chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại các buổi sinh hoạt cụm, được khám sức khỏe, được tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng theo chủ đề phù hợp với nhu cầu. Nhờ thế, chị em có thể học hỏi và cùng nhau sản xuất và phát triển kinh tế”, chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thị Huyền cùng Ban Tổng giám đốc TYM và Giám đốc Chi nhánh tại Lễ trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

Riêng với vai trò là Giám đốc HTX, thông qua các hoạt động của TYM, chị Nguyễn Thị Huyền có nhiều cơ hội để tiếp cận trực tiếp với các thành viên trong HTX, biết được tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó lên ý tưởng và kế hoạch thiết thực, hiệu quả để triển khai, chỉ đạo HTX. Chị Huyền cũng có cơ hội tham gia nhiều hội chợ do TYM tổ chức và kết nối, sản phẩm rau an toàn của chị cũng được bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của thành viên.

Chị Huyền cho biết, sắp tới, chị sẽ tiếp tục làm hồ sơ để được nhận vốn vay từ TYM, để mở xưởng sản xuất và mở cửa hàng bán các chế phẩm từ rau xanh như phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, để đưa tiêu dùng xanh, bền vững đến gần hơn với cộng đồng.

Nhắc đến cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, chị Huyền chia sẻ đây là một trải nghiệm đáng nhớ và cơ hội tuyệt vời đối với chị. Cho đến giờ, chị vẫn không thể tin rằng mình có thể vượt qua rất nhiều dự án/ý tưởng của các chị em toàn quốc và đạt giải. Bên cạnh sự ghi nhận của Ban tổ chức, chị Huyền cho rằng những kiến thức, kinh nghiệm mà chị đã học hỏi được thông qua sự chia sẻ của các thí sinh khác và những khóa học trong khuôn khổ cuộc thi này là vô cùng có giá trị đối với chị.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (bìa phải) và bà Lê Thị Hồng Nhi, Công ty Unilever Việt Nam (bìa trái) trao giải Giải Vì cộng đồng cho chị Nguyễn Thị Huyền

Với chị, tham gia cuộc thi này là một cơ duyên và chị có thể đi được xa trong cuộc thi này là nhờ sự hỗ trợ của rất nhiều người, trong đó có TYM. “Qua TYM tôi được biết đến cuộc thi. Tôi còn nhớ, ban đầu tôi cũng khá phân vân nhưng các bạn cán bộ TYM động viên và hứa rằng sẽ hỗ trợ tôi hết mức trong cuộc thi thì lúc đó bản thân mới tự tin để tham dự. Tôi cứ cho rằng đó là một lời động viên thôi, chứ không ngờ TYM đã đồng hành với tôi suốt chặng đường đó, từ việc tư vấn để làm hồ sơ dự thi, trình bày ý tưởng, cho đến hỗ trợ trang thiết bị, máy móc để tôi có được điều kiện tốt nhất khi tham gia học, trình bày ý tưởng của cuộc thi. Quả thật, nếu một mình xoay xở trong cuộc thi với hình thức trực tuyến với tôi sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Sự đồng hành của TYM trong cuộc thi cũng như suốt nhiều năm qua là một món quà ý nghĩa, và tôi rất trân trọng điều đó.”

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Huyền đăng ký tham gia cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Dự án “Tổ hợp tác liên kết chuỗi sản xuất rau, củ, quả tiêu chuẩn OCOP, theo hướng PGS (ghi nhật ký trong sản xuất)” của chị đã được vào vòng Chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 và đạt giải thưởng Vì cộng đồng.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam

Share

05/11/2021