Ngày 21/7/2011, trong chương trình tìm hiểu hoạt động của CARD MRI (Các tổ chức tương hỗ CARD, Phi-lip-pin), đại diện của TYM cùng một số tổ chức tài chính vi mô khu vực Đông Nam Á đã có chuyến thăm khách hàng CARD BDSFI (Công ty Phát triển Dịch vụ Kinh doanh, một thành viên của CARD MRI) và tìm hiểu những dịch vụ khách hàng thụ hưởng từ BDSFI.
Khách hàng đầu tiên chúng tôi đến thăm là chị Ludy A. Manila, chủ một đại lý bách hóa Hapinoy. Chị Ludy A. Manila đã mở cửa hàng tạp hóa cách đây 7 năm. Như chị chia sẻ, lúc đó cũng như các chị em kinh doanh tạp hóa khác, chị chỉ đầu tư một khoản tiền nhỏ vào một số mặt hàng đơn giản. Việc quản lý kinh doanh cũng không hề có sổ sách, giấy tờ nên đôi khi chị không biết tổng giá trị hàng hóa là bao nhiêu hay vốn kinh doanh có bị sử dụng vào các khoản chi tiêu của gia đình không.
Thực sự đối với chị, bán hàng chỉ để kiếm tiền chi tiêu qua ngày và không dám chắc cửa hàng có thể trụ được đến ngày nào. Vì vậy, khi CARD BDSFI triển khai chương trình phát triển kinh doanh Hapinoy, chị đã đề nghị được tham gia và thậm chí được CARD BDSFI và các chị em khác chọn làm mô hình đại lý bách hóa Hapinoy. Với dịch vụ này, CARD không trực tiếp cung ứng vốn cho chị em mà hợp tác với công ty Microventures (một công ty thúc đẩy tiếp thị lồng ghép toàn diện) để qua đó vốn vay được chuyển hóa thành hàng hóa của nhãn hàng Hapinoy cung cấp cho các đại lý bách hóa và các cửa hàng bán lẻ theo đơn đặt hàng của các cửa hàng đó.
Cùng với kênh cung ứng hàng hóa này, CARD BDSFI và đối tác hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh thông qua nhiều nội dung hướng dẫn, đào tạo như: cách bài trí cửa hàng một cách thống nhất, hấp dẫn; cách ghi chép lượng hàng nhập vào, bán ra và lỗ, lãi mỗi ngày; kỹ năng quản lý cửa hàng; đào tạo kỹ năng chăm sóc khách hàng, …
Nhờ những biện pháp hỗ trợ đa dạng, toàn diện đó mà chị Ludy A. Manila cũng như nhiều chị em khác của CARD đã duy trì và phát triển được các cửa hàng bách hoá của mình một cách chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Khách hàng thứ hai mà chúng tôi có cơ hội đến thăm là chị Nolie Estocado, chủ một xưởng sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Giống chị Ludy A. Manila, xưởng sản xuất của vợ chồng chị Nolie đã hoạt động được nhiều năm và có một số mặt hàng rất được ưa chuộng, thậm chí đựợc đặt hàng xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Nhận thấy tiềm năng và cơ hội kinh doanh rộng mở, chị đã mạnh dạn đề nghị CARD BDSFI hỗ trợ thiết kế kiểu dáng sản phẩm và thúc đẩy tiếp thị sản phẩm rộng rãi hơn nữa. Đáp ứng nguyện vọng của chị, CARD BDSFI đã cử chuyên gia thiết kế sản phẩm đến hỗ trợ gia đình chị trên cơ sở đặt hàng của khách quốc tế cũng như đánh giá và dự đoán thị hiếu thị trường. Ngoài ra, CARD BDSFI cũng liên tục tạo điều kiện cho chị tham gia các khóa đào tạo, hội chợ, chương trình giới thiệu sản phẩm cũng như các giải thưởng kinh doanh sáng tạo. Nhờ đó, danh tiếng của xưởng và hình ảnh các mặt hàng được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến và quan tâm. Hiện nay, chị coi việc đổi mới thiết kế sản phẩm và thúc đẩy tiếp thị là một trong những hoạt động thường xuyên, quan trọng của gia đình chị. Áp lực duy nhất tại thời điểm này là sản xuất đầy đủ, kịp thời theo đúng đơn đặt hàng. Nhưng chị cho biết, chị không cảm thấy lo lắng về công việc kinh doanh nhiều như trước nữa, vì chị đã có CARD BDSFI luôn cùng chị suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi tốt nhất.
Đó là hai trong số rất nhiều hình thức hỗ trợ phát triển kinh doanh của CARD BDSFI như hỗ trợ chọn giống lúa năng suất cao, chuẩn hóa quá trình tinh luyện đường, nâng cao chất lượng và hình ảnh sản phẩm của chị em, tổ chức phòng trưng bày sản phẩm và tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Trở về sau chuyến đi này, tôi không khỏi liên hệ đến hoạt động của TYM. Hiện TYM đã có những chương trình đào tạo về quản lý kinh doanh và tham quan trao đổi kinh nghiệm cho chị em. Nhưng cùng với sự phát triển, chị em cũng cần lắm những hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Có thể những kinh nghiệm từ hoạt động của CARD sẽ giúp TYM đi xa hơn nữa trên con đường đồng hành và hỗ trợ phụ nữ của tổ chức.
Ngọc Hà