Member: Nguyễn Thị Lệ
Tuổi: 2025
Sống tại:

Hành trình từ người thu mua phế liệu rong đến chủ xưởng đúc đồng
Chị Nguyễn Thị Lệ lớn lên tại một thị trấn có nghề đúc đồng truyền thống. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng theo nghề, và chị từng chỉ biết mưu sinh bằng công việc thu mua ve chai, phế liệu.
Những năm 1998, mỗi ngày, chị rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ, đi khắp các con phố nhỏ ở Ninh Bình để nhặt nhạnh từng tờ bìa, mảnh giấy. Không có vốn, thu nhập của chị chỉ khoảng 30-50 nghìn đồng/ngày, vừa đủ lo cho gia đình 5 miệng ăn. Chị luôn trăn trở: “Giá mà có vài trăm nghìn đồng, mình có thể mua nhiều hơn, lãi cũng tốt hơn.”
Tháng 3/1998, Quỹ Tình Thương (nay là TYM) về đến tổ dân phố nơi chị sinh sống. Khi nghe nói đây là tổ chức cho phụ nữ vay vốn không cần tài sản thế chấp, chị rất tò mò nhưng cũng băn khoăn. Ban đầu, chị không hiểu vì sao muốn vay lại phải tham gia sinh hoạt nhóm, học tập, thậm chí cả hát hò. Khi hỏi những người cùng thu mua phế liệu, không ai biết rõ về tổ chức này.
Quyết tâm tìm hiểu, chị tìm đến bác Chi – Chi Hội trưởng Hội phụ nữ thôn. Khi biết đây là dự án của Hội LHPN Việt Nam, giúp chị em vay vốn trả dần mà không phải đóng hụi như thường thấy ở địa phương, chị quyết định tham gia.
Để được vay vốn, chị cần tìm đủ 5 chị em có chung nhu cầu để lập nhóm. [1]Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị thuyết phục được 5 chị em làm nghề thu mua phế liệu cùng tham gia. Nhờ vậy, chị được vay khoản vốn đầu tiên – 500.000 đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng đủ giúp chị mua hàng nhiều hơn, có lãi cao hơn. Từ đó, năm này qua năm khác, chị đều đặn vay vốn từ TYM để phát triển kinh doanh.
Gắn bó với TYM hơn hai thập kỷ, chị không chỉ được tiếp cận vốn mà còn học hỏi thêm nhiều điều. Chị dần nhận ra: “Mình sống trên đất làng nghề, sao không tự làm mà lại chỉ đi thu mua phế liệu?” Nghĩ là làm, năm 2013, vợ chồng chị quyết định mở xưởng đúc tại nhà, tận dụng tay nghề của chồng.
Ban đầu, với số vốn 200 triệu đồng, xưởng của anh chị chỉ rộng 70m², chủ yếu đúc đỉnh, lư hương, tượng truyền thần… Hiện nay, xưởng của chị có 3 thợ nguội, 4 thợ đúc, gồm vợ chồng chị, con trai và chị dâu. Tổng vốn đầu tư vào xưởng khoảng 1 tỷ đồng. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về khoảng 20-25 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng từ khách quen và một số tỉnh lân cận.
Từ nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng chị đã xây được căn nhà hai tầng khang trang. Không chỉ tập trung vào kinh doanh, chị còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhờ sự động viên của cán bộ TYM và chị em thôn xóm, chị từng đảm nhiệm vai trò cán bộ cụm TYM, cán bộ Hội Phụ nữ, tham gia Hội Khuyến học, Mặt trận Tổ quốc,…
Chia sẻ về TYM, chị cho biết: “TYM đã là người bạn đồng hành cùng gia đình tôi trong nhiều năm qua và chúng tôi luôn thấy biết ơn về những đồng vốn nhỏ quý giá đó. Từ những đồng vốn ấy mà gia đình tôi mới có được hôm nay. Tôi rất mong trong thời gian tới TYM có thể nghiên cứu để tăng mức vốn vay cho khách hàng, nhất là những khách hàng làm nghề đúc đồng vì chi phí bỏ ra rất lớn. Nếu được tăng hạn mức, chị em chúng tôi làm nghề sẽ có thêm điều kiện phát triển sản xuất.
[1] Hình thức cho vay theo nhóm cụm được TYM triển khai vào những năm 90.
31/03/2025