Thành viên: Doãn Thị Loan
Tuổi: 63
Sống tại: Thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Người nông dân Nam định và hành trình làm giàu từ nuôi thỏ
Gần 6 năm qua, cô Doãn Thị Loan – thành viên cụm 55, Khu 1, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã ghi dấu ấn với nghề nuôi thỏ và tạo nên thành công trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tới thăm trang trại của cô Loan, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn này lại là bà chủ của trang trại thỏ hơn 800 con. Cô Loan tâm sự, cô vốn đang là một công nhân trang trại nuôi heo và thỏ ở phía Tây Nam ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2018 vì dịch bệnh tai xanh, trang trại phải đóng cửa nên cô về quê. Sau hơn chục năm gắn bó với công việc này, cô quyết định tự gây dựng trang trại thỏ đầu tiên tại quê nhà. Từ ý tưởng đó, năm 2019 cô tham gia TYM và vay món vốn đầu tiên 30 triệu để mua con giống và bắt đầu làm trang trại.
Qua tham khảo thị trường cũng như kinh nghiệm làm việc, cô Loan nhận thấy thỏ dễ chăn nuôi, sinh trưởng nhanh, có thị trường tiêu thụ ổn định lại có giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt việc chăn nuôi thỏ rất ít khi gặp rủi ro về dịch bệnh, có thì cũng ở mức độ rất thấp, không ảnh hưởng và lây lan, gây thiệt hại lớn cho người nuôi… Từ món vốn đầu tiên 30 triệu đồng, cô Loan đã mua 10 cặp con giống. Phát triển theo thời gian, hiện nay trang trại của cô đã có khoảng 800 con thỏ, tương đương với 200 lồng và 20 ổ thỏ con. Với tốc độ sinh sản nhanh, mỗi năm thỏ mẹ có thể sinh sản 7-8 lứa/năm, mỗi lứa từ 5-7 con, mang lại thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng.
Cô Loan chia sẻ, tính tới nay cô đã gắn bó với TYM hơn nửa thập kỷ, trải qua 5 vòng vốn và mức vốn cao nhất cô đang vay là 50 triệu đồng. Với nguồn vốn vay từ TYM cô có thêm nguồn kinh phí để mua sắm thêm công cụ, thiết bị phục vụ cho việc chăn nuôi thỏ vốn dĩ cũng khá tốn kém. Ví như vòng vốn đầu tiên cô mua được 10 cặp thỏ giống và mua vật liệu xây dựng hệ thống nhà nuôi, lắp hệ thống điện nước. Năm thứ hai vay vốn từ TYM gia đình cô hoàn thiện hệ thống bể chứa BIOGA, mở rộng thêm quy mô chuồng nuôi, sắm thêm lồng và con giống. Cứ thế từ lợi nhuận kinh doanh và nguồn vốn của TYM cùng kinh nghiệm quản lý tài chính hiệu quả, tới nay hệ thống trang trại của cô đã hoàn thiện, thu nhập dần ổn định. Cô cũng đã gây dựng được ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà dột nát trước đây. Chia sẻ về điểm hay khi vay vốn tại TYM cô luôn miệng cười và nói: “Không biết nói gì hơn, TYM hỗ trợ cho tôi ngay khi tôi đang rất cần vốn. Hơn nữa, TYM tạo điều kiện để chúng tôi hoàn trả dần, giảm bớt gánh nặng, đến tận nhà làm hồ sơ cho chúng tôi và lại còn không mất bất kỳ khoản phí hồ sơ nào. Những người nông dân chân chất như chúng tôi rất hài lòng về những điểm này”. Chia sẻ về phương thức gửi tiền tiết kiệm tại TYM cô nói: “Chúng tôi gửi từ những món tiền rất nhỏ tại TYM để xây dựng thói quen tiết kiệm, tích lũy dần vốn tự, sẵn sàng ứng phó với rủi ro không lường trước trong cuộc sống. Việc gửi và rút thuận tiện tại cụm (điểm giao dịch) ngay tại địa phương giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và thủ tục. Đó chính là lý do để tôi lựa chọn gắn bó với TYM lâu dài đến như vậy”.
Kết thúc chuyến thăm, chúng tôi không khỏi khâm phục sự sáng tạo của người nông dân chân chất này. Trong bối cảnh dịch bệnh tai xanh trên heo đang bùng phát, cô Loan đã tìm ra lời giải là nuôi thỏ và tận dụng sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, làm giàu trên chính quê hương mình. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của nông dân trong cách mạng và biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao, qua bàn tay sáng tạo của cô Loan, lại một lần nữa được khẳng định: “Nông dân ta cũng phải là anh hùng!”
Tống Thị Giang
PGD 02, TYM – Chi nhánh Nam Trực
28/02/2024