Thành viên: Huỳnh Thị Minh Tâm
Tuổi: 39
Sống tại: Ý Yên, Nam Định
Xưởng may của chị Huỳnh Thị Minh Tâm (Ý Yên, Nam Định) trong những ngày sau đại dịch Covid – 19 đang hoạt động hết công suất với 20 công nhân may là các chị em hội viên phụ nữ và thành viên TYM sinh sống trong khu vực. Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến xưởng may của chị khi đơn đặt hàng thì thưa thớt mà công nhân thì không được tập trung đông tới xưởng để may. Thế nhưng chị vẫn cố gắng để có hàng cho mọi người làm và bố trí sắp xếp cho công nhân làm việc luân phiên hoặc may tại nhà để ít nhất dù tình hình khó khăn thì mọi người vẫn có thu nhập trang trải cuộc sống.
Chị Huỳnh Thị Minh Tâm là một trong những thành viên TYM còn khá trẻ nhưng đã mở được công ty may vào năm 2015 với số vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Chăm chỉ, tích cực tìm tòi để phát triển trong lĩnh vực may mặc, vợ chồng chị đã có 2 cơ sở, một cơ sở chuyên để sản xuất rộng khoảng 180m2, một cơ sở chuyên để cắt và giao dịch rộng 120m2, với doanh thu năm 2019 đạt 2,8 tỷ đồng. Xưởng của anh chị cũng tạo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân là con, em hội viên phụ nữ, thành viên TYM trên địa bàn với mức lương cao nhất là 7 triệu đồng/tháng.
“Gia đình chúng tôi đi lên từ khó khăn. Vợ chồng chúng tôi luôn cố gắng học hỏi ở mọi nơi để tìm kiếm cách thức hiệu quả nhất vận hành công ty và xưởng may gia đình.”
Loay hoay tìm sinh kế
Nhiều năm trước đây, chị Tâm vốn chỉ quen với công việc buôn bán ở chợ. Sạp hàng hoa quả nho nhỏ này thực tế cũng chỉ giúp cho anh chị tạm trang trải cho cuộc sống gia đình còn nhiều thiếu thốn. Thế rồi anh chị mở thêm trang trại chăn nuôi lợn, gà để tăng thêm thu nhập gia đình. Vậy mà năm đó một trận bão to quét qua khiến anh chị mất trắng, thiệt hại nặng nề. Cực chẳng đã, chồng chị Tâm tìm cách đi xuất khẩu lao động tại Đài loan và làm việc trong công ty may để kiếm tiền về trả nợ. Sau 4 năm anh trở về, hai vợ chồng bàn nhau nghỉ bán hàng ở chợ để tập trung nhận hàng về gia công may. Mặc dù thu nhập từ công việc này cũng không nhiều nhưng nó cũng giúp cho anh chị tích cóp được một chút vốn liếng và đặc biệt là kinh nghiệm, kỹ năng may vá để chuẩn bị cho một bước đi xa hơn.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Khi tay nghề đã cứng, anh chị quyết định mở một công ty, một xưởng may để tự làm riêng. Nói là làm, năm 2015, vợ chồng chị Tâm mở xưởng may gia đình. Chị tin rằng với kỹ năng mà anh chị đã có được trong nhiều năm qua cùng với những kinh nghiệm, ý tưởng mà chồng chị đã học hỏi được sẽ giúp ích nhiều cho anh chị. Thế nhưng với tuổi đời còn trẻ cộng thêm tham vọng áp dụng những quy trình công nghệ mới trong xưởng may, anh chị đã gặp nhiều khó khăn. Những bài toán về quản lý bắt đầu hiện ra như: “Xưởng của mình sẽ may hàng gì? Lấy nguyên liệu ở đâu? Xuất bán cho ai? Tính toán doanh thu, chi phí sao cho hiệu quả nhất?” Đặc biệt, chị lo nguồn vốn của mình eo hẹp thì ai sẽ tin tưởng để cho mình vay khi kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh của vợ chồng còn hạn chế. Tất cả những câu hỏi đó đã làm cho anh chị phần nào bị lung lay ý định khởi nghiệp. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm và những lời động viên của người thân trong gia đình, hai vợ chồng đã bàn bạc tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ từng khó khăn. Đối với bài toán quản lý, chị Tâm chia sẻ: “Chúng tôi đã đi liên hệ và tìm kiếm những mối hàng lớn hoặc chủ động xin vào các xưởng sản xuất lớn ở khu công nghiệp và một số xưởng may tư nhân lớn để học hỏi những kinh nghiệm của họ. Thời gian đó quả thật đã giúp vợ chồng chúng tôi vỡ ra rất nhiều bài học quý giá bởi trước đây chúng tôi chỉ đứng ở góc nhìn của một người làm thuê chứ không phải của một doanh nghiệp như thế này”.
Ngay cả hiện tại, khi xưởng may của gia đình đã hoạt động hiệu quả và có được lượng khách hàng ổn định thì anh chị vẫn không ngừng thay đổi và học hỏi những điều mới mẻ. “Một đặc trưng của ngành may mặc đó là doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường thì chất lượng và mẫu mã phải luôn được thay đổi, đảm bảo được theo xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, bản thân tôi cùng chồng cũng luôn đi học hỏi kinh nghiệm làm ăn của một số cơ sở lớn trong cả nước hoặc tham gia những khóa học liên quan đến ngành may mặc để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm” – Chị Tâm nói thêm.
Anh chị đã có kế hoạch trong thời gian tới, bên cạnh những mặt hàng truyền thống đang sản xuất, công ty sẽ tiếp tục đổi mới một số máy móc công nghệ hiện đại với công suất và hiệu quả cao hơn. Chị Tâm cũng muốn mở rộng quy mô sản xuất thêm một số mặt hàng may mặc khác như quần áo theo mùa, quần áo bảo hộ lao động trong nước và có thể sẽ nhận thêm các hợp đồng hàng xuất khẩu sang nước ngoài. Dự kiến đến năm 2021 anh chị sẽ mua thêm 250m2 đất nhằm tăng diện tích nhà xưởng và đầu tư mua thêm 20 máy may để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng quy mô sắp tới.
Nguồn vốn giúp doanh nghiệp trụ vững và vươn xa
Đối với những doanh nghiệp nhỏ như vợ chồng anh chị, chắc chắn bài toán về nguồn vốn luôn là một trong những vấn đề đau đầu nhất. Thời gian đầu anh chị gom hết số tiền tích góp của gia đình, mượn thêm người thân và đi vay thế chấp ngân hàng để có tiền đầu tư máy móc, nhà xưởng. Một năm sau đó, khi đơn hàng còn chưa ổn định, doanh thu thấp, vốn chưa thu hồi được, anh chị lâm vào tình trạng khó khăn. Anh chị cần vốn lưu động để làm hàng và mua thêm máy khâu nhưng chẳng còn vay được ở đâu nữa vì tài sản đã được thế chấp để vay ngân hàng; vốn tự có, vốn của người thân không thể huy động thêm. Đó cũng là thời điểm chị Tâm được chị Chi hội trưởng HPN vận động tham gia vào TYM. Món vay đầu tiên 30 triệu đồng dù chưa phải là lớn nhưng cũng đã hỗ trợ anh chị ít nhiều nhu cầu vốn trước mắt. Chỉ vài tháng sau, nhờ luôn luôn trả vốn đúng hạn, chị lại tiếp tục được vay vốn ở TYM và cho đến nay đã 5 năm chị vẫn đều đặn vay vốn Đầu tư [1] ở TYM. “Vốn vay của TYM ổn định, các cán bộ luôn nhiệt tình tư vấn, tạo điều kiện tối đa để khách hàng được vay vốn và sử dụng vốn hiệu quả cũng là ưu thế khiến cho tôi gắn bó với TYM suốt nhiều năm nay. TYM khiến tôi yên tâm và tin tưởng rằng mình sẽ luôn có nguồn vốn ổn định để có thể vay đầu tư áp dụng những công nghệ mới trong sản xuất hoặc chủ động tính toán thời gian nhận vốn để quay vòng sản xuất.”- chị Tâm chia sẻ.
Ngoài ra chị Tâm cũng cho rằng vốn vay của TYM có những ưu thế như thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp. Điều đó cũng tạo điều kiện cho vợ chồng anh chị được tiếp cận nguồn vốn chính thống thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cơ chế hoàn trả chia nhỏ trả dần gốc lãi hàng tuần/tháng của TYM đã làm giảm nhẹ đi gánh nặng nợ nần cho người đi vay đồng thời cũng trở thành động lực yêu cầu người vay vốn như tôi phải hình thành thói quen tính toán chi tiêu tiết kiệm để có đủ tiền hoàn trả đúng thời hạn.
Câu chuyện khởi nghiệp của chị Tâm là một trong rất nhiều câu chuyện vượt khó, khởi nghiệp tại TYM. Dù vay vốn ít hay nhiều, các chị đều nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình từ cán bộ TYM và được tham gia các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế. Hơn hết, các chị luôn vững tâm vì có TYM và các chị em khác luôn sát cánh trong quá trình khởi nghiệp và phát triển kinh tế.
[1] Vốn dành cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là loại vốn có mức vay lớn nhất ở TYM, ko phải là vốn vi mô
29/06/2020