Tài chính vi mô: Hướng tới phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả

10/04/2021

Nhiều ý kiến góp ý, đánh giá những tác động, thuận lợi, khó khăn đã được các đại biểu trao đổi sôi nổi trong khuôn khổ Tọa đàm đánh giá chiến lược phát triển tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam do NHNN phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 30/3.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại tọa đàm

Hạt nhân của tài chính toàn diện

TCVM tại Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xoá đói giảm nghèo hữu hiệu những năm qua. Có được kết quả này theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, là nhờ khuôn khổ pháp lý đối với các tổ chức TCVM đã và đang ngày càng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả của ngành TCVM tại Việt Nam.

“Có thể nói, việc các tổ chức TCVM hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật Các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn dưới luật là một bước tiến quan trọng đối với lĩnh vực TCVM tại Việt Nam. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc phát triển ổn định hoạt động của ngành TCVM tại Việt Nam”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngày 6/12/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam (Đề án 2195). Tiếp đó, ngày 12/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của các chương trình, dự án TCVM của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi Chính phủ.

Sự ra đời của Quyết định 20 đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống TCVM theo Đề án 2195, và là cơ sở pháp lý đầu tiên hướng dẫn về nội dung hoạt động, phạm vi hoạt động đối với các chương trình, dự án TCVM, tạo nền tảng cho các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở quản lý thống nhất các chương trình, các dự án TCVM đang hoạt động nhỏ lẻ, đa dạng và trải rộng trên phạm vi cả nước.

Với mục tiêu toàn diện hơn nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới phân khúc người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, ngày 22/1/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, bao gồm các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển hoạt động TCVM.

Ông Andrew Jeffries – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng khẳng định, TCVM là một phần rất quan trọng trong tài chính toàn diện. Phát triển tài chính toàn diện là cấu phần phải đặc biệt quan tâm để phục vụ tốt hơn nữa đối tượng chưa hoặc ít có điều kiện sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng. Thực tế cho thấy lĩnh vực TCVM tại Việt Nam nhiều năm qua cho thấy những bước tiến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Theo ông Andrew Jeffries, việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các quốc gia sẽ giúp cho TCVM tại Việt Nam thời gian tới hoạt động bài bản và bền vững hơn.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý 

Bàn về khó khăn, vướng mắc trong phát triển TCVM, đại diện phía Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) cho hay, đối với các tổ chức TCVM, việc tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức này nhìn chung còn hạn chế, dẫn đến việc các tổ chức TCVM gặp khó khăn trong tăng trưởng quy mô hoạt động, không đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu vay của đối tượng khách hàng người nghèo, người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của các tổ chức TCVM quy định tại Luật Các TCTD từ năm 2010, đến nay cần được nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tế phát triển hoạt động của các tổ chức TCVM. Với phạm vi hoạt động hiện nay (chủ yếu nhận tiết kiệm và cho vay), theo phía CQTTGSNH, các tổ chức TCVM gặp khó khăn trong đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Chưa kể tới việc các quy định về thành lập mới, chuyển đổi chương trình, dự án TCVM cần được nghiên cứu, rà soát lại phù hợp với điều kiện hiện nay và có tính khả thi hơn.

Các đại biểu tham dự đều đồng thuận rằng, các công việc triển khai thời gian tới để phát triển TCVM hiệu quả cần đặc biệt bám sát với mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện. Theo đại diện CQTTGSNH, với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cần rà soát, sửa đổi Luật Các TCTD, các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức TCVM. Sau khi sửa luật, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa các thông tư có liên quan. Cùng với đó, cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Quyết định 20 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện phát triển chương trình, dự án TCVM theo hướng bền vững hơn. Rà soát quy định hướng dẫn về giám sát đối với tổ chức để sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với hoạt động…

Từ đầu cầu trực tuyến, bà Lene Hansen – chuyên gia tài chính cao cấp với nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực TCVM nhấn mạnh, ưu tiên hiện nay là cần tạo điều kiện thuận lợi cho khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, linh hoạt và phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách an toàn, hiệu quả và bền vững.

Bà Lene Hansen cũng nhấn mạnh, xây dựng và sửa đổi khung pháp lý cho TCVM ở Việt Nam nhằm thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và hợp tác theo nguyên tắc thị trường.

“Việc này cũng sẽ điều chỉnh khung quy định của Việt Nam cho phù hợp với các thông lệ tốt trên toàn cầu; thúc đẩy tăng cường khả năng tài chính toàn diện cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ việc hướng tới một khung pháp lý thích hợp, khuyến khích; khơi dậy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà tài trợ trong ngành công nghiệp TCVM ở Việt Nam”, bà Hansen cho hay.

Một trong những khuyến nghị được chuyên gia này đưa ra là xem xét việc chuẩn hoá các quy định, đặc biệt về công bố thông tin và bảo vệ khách hàng, không chỉ của các tổ chức TCVM mà của toàn bộ thị trường tín dụng, bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank, Quỹ Tín dụng nhân dân và công ty tài chính tham gia vào hoạt động cho vay tiêu dùng bán lẻ. Xem xét phát triển một khuôn khổ quy định theo từng cấp độ cho tất cả các nhà cung cấp TCVM dựa trên nguyên tắc “cùng hoạt động, cùng rủi ro, cùng quy tắc”.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Share

Tin tức gần đây

TYM đạt 2 giải thưởng trong Liên hoan phim cộng đồng Quốc tế

Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Hội LHPN Việt …

Share
Đọc thêm tại đây
Công nghệ số giúp TYM kịp thời hỗ trợ khách hàng vực dậy sau bão lũ

Việc phát triển hệ thống ngân hàng lõi CorePlus và app TYM …

Share
Đọc thêm tại đây
Thư mời cung cấp dịch vụ kiểm toán

Kính gửi: Quý Công ty Kiểm toán TYM đang thực hiện quy …

Share
Đọc thêm tại đây
Thông báo thay đổi địa điểm TYM – Chi nhánh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, PGD số 01

Căn cứ thông tư số 19/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt …

Share
Đọc thêm tại đây